Doanh nhân mặc thế nào cho phong cách?

"Ăn cho mình, mặc cho người” là câu nói khá đúng với giới doanh nhân và được không ít người thành đạt áp dụng thành công trong kinh doanh. Trang phục doanh nhân có vai trò như một lời hứa, một sự đảm bảo tin cậy về những gì đối tác có thể chờ đợi ở họ và công ty của họ.

Trang trọng, lịch lãm là xu hướng của doanh nhân hiện đại (ảnh minh họa)

Trang phục có sự khác biệt

Đối với mỗi ngành nghề đều có những chuẩn mực nhất định như: Giáo viên, công chức nhà nước… nguyên tắc cơ bản là kín đáo phù hợp văn hóa Việt Nam và phép lịch sự chốn đông người. Một số ngành khác, trang phục mang tính tự do, phá cách như với ca sỹ, đôi khi có chút “bụi bặm” như văn nghệ sĩ, họa sĩ…

Riêng với doanh nhân, họ là giới có phong cách ăn mặc khá đặc trưng – sự nghiêm túc, cẩn trọng và lịch sự. Đặc biệt, trong xu hướng phát triển hiện đại, hình thức có quyết định không nhỏ đến nội dung, văn hóa của doanh nhân còn được thể hiện qua phong cách ăn mặc, trang phục doanh nhân còn là một phương thức để họ thể hiện cá tính, phong cách và sự hiểu biết sâu rộng của mình, giới doanh nhân ngày càng khẳng định xu hướng thẩm mỹ sang trọng, lịch lãm. Vẻ “former”, lịch sự trong bất cứ bối cảnh nào ấy, dường như không còn, mà vẻ bên ngoài của họ nhằm mục đích khởi đầu tốt cho việc xúc tiến các hoạt động thương mại, có thể nói đó là kiểu ăn mặc có phong cách và… "hái” ra tiền.

Trang phục của doanh nhân nói lên điều gì?

Theo tư vấn của những nhà thiết kế thời trang và chuyên gia tư vấn về trang phục, bộ trang phục đúng nghĩa của doanh nhân cần thể hiện được 3 nội dung sau đây:

Giới thiệu: Qua trang phục mặc trên người, doanh nhân bước đầu cho đối tác, hoặc những người xung quanh hiểu mình là ai, đến từ đâu, làm công việc gì, thuộc tầng lớp nào...

Điều tiết: Trang phục có ảnh hưởng (thậm chí có thể làm thay đổi) thái độ và tâm trạng của những người mặc đối với công việc họ đang tiến hành. Cụ thể, khi họ mặc trang phục phù hợp với lĩnh vực và công việc cụ thể, mỗi người sẽ thấy tự tin hơn. Đặc biệt khi  tập thể  doanh nghiệp xây dựng được văn hóa trang phục họ sẽ thấy đoàn kết hơn, có niềm tự tôn hơn, từ đó tạo ra sức mạnh tập thể và tăng được hiệu suất lao động

Thông tin: Trang phục không chỉ là cái để khoác lên người, mà nó còn thể hiện nhiều khía cạnh khác về chủ thể, thậm chí là những điều chủ thể không muốn nói ra như: Tính cách, nguồn gốc, thẩm mỹ, thói quen, tâm trạng và đôi khi là cả mức thu nhập .

Với những chức năng trên, khiến cho thời trang giành cho doanh nhân cũng có những tiêu chí, đặc điểm riêng về giá trị, màu sắc và kiểu dáng.

Giá trị: Thông thường, giá trị bộ quần áo bạn đang mặc càng cao, thì vị trí của bạn cũng cao tương xứng trong mắt người đối diện. Người ta tính giá trị dựa trên chất liệu, sự độc đáo về kiểu dáng thiết kế và sự "hợp mốt" của trang phục

Màu sắc: Kiểu được coi là chỉ dành cho giới thượng lưu là hơi ôm vào thân và nhấn mạnh các góc, còn kiểu dành cho “thường dân” sẽ có nhiều đường cong hơn

Kiểu dáng: Dấu hiệu của những nhân vật quan trọng là trang phục ít màu sắc với gam màu đen – trắng luôn được coi là sang trọng, ngoài ra, màu xám tro và tất cả các sắc độ của màu xanh dương đậm cũng được sử dụng.

Chọn trang phục thế nào cho phù hợp?

Không ít doanh nhân do nghèo nàn về kiến thức thời trang mà phạm phải những sai lầm trong ăn mặc, chạy theo mốt, tự để cao sự quyến rũ không đúng chỗ, không ý thức được phong cách chuẩn cho doanh nhân; có người lại chọn trang phục theo những nguyên tắc cứng nhắc, dập khuôn tạo ra sự nhàm chán trong phong cách, thiếu sức lôi cuốn. Những sai lầm này là nguyên nhân gián tiếp khiến bạn thất bại trong việc tạo lập các mối quan hệ làm ăn.

Vì thế, dựa vào môi trường kinh doanh cũng như trang phục quần áo dành cho doanh nhân có những nét đặc trưng riêng và để hài hòa được thẩm mỹ cá nhân với sự phù hợp tạo ra lợi ích công việc, bạn chỉ cần tham khảo các nguyên tắc chung sau:

Đối với nam giới: Trang phục bao gồm áo quần và đồ trang sức đi kèm nhằm giúp cho người mặc toát lên vẻ thanh lịch, trang nhã, chuyên nghiệp, có uy tín, tự tin, đứng đắn, đáng tin cậy.

Đối với nữ: Trang phục đa dạng hơn, tuy nhiên ăn mặc cần thể hiện những phẩm chất như: Nghiêm nghị, thông minh, kín đáo, có óc tổ chức… Mặt khác, nữ doanh nhân vốn mang nét đặc trưng giới tính là "phái đẹp", nên việc ăn mặc cần mềm mại và tinh tế sẽ thu được nhiều thành công hơn trong giao dịch kinh doanh.

Đến công sở, nứ doanh nhân nên mặc trang phục vừa vặn, có độ dài thích hợp. Quần không quá rộng cũng không nên quá bó, nhất là không để trông thấy đường nếp gấp. Váy, đặc biệt là váy túm, nên rộng vừa đủ để thoải mái khi ngồi. Áo vest nên có nút cài... Một điểm cần lưu ý, không nên sử dụng quá nhiều phụ kiện trông rối mắt và phù phiếm. Đi dự tiệc, một chiếc đầm hoàn hảo không nhất thiết phải là hàng hiệu đắt tiền. Với tư cách là một doanh nhân, bạn không nên diện các kiểu đầm quá gợi cảm, xuồng xã hay kì quái. Kiểu dáng nên đơn giản, kín đáo, váy không cao quá gối, đầm không để lộ nhiều phần vai, cổ và cánh tay.

Ăn mặc có phong cách, lựa chọn trang phục tinh tế, là những dấu hiệu tích cực đầu tiên để bạn khẳng định hình ảnh đáng tin cậy của mình trước đối tác. Tuy nhiên, bạn hãy luôn nhớ rằng, tri thức và tầm nhìn mới là những yếu tố đem đến giá trị đích thực và mối quan hệ hợp tác kinh doanh phát triển bền vững cho doanh nhân.

 


  • 25/10/2012 04:35
  • Diệu Thảo
  • 4317


Gửi nhận xét