Xây dựng văn hóa doanh nghiệp: Cần thúc đẩy “10 C”

“10 C” là viết tắt chữ cái đầu của 10 thành tố quan trọng trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Những thành tố này được coi như “kim chỉ nam” giúp các nhà quản trị xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp mang bản sắc riêng phù hợp với xu thế phát triển chung.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp với 10 C sẽ giúp các doanh nghiệp thành công bền vững (ảnh minh họa)

1. Core Value - Giá trị cốt lõi

Về bản chất, giá trị cốt lõi trong văn hóa doanh nghiệp chính là chiếc la bàn định hướng từ chiến lược cho đến các quyết định hằng ngày, quy định cách ứng xử thống nhất, chuẩn mực trong mọi tình huống. Do đó, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp không chỉ cần được quảng bá bằng nhiều cách khác nhau, mà còn nằm trong nội dung đào tạo nhân viên ngay từ khi tuyển dụng người mới.

Trong các buổi truyền đạt những kiến thức về doanh nghiệp cho các nhân viên mới, bộ phận nhân sự nên bắt đầu bằng những nội dung về các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, kể những mẩu chuyện nhỏ làm ví dụ.

2. Consistency - Kiên trì giữ vững truyền thống

Nền văn hóa doanh nghiệp phải dựa trên truyền thống được xây đắp lâu dài. Truyền thống tốt đẹp của doanh nghiệp cần được duy trì và nâng cao trong các dịp lễ, các sự kiện có tính quan trọng, đánh dấu bước phát triển lớn của doanh nghiệp, nhất là ngày kỷ niệm thành lập doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp nên có những câu chuyện về truyền thống phát triển trong nội dung đào tạo nhân viên, in thành tài liệu để nhân viên cũ, mới đều dễ dàng hiểu và noi theo.

3. Connect - Kết nối gắn bó

Các nhà quản trị không nên cư xử quá cứng nhắc và có thái độ lãnh đạm với cấp dưới, điều đó sẽ vô tình tạo ra những khoảng cách không đáng có. Trong ranh giới nhất định nào đó, nhà quan trị nên có thái độ cởi mở, chia sẻ để hòa nhập với cấp dưới. Việc tham gia các hoạt động chung như: Thể thao, văn nghệ, tham quan, picnic, thể hiện phần tính cách cá nhân cùng tập thể là những động thái tích cực các nhà quản trị nên làm để tạo ra sự gắn kết với đội ngũ nhân viên, cũng như giữa các thành viên trong doanh nghiệp với nhau.

4. Celebrate - Công nhận thành tích và khen thưởng

Các nhà quản trị cần quan tâm và đánh giá khách quan thành tích của một nhóm, hay một cá nhân đã đạt được và có những động thái tích cực hơn như biểu dương, khen thưởng kịp thời. Các nhân viên luôn vui mừng khi được lãnh đạo đánh giá cao và niềm vui đó còn được nhân thêm gấp bội nếu cả tập thể đều tỏ ra khâm phục một thành tích xuất sắc nào đó.

Hằng quý, lãnh đạo doanh nghiệp nên tổ chức họp để bình chọn những cá nhân xuất sắc trong việc thực hiện các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, sau đó trao phần thưởng xứng đáng cho họ. Điều đó càng có tác dụng tích cực hơn khi việc trao thưởng được tổ chức với sự tham dự của đông đảo nhân viên và còn được tuyên truyền trong bản tin nội bộ doanh nghiệp, trên website của doanh nghiệp…

5. Camaraderie – Sự thân thiết giữa các đồng nghiệp

Mối quan hệ gắn bó giữa các đồng nghiệp cần được đánh giá cao. Ngoài sự hỗ trợ nhau trong công việc, các nhân viên trong doanh nghiệp cần được khuyến khích tìm hiểu về hoàn cảnh riêng, về gia đình của đồng nghiệp.

Bộ phận nhân sự nên tổ chức những buổi tiệc ngoài trời, thi đấu thể thao, văn nghệ, ngày kỷ niệm sự kiện lớn của doanh nghiệp, ngày hội gia đình, ngày thi tài của con em cán bộ công nhân viên… để tạo điều kiện cho nhân viên giao lưu, hiểu biết về nhau sâu sắc hơn.

6. Community - Quan hệ với cộng đồng

Một phần quan trọng cấu thành nên văn hóa doanh nghiệp chính là mối quan hệ gần gũi và có trách nhiệm với cộng đồng, đem lại lợi ích cho xã hội, từ đó xây dựng được bản sắc riêng với triết lý nhân văn sâu sắc, góp phần tạo nên sự phát triển bền vững cho thương hiệu. Vì thế, các doanh nghiệp nên khuyến khích nhân viên tình nguyện tham gia vào những hoạt động thiện nguyện để cải thiện điều kiện sống cho cộng đồng, bảo vệ môi trường...

7. Communication – Chia sẻ thông tin

Cần khuyến khích việc giao tiếp và chia sẻ thông tin thường xuyên giữa các cấp và phòng ban trong doanh nghiệp. Các cuộc họp toàn thể nhân viên hằng quý sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn hoạt động của toàn doanh nghiệp và cảm nhận được tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các bộ phận, giữa đồng nghiệp với nhau. Đồng thời, nên tạo điều kiện cho các nhân viên được nêu những thắc mắc, nguyện vọng cá nhân với phòng nhân sự, hoặc nhà quản trị cấp cao nếu vấn đề của họ không được giải quyết ổn thỏa trong nhóm hay trong bộ phận.

8. Quan tâm đến cuộc sống của nhân viên (Caring)

Bằng những hành động cụ thể, các nhà quản trị cần cho nhân viên thấy rằng doanh nghiệp thực sự quan tâm đến từng người lao động, từ việc lo đời sống vật chất của họ, đến những việc đặc biệt quan trọng trong cuộc sống như: Cưới hỏi, sinh con, tang gia… Trường hợp nhân viên chẳng may bị tai nạn, ốm đau thì thăm hỏi và hỗ trợ chi phí thuốc men cũng là một trách nhiệm của doanh nghiệp.

9. Cam kết đào tạo (Commitment to Learning)

Doanh nghiệp cần quan tâm tạo điều kiện cho người lao động phát huy khả năng sáng tạo và được thăng tiến. Ngoài các chương trình đào tạo nâng cao tay nghề và trình độ, doanh nghiệp nên có thêm những biện pháp khác, ví dụ tổ chức câu lạc bộ sách, câu lạc bộ sáng kiến để khuyến khích mọi nhân viên cùng tham gia.

10. Viết sách truyền thống (Chronicles)

Để mọi nhân viên trong doanh nghiệp cũng như những đối tác, khách hàng của doanh nghiệp đều nắm bắt được những cột mốc lịch sử trong quá trình phát triển doanh nghiệp, cứ sau vài năm, doanh nghiệp nên tổ chức in và phát hành rộng rãi cuốn sổ tay truyền thống. Tài liệu này còn giúp đội ngũ nhân viên hiểu rõ hơn về vai trò của từng bộ phận, thậm chí từng cá nhân trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp.


  • 15/11/2012 02:41
  • Trùng Dương (biên dịch theo Entrepreneur)
  • 3584


Gửi nhận xét