Trưởng thành từ làm việc nhóm
Thưở cắp sách đến trường, hầu như kết quả học tập của tôi năm nào cũng ở thứ hạng cao nhất. Vì vậy mà sự kỳ vọng của mọi người đặt nơi tôi rất lớn và dĩ nhiên cũng tạo áp lực cho tôi. Đáng tiếc, do hoàn cảnh khách quan, giấc mơ vào trường đại học quốc tế của tôi đã không thành hiện thực.
Cũng may, năm 1990 Viện Đại học Mở ra đời và có ngành Quản trị kinh doanh, ngành học mới lúc bấy giờ, nên tôi quyết định thử sức. Cùng học với tôi có nhiều người đã rất thành công, như anh Nguyễn Khắc Thành Đạt hiện là Phó tổng giám đốc Prudential Vietnam, nhiều bạn khác cũng đang nắm giữ các vị trí quản lý cấp cao ở Ngân hàng HSBC, Saigon Co.op...
Ở trường đại học, anh Đạt là người tập hợp nhóm kinh doanh. Ban đầu, mục đích chính của nhóm là tập tành kinh doanh và công việc đầu tiên là nhận tiếp thị bánh trung thu cho một nhãn hàng ở quận 6, sau đó là bán lịch bloc.
Vì làm việc theo nhóm nên các cuộc họp nhóm, lập kế hoạch, chọn khách hàng mục tiêu, chia thị trường... diễn ra thường xuyên. Việc tiếp cận khách hàng tận nơi vào thời điểm đó còn rất mới mẻ, bản thân tôi cũng từng cảm thấy xấu hổ khi phải làm việc này.
Tuy nhiên, sau đó tôi đã nhận ra chính công việc này đã mang đến cho tôi những trải nghiệm cực kỳ bổ ích, giúp tôi vượt qua nỗi sợ hãi, tiếp xúc được với nhiều thành phần khách hàng, nhận thức được sự chân thành và thái độ chăm sóc khách hàng nhiệt tình là chìa khóa để thành công.
Không khác chúng tôi ngày trước, các bạn sinh viên bây giờ cũng tập tành kinh doanh theo thời vụ, như bán hoa, gấu bông... vào những ngày lễ, Tết; làm các sản phẩm thủ công để bán...
Tuy nhiên, lời khuyên cho các bạn trẻ là nên lập nhóm để làm chung, vì làm việc theo nhóm sẽ mang đến cho các bạn những trải nghiệm quý giá: Biết cách hòa đồng, học được cái hay của người khác, mở rộng nhận thức của chính mình khi lắng nghe ý kiến của người khác... chưa kể còn duy trì được mối quan hệ khi cần tìm kiếm sự hợp tác sau này.
Ảnh minh họa
|
Đặt mục tiêu theo mốc thời gian
Việc kinh doanh khi đó chỉ là cách thực tập để hỗ trợ việc học, chưa phải để mưu sinh nên khi tìm nơi thực tập, được bạn bè giới thiệu, tôi đã đến với FPT trong vai trò một nhân viên bán hàng ở FPT Shop.
Ở môi trường mới, cái tôi vận dụng nhiều nhất là kỹ năng lắng nghe, tập trung học hỏi thật nhanh và tự đặt ra các mục tiêu cụ thể cho từng mốc thời gian.
Ví dụ, tôi buộc mình trong một tháng phải biết cách tư vấn để khách hàng chấp nhận mua hàng, làm sao để tăng dần tỷ lệ thành công, rồi tăng dần mục tiêu ấy, chẳng hạn như làm sao để lọt vào danh sách những người bán hàng tốt nhất ở shop, công ty...
Thời điểm năm 1994, FPT chưa phải là công ty lớn, nhưng có nét văn hóa đặc biệt, chấp nhận mọi khác biệt, những người tài năng không câu nệ gì cả, sẵn sàng ngồi lại với nhau và luôn thể hiện tinh thần hợp tác.
Tôi nghĩ đó là sức mạnh cốt lõi để công ty nhanh chóng thành công nên quyết tâm bám trụ dù trong thời gian thực tập tôi không có lương, thưởng gì cả. Quyết tâm của tôi được đền bù bằng việc được cất nhắc lên vị trí quản lý cửa hàng.
Có lẽ "sĩ diện" thúc đẩy tôi phải làm việc thật hiệu quả, không được dễ dãi với bản thân, nên khi nhận nhiệm vụ quản lý ở FPT Retail, tôi đã nỗ lực hết mình, có thể nói là "gồng mình" để luôn hoàn thành nhiệm vụ.
Làm mới bản thân
Đáng tiếc, do chưa có kinh nghiệm quản lý, sự "gồng mình" của tôi khiến nhân viên cấp dưới "khó thở" đến mức muốn "lật đổ” người quản lý mới.
Lúc đó, vừa giận người, vừa giận bản thân, tôi không tránh khỏi bị sốc trong một khoảng thời gian. Trấn tĩnh lại, tôi tìm cách đối thoại và từng bước hướng dẫn, giúp những nhân viên "bất mãn" đạt những mục tiêu công việc đề ra.
Sau này, khi được cất nhắc lên những vị trí cao hơn, tôi cũng luôn áp dụng phương châm: Chân thành, hỗ trợ, truyền kinh nghiệm và có chế độ lương, thưởng rõ ràng, công khai để có thể làm tốt vai trò quản lý của mình.
Tôi có cơ hội thuyên chuyển qua nhiều công ty trong Tập đoàn FPT như: Công ty Tích hợp hệ thống FPT (FPT IS), Công ty Công nghệ di động FPT, Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom) và Công ty TNHH Thương mại FPT (FPT Trading)..., và ở bất cứ vị trí nào, việc đầu tiên tôi làm là tìm hiểu công việc thật kỹ, gặp tất cả mọi người liên quan đến các khâu chính trong quy trình để hiểu họ đang làm gì, họ gặp khó khăn, thuận lợi gì... để xây dựng kế hoạch làm việc tốt nhất cho mình.
Sau gần 20 năm cống hiến cho FPT, đến giờ, tôi vẫn thấy yêu thích công việc đang làm. Có ý kiến cho rằng, sau 5 - 7 năm thì nên thay đổi môi trường làm việc để kích thích sự sáng tạo của bản thân, nhưng theo tôi, cách "làm mới" bản thân tốt nhất là luôn tích cực tìm kiếm cái mới và sáng tạo trong công việc.