Theo ông Trung, trong giới làm ăn của quốc gia nào cũng có 3 nhóm người: Doanh nhân, trọc phú và con buôn. Trọc phú và con buôn đều giống nhau ở chỗ kiếm được tiền bằng cách lừa ai đó hoặc hại ai đó, chỉ khác nhau về quy mô. Con buôn thì quy mô nhỏ, còn trọc phú thì quy mô lớn. Để đánh giá là một doanh nhân hay con buôn, người ta không nhìn vào quy mô mà người ta nhìn vào cách kiếm tiền của họ. Không thể lấy quy mô để đánh giá mà phải nhìn vào bản chất của vấn đề.
Diễn giả Giản Tư Trung chia sẻ về doanh trí, văn hóa doanh nhân - Ảnh sưu tầm
|
“Doanh nhân phải là những người kiếm tiền mà không làm hại đến ai, không lừa gạt ai và sản phẩm của họ có thể đem lại những giá trị cho người tiêu dùng. Chẳng hạn, bà bán trái cây dạo cũng có thể là doanh nhân nếu bán trái cây tử tế, nhưng sẽ là con buôn nếu trái cây của bà ấy mua từ những nguồn độc hại và được bảo quản bằng hóa chất”, diễn giả ví dụ.
Văn hóa ở đây được hiểu như là “hệ điều hành” của con người, nó chi phối toàn bộ suy nghĩ và hành động của con người, của doanh nghiệp và của cả nền kinh thương. “Thách thức lớn nhất của doanh trí Việt Nam là nền tảng văn hóa chứ không phải khả năng lãnh đạo”, diễn giả cho hay.
Một con người có nền tảng văn hóa là người có một cái đầu đã được khai sáng để có khả năng phân biệt được đúng - sai, phải - trái, chân - giả, thiện - ác, chính - tà…, biết sống ở trên đời này vì cái gì, có một trái tim giàu lòng lòng trắc ẩn, biết rung động trước cái đẹp (của con người và của tự nhiên), biết thổn thức trước nỗi đau của đồng loại, biết phẫn nộ trước cái sai, cái xấu và cái ác…
“Một trong những biểu hiện rõ nhất của nền tảng văn hóa là hành xử tín thực, tức là nói những gì mình nghĩ và làm những gì mình nói. Đó còn là luôn biết rằng mình biết cái gì và đặc biệt biết rõ cái mà mình không biết để tránh rơi vào tình trạng ấu trĩ, vô minh…
“Đối với doanh nhân, văn hóa biểu hiện rõ nhất ở cách kiếm tiền và xài tiền của họ. Nếu bạn kiếm tiền mà đó là những đồng tiền tử tế, chân chính, không lừa ai, không hại ai và đem lại lợi ích, giá trị cho người khác thì được xem như một doanh nhân có văn hóa”, diễn giả lý giải.
Chia sẻ về doanh nhân Việt Nam, ông Giản Tư Trung cho rằng, trong khoảng thời gian từ khi có Luật doanh nghiệp (1990) đến nay, lực lượng doanh nhân có bước phát triển ngoạn mục so với các nước trong khu vực. “Trong hơn một thập niên qua, tuy doanh trí Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc nhưng vẫn còn một khoảng cách không nhỏ so với doanh trí thế giới, nhất là tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển”, ông Trung lưu ý.
Theo diễn giả, trong bối cảnh gia tăng về số lượng doanh nhân như vậy, nhưng suốt mấy chục năm nay, chúng ta chưa có sự chuẩn bị thực sự cho ngày này. Nên nếu doanh trí còn chưa cao, phát triển dựa vào chủ nghĩa kinh nghiệm và đa phần doanh nhân vừa thiếu vừa yếu về năng lực quản trị, tầm vóc văn hóa thì cũng là điều dễ hiểu.
“Tuy nhiên, việc có tốc độ phát triển doanh trí đột phá trong giai đoạn đầu không có nghĩa sẽ phát triển doanh trí nhanh trong giai đoạn tiếp theo và bắt kịp thế giới. Khi vừa mới hội nhập với thế giới, chúng ta dễ rơi vào cảm giác bị choáng ngợp và thấy học được rất nhiều, rất nhanh và học được đủ mọi thứ. Nhưng thực chất thì không hẳn vậy vì có những thứ thuộc về chiều sâu như cái gì làm nên tầm vóc văn hóa và năng lực lãnh đạo của một doanh nhân, cái gì tạo nên một nền văn minh kinh thương… thì không thể học dễ dàng và nhanh chóng”, diễn giả lý giải.
Diễn giả kể, trong lần đến thăm tổng hành dinh của Google đã để lại cho ông ấn tượng về mối liên hệ giữa kỷ cương và sáng tạo. “Khi đó, người đang tập gym, người bơi, người chơi billiards, người làm việc... Tìm hiểu thì được biết, "gã khổng lồ" về tìm kiếm cho nhân viên thời gian làm việc rất thoải mái, nhưng đòi hỏi cao về hiệu quả làm việc”.