Ảnh minh họa
|
Cu Tũn đã 10 tuổi mà em cứ bận tâm một cách quá mức. Đến bữa ăn, em hết hỏi con ăn món này hay món kia, rồi lại năn nỉ: “Con ăn thử đi, ngon lắm, tốt lắm!”. Nhưng thằng nhỏ vẫn tỉnh queo: “Con hổng thích!” hoặc “Hổng ngon!”. Và nó chỉ ăn những món vừa ý mình tự nhiên, thoải mái như khi ở nhà.
Gặp đúng món “ruột”, có lẽ chỉ mình nó ăn. Mọi người thấy cu Tũn thích nên ái ngại “nhường” luôn! Anh mắc cỡ định “kéo” con ra bằng cách gắp cho miếng thịt gà, nó gắp trả lại cho anh: “Có xương nè ba. Con không biết ăn xương!”.
Cái bệnh “không biết ăn xương” của con cũng là do em quá cẩn thận và chiều con mà ra. Hồi con còn nhỏ, em sợ con hóc xương nên tỉ mẩn gỡ từng cái xương nhỏ xíu cho con là đúng, nhưng khi nó đã lớn, đã có thể tự “xử lý”, em vẫn cứ thích chăm chút con thái quá. Những lần về thăm ông bà ngoại, trong bữa cơm gia đình, thằng em con dì Út nhỏ hơn nó nhiều nhưng rất lanh lợi, tự ăn uống gọn ghẽ chẳng cần ai phải bận tâm. Nhìn nó cầm cái chân gà gặm một cách thích thú, rồi nhìn sang cu Tũn lộc ngộc không biết tự gỡ xương mà rầu. Đã nhiều lần anh góp ý nhưng em cứ bảo: “Chăm chút cho con được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Lớn tự nó sẽ biết, lo gì!”. Không biết em định để “lớn” đến cỡ nào mới tập cho con?
Điều anh lo không phải chỉ đơn giản là chuyện ăn uống. Từ chuyện nhỏ nhặt này sẽ tạo cho con thói quen đáng ngại. Cuộc đời đâu phải lúc nào cũng là những “miếng thịt” ngon lành, dễ ăn? Nếu em không tập cho con chịu khó gỡ những cái xương để có miếng thịt ngon thì làm sao con biết kiên trì, nhẫn nại khi gặp những khó khăn trong cuộc đời. Những gì người ta có được sau khi phải bỏ công sức ra bao giờ cũng đáng quý và đáng trân trọng hơn thứ có sẵn mà không phải hao tốn công sức.
Chưa hết, anh còn lo em tạo cho con một thói quen xấu khác là không biết hòa đồng và quan tâm đến mọi người mà lại muốn đón nhận những gì tốt đẹp từ người khác. Em làm con nghĩ rằng, những gì tốt đẹp nhất luôn phải dành cho mình trước mà không biết rằng chung quanh còn có ông bà, cha mẹ và các em nhỏ hơn cần phải quan tâm để “kính trên, nhường dưới”.
Không ít lần "chuyện nhỏ nhặt" này đã làm em khó chịu, giận hờn, gay gắt khi anh góp ý. Có lúc em còn cho là anh quá khắt khe với con. Anh không muốn vợ chồng căng thẳng, mất vui, nhưng anh cũng không thể yên tâm khi nghĩ rằng mỗi chuyện nhỏ nếu không được coi trọng đều có thể biến thành một bài học lớn, muộn màng nào đó...