Chuyện "trồng người" ở Công ty Thủy điện Sơn La

Khánh thành chưa đầy 1 năm, nhưng nếu xét thời điểm tổ máy 1 hòa lưới điện quốc gia thì Thủy điện Sơn La đã có “thâm niên” 3 năm. Đằng sau công tác phát triển nguồn nhân lực để tiếp quản, vận hành trơn tru 6 cỗ máy khổng lồ này là những câu chuyện thú vị về việc tuyển chọn, đào tạo thế hệ kỹ sư mới của Công ty Thủy điện Sơn La.

 

Các kỹ sư mới đang được hướng dẫn cách thí nghiệm dầu máy biến áp 500 kV

Chọn mặt gửi vàng

Ông Khương Thế Anh, Phó giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La cho biết: Chuẩn bị nhân lực vận hành Thủy điện Sơn La là một quá trình lâu dài từ năm 2007, từ khi còn là Ban chuẩn bị sản xuất (CBSX) Nhà máy Thủy điện Sơn La. Ông Khương Thế Anh lúc ấy là Trưởng phòng Kỹ thuật, thuộc đội ngũ trực tiếp “tháp tùng” trưởng ban (nay là giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La – Hoàng Trọng Nam) đi đến từng trường đại học như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên… để phỏng vấn, tuyển chọn những kỹ sư trẻ đủ trình độ, năng lực và nhiệt huyết với ngành Điện.

Trong giai đoạn 2007 – 2011, Ban đã tổ chức 3 đợt tuyển dụng, kết quả là “chiêu mộ” được 103 kỹ sư. Hồ sơ ứng viên nộp vào mỗi kỳ khá đông nên hội đồng tuyển dụng khá vất vả để chọn được những người có trình độ và phù hợp.

Ông Thế Anh chia sẻ: Lúc đó, các bạn vẫn đang là sinh viên năm cuối, nhiều người khi phỏng vấn mới biết Thủy điện Sơn La được xây dựng ở xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Nhưng điều thú vị là hầu hết các bạn khi đọc và xem những bức ảnh về quá trình xây dựng nhà máy, về cuộc sống vùng Tây Bắc đầy màu sắc đều mong muốn được đến làm việc tại nhà máy, đúng như kiểu “tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu”…

Những thầy giáo không chuyên…

Ngoài việc cử các kỹ sư đến các nhà máy thủy điện lớn trong nước để học tập, làm quen với công nghệ, Công ty Thủy điện Sơn La còn tổ chức tự đào tạo cho CBCNV, chính từ nhiệm vụ tư vấn giám sát lắp đặt thiết bị công nghệ, thí nghiệm hiệu chỉnh chạy thử, đồng bộ vật tư thiết bị của dự án. Có thời gian Công ty đã biệt phái hơn 60 kỹ sư sang làm việc tại Ban QLDA Thủy điện Sơn La để học hỏi….

Bên cạnh đó, các kỹ sư có kinh nghiệm (thường gọi là kỹ sư khóa 1, gồm 80 người) có nhiệm vụ kèm cặp lớp trẻ mới tiếp nhận từ năm 2011 (gồm 45 kỹ sư khóa 2), được gọi vui là "những thầy giáo không chuyên".

Anh Nguyễn Xuân Phong, kỹ sư tự động hoá, hiện là Phó quản đốc Phân xưởng Tự động chia sẻ, anh tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự, rồi trúng tuyển trong đợt tuyển dụng năm 2007. Từ năm 2011, anh được lãnh đạo Công ty giao nhiệm vụ kèm cặp nhóm kỹ sư mới về công tác sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống kích từ, hệ thống điều khiển tổ máy.

“Thầy giáo” Phong phải xây dựng đề cương, chương trình, giáo án đào tạo để Công ty phê duyệt, rồi lập thời khóa biểu hằng tuần, hằng tháng cụ thể cho anh em trong lớp học. Sau thời gian đào tạo lý thuyết về các hệ thống thiết bị của nhà máy, các kỹ sư khoá 2 kết hợp với kỹ sư khoá 1 tham gia thực hiện nhiệm vụ tư vấn giám sát thiết bị tại hiện trường, từ tổ máy 3 đến tổ máy 6.

Anh Phong cho biết: Sau khoảng hơn 1 năm, lực lượng kỹ sư mới đã làm chủ được phần việc của mình và có thể xử lý độc lập công việc ngoài hiện trường.

Ngoài kỹ sư Phong, còn có kỹ sư Mai Đức Tiệp (hiện đang đảm trách nhiệm vụ trưởng ca) trực tiếp đào tạo các chức danh vận hành trưởng ca, trưởng kíp cho lớp kỹ sư khóa 2.

Điều may mắn cho lớp kỹ sư khóa 2 là trong quá trình học tập, các tổ máy từ số 3 đến số 6 đang triển khai lắp đặt, do đó có điều kiện tìm hiểu thực tế nhiều hơn, nhanh nắm bắt được thiết bị và yêu cầu công nghệ của nhà máy. Sau đó, họ được học về các quy định của nhà nước, của ngành, quy trình kỹ thuật vận hành các hệ thống thiết bị của nhà máy, được tham gia trực vận hành,…

Trong quá trình đào tạo, Công ty đã tổ chức hơn 20 lần kiểm tra sát hạch để đánh giá chất lượng các kỹ sư khóa 2, rồi mới đến “cửa ải” cuối cùng là Hội đồng kiểm tra cấp Tập đoàn. Kết quả là sau khoảng 2 năm học tập và làm việc, đội ngũ do "thầy Tiệp" đào tạo đã được công nhận chức danh trưởng ca, trưởng kíp của nhà máy.

Hướng tới Lai Châu

Theo ông Hoàng Trọng Nam, Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La, hiện Công ty đang gấp rút xây dựng phương án về công tác chuẩn bị sản xuất và tiếp quản vận hành Nhà máy Thủy điện Lai Châu theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Không ai khác, chính 45 kỹ sư trẻ này cùng với 80 kỹ sư “thế hệ đầu” của nhà máy sẽ là những người thực hiện nhiệm vụ này.

Các kỹ sư sau thời gian được “mài giũa” ở đây chắc chắn sẽ làm tốt nhiệm vụ trong công tác triển khai dự án cũng như khi Thủy điện Lai Châu đi vào vận hành – ông Nam khẳng định.

Kỹ sư Nguyễn Tiến Kiên thuộc lớp kỹ sư khóa 2 cho biết: “Chúng tôi có sức trẻ, sự nhiệt huyết và tự tin với chuyên môn kỹ thuật của mình. Chúng tôi luôn sẵn sàng đảm nhiệm những nhiệm vụ mới, những thử thách mới trên công trường Thủy điện Lai Châu, góp phần đưa ánh điện tỏa sáng khắp mọi miền Tổ quốc”.


  • 24/07/2013 03:11
  • Nguyễn Đắc Cường
  • 3267


Gửi nhận xét