Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi: Sử dụng thời gian hợp lý, nâng cao năng suất lao động

“Phân công lao động hợp lý, quản lý công việc có hệ thống, xây dựng và áp dụng chế tài thưởng - phạt công khai, minh bạch là những yếu tố quyết định năng suất lao động”.

Đó là chia sẻ của ông Lê Thành Cẩm, Trưởng phòng Tổ chức Lao động, Công ty CP Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (DHD) khi nói về hiệu quả sử dụng hợp lý thời gian làm việc tại DHD.

Bố trí lao động hợp lý, chế tài xử phạt công khai

Với 4 nhà máy thủy điện đang vận hành có tổng công suất 642,5 MW, mỗi năm, sản lượng điện của DHD bình quân đạt trên 2,6 tỷ kWh. Tuy là đơn vị sản xuất điện có sản lượng tương đối lớn, song DHD chỉ có 272 CBCNV. Để đạt được năng suất lao động cao, tập thể CBCNV DHD luôn tiết kiệm được thời gian làm việc ở mọi khâu trong dây chuyền sản xuất.

Trong đó, tổ chức lao động một cách khoa học, tiết kiệm thời gian, công sức lao động là một trong những yếu tố được Ban lãnh đạo Công ty quan tâm hàng đầu. Theo ông Lê Thành Cẩm, để phân công lao động hợp lý, DHD đã đánh giá đầy đủ trình độ, năng lực và kinh nghiệm chuyên môn của người lao động thông qua bản mô tả công việc hằng năm, từ đó, sắp xếp, bố trí công việc phù hợp với năng lực, sở trường của từng cá nhân, đồng thời cũng có những điều động, bổ nhiệm mới hợp lý.

Ngoài việc bố trí lao động theo chuyên môn hóa, mỗi CBCNV tại DHD còn được đào tạo thêm nghề để có thể hỗ trợ hoặc thay thế khi cần thiết. Việc phân công một người đảm nhiệm nhiều công việc hay làm việc theo nhóm sẽ giúp các bộ phận đạt được hiệu suất công việc cao trong một thời gian nhất định, tránh lãng phí nhân lực. Công việc được giao phải gắn liền với định mức khối lượng và thời hạn thực hiện. Tuy nhiên, cùng với những giải pháp trên, DHD còn ban hành Quy chế thưởng – phạt hợp lý, công khai, khuyến khích người lao động thực hiện đúng các quy định về thời gian làm việc. 

Anh Kiều Hoàng Hữu Nghị, công nhân Phân xưởng sản xuất Đa Nhim - Sông Pha cho biết, hàng tháng, Công ty tổ chức họp định kỳ rà soát định mức công việc, trong đó có xét đến các trường hợp vi phạm về thời gian lao động. Trường hợp nhẹ sẽ nhắc nhở, nếu người lao động vi phạm quá 2 lần, Hội đồng xét thưởng năng suất và an toàn Công ty sẽ đưa ra các mức phạt tiền phù hợp, theo đúng Quy chế và thông báo rộng rãi cho người lao động biết. Theo anh Nghị, đây là biện pháp hữu hiệu để người lao động có thể điều chỉnh thái độ và hành động của mình, vừa có tính giáo dục vừa ngăn ngừa vi phạm tái diễn.

DHD luôn tiết kiệm thời gian làm việc ở mọi khâu trong dây chuyền sản xuất - Ảnh: CTV

Phải triển khai theo hệ thống

“Có không ít doanh nghiệp cố gắng tiết kiệm thời gian nơi công sở, nhưng nếu không triển khai thống nhất từ lãnh đạo đến người lao động thì không mang lại hiệu quả thực sự mà chỉ mang tính hô hào chung chung” - ông Lê Thành Cẩm lý giải và cho biết thêm: “Để hướng dẫn mỗi nhân viên quản trị được thời gian của mình, từ lãnh đạo Công ty đến cán bộ quản lý các phòng, ban, trưởng các bộ phận… phải là người gương mẫu thực hiện đầu tiên. Bên cạnh việc áp dụng các quy chế một cách nghiêm túc, cũng cần tạo thời gian cho người lao động được nghỉ ngơi, thư giãn”. 

Cụ thể, trong các trường hợp buộc phải điều động nhân lực giải quyết các sự cố, phải làm thêm giờ, ngoài việc bố trí lao động hợp lý, Lãnh đạo cần có kế hoạch làm việc rõ ràng, hạn chế phát sinh thời gian làm thêm, cần tổ chức nghỉ bù ngay sau kết thúc công việc, giúp người lao động có thời gian tái tạo sức lao động. 

DHD cũng thiết lập kênh thông tin nội bộ, với mục đích tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp ý phê phán cách điều hành công việc trong đơn vị. Thông qua diễn đàn này, Ban lãnh đạo Công ty và trưởng các đơn vị nắm bắt được tâm tư nguyện vọng và đời sống của người lao động, từ đó có giải pháp hợp lý chỉ đạo khắc phục kịp thời. 

Chị Phạm Thị Hồng Hà, Kế toán trưởng, phòng Tài chính - Kế toán Công ty cho biết, ở phòng chị, cán bộ quản lý phòng luôn khuyến khích nhân viên cùng tham gia hoạch định công việc, trong đó luôn có những chế tài thưởng phạt, phê bình, cảnh cáo, kỷ luật rõ ràng. “Thậm chí, đã trở thành thói quen, cứ 4 giờ chiều, mọi người sẽ suy nghĩ, đề xuất công việc ngày mai, sau đó viết ra, dán lên và bắt tay chuẩn bị cho công việc đó. Phương pháp làm việc khoa học này đã từng bước khắc phục nhược điểm làm theo thói quen, kinh nghiệm, tuỳ tiện, vô tình dẫn tới lãng phí thời gian công sở” – chị Như cho biết.

Có lẽ, do tạo dựng được môi trường làm việc mang tính chuyên nghiệp cao từ nhiều năm, DHD trở thành nơi nuôi dưỡng, đào tạo những cán bộ, kỹ sư, công nhân ưu tú. Nhiều người trong số họ đã trưởng thành và tỏa đi khắp các nhà máy thủy điện từ Bắc chí Nam, có đóng góp lớn vào sự phát triển thủy điện nói riêng và ngành Điện Việt Nam nói chung. 


  • 21/11/2016 04:37
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 2544