Để tạo những mối quan hệ hài hòa nơi công sở

Cần tránh gây hiềm khích, mâu thuẫn hay những quan hệ xấu với đồng nghiệp nơi công sở. Dù không tạo được sự yêu mến của tất cả các đồng nghiệp, nhưng ít ra cũng cố gắng không tạo nên những ấn tượng xấu.

Mỉm cười làm cho người đối diện thấy ấm áp hơn (Ảnh minh họa)

Dưới đây là một vài cách ứng xử nên được áp dụng nơi công sở:

1. Hãy luôn mỉm cười và gửi lời chào tới những đồng nghiệp của mình, kể cả những đồng nghiệp ít tuổi hơn hay cấp dưới.

Nụ cười, luôn là đẹp nhất và vô cùng tuyệt diệu với bất cứ ai. Nó cho ta cảm giác thân thiện, gắn kết người với người lại gần nhau hơn. Một tình yêu hay một tình bạn đều có thể bắt đầu từ một nụ cười. Nụ cười có thể xoa dịu những mệt mỏi, lo toan. Nụ cười có thể cho người đối diện sự ấm áp, an tâm hơn….

Chính vì vậy, tại nhà xe, hay trên thang máy, hay tại sảnh, cổng công ty…, hãy luôn nở nụ cười thân thiện với đồng nghiệp. Tôi tin rằng, dù là một ông sếp khắt khe, hay một quý bà đồng nghiệp khó tính đi chăng nữa, đều sẽ thấy thoải mái khi gặp bạn, dù rằng họ không nở một nụ cười hay gật đầu đáp lại….

2. Dù chỉ là một lời hỏi thăm xã giao thôi, bạn cũng nên vui vẻ gửi tới đồng nghiệp của mình.

Tuy câu hỏi của bạn quá đỗi quen thuộc, hay quá bình thường đi chăng nữa, như: Anh/chị ăn sáng chưa? Hôm nay trời nóng/lạnh hơn anh/chị nhỉ?..., nhưng chắc chắn có tiếng nói chuyện vẫn hơn là không gian im lặng trong cầu thang, hay khi ngồi cùng nhau….

3. Đừng quá tò mò, hỏi sâu về đời tư hay tiền lương của đồng nghiệp – những chuyện tế nhị.

Nếu như bạn và đồng nghiệp là những người bạn thân thiết, tin tưởng nhau; hoặc bạn cho người ta cảm giác an tâm, là người mà họ có thể dốc bầu tâm sự, thì họ ắt sẽ chủ động giãi bày cùng bạn. Còn nếu bạn cứ tò mò, hỏi dồn, sẽ khiến họ khó chịu và có một cái nhìn không thiện cảm về bạn.

4. Tối kị nói xấu hoặc mang chuyện của đồng nghiệp ra để bàn tán, mua vui, đánh giá với những đồng nghiệp khác.

Ai cũng sẽ vô cùng bực bội khi bị rêu rao, bàn tán sau lưng. Bị người khác lôi chuyện của mình ra để mua vui, hay đưa mình ra để chê bôi, nói xấu, có khác nào đang bị xỉ nhục. Nên dù bạn là người đầu têu hay chỉ là người góp vui trong nhóm bàn tán ấy, chắc chắn, cũng sẽ để lại ấn tượng không tốt và ác cảm của đồng nghiệp ấy.

5. Hãy học cách kiềm chế cảm xúc, bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh.

Nếu gặp phải xích mích hay hiểu lầm mà bạn không kiềm chế được cảm xúc, sẽ dẫn đến những lời nói thiếu suy nghĩ. Lời nói đã phát ra rồi, không thể thu hồi được, sẽ tạo sự mất đoàn kết với đồng nghiệp. Chính vì vậy, hãy học cách kiểm soát cảm xúc của mình. Ở trạng thái bình tĩnh thì bạn mới sáng suốt giải quyết, ứng xử hợp lý và khéo léo nhất trong mọi trường hợp.

6. Biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của đồng nghiệp.

Biết lắng nghe, hiểu và tôn trọng ý kiến của đồng nghiệp sẽ là cơ hội làm giảm những bất đồng và tạo thuận lợi tốt trong công việc, cũng như làm việc nhóm.

7. Hãy dành thời gian tham gia những buổi liên hoan, du lịch của công ty, của phòng.

Ngoài công việc, mỗi người đều còn có gia đình, phải dành thời gian vun đắp cho tổ ấm, chăm con cái…, nên rất nhiều ông bố, bà mẹ thường vắng mặt trong các cuộc vui, liên hoan, du lịch do công ty tổ chức.

Nhưng trong giờ làm việc, việc ai người ấy làm, thậm chí có người bận quay cuồng, không kịp ngẩng mặt lên để nói chuyện. Chính vì vậy, những buổi liên hoan, tụ tập, đi chơi, là cơ hội để các đồng nghiệp có điều kiện thư giãn cùng nhau, nói chuyện, giao lưu và gần gũi nhau hơn, tăng thêm tình đoàn kết, khăng khít giữa các thành viên. Không khí càng thêm sôi nổi và vui hơn nếu có những tiếng cười đùa của con trẻ. Tại sao, ta không tham dự và thư giãn cùng gia đình nhỏ của mình nhỉ?


  • 12/01/2012 04:52
  • Theo yume.vn
  • 2656


Gửi nhận xét