1. Quản lý rủi ro
Các nhà lãnh đạo sáng tạo có thang điểm về quản lý rủi ro cao hơn 25% so với các “đồng nghiệp” khác. Họ ưa thích trải nghiệm những cách tiếp cận mới. Tuy nhiên, họ sẽ biết cách đưa ra hành động hợp lý khi những kết quả tiêu cực có khả năng tiềm ẩn. Khi rủi ro xảy đến, họ sẽ đưa ra các kế hoạch để giảm thiểu sự tác động tiêu cực và xác định phương hướng đối phó.
Để phát triển kỹ năng quản lý rủi ro, nhà lãnh đạo cần:
- Liệt kê tối thiểu 8 ý tưởng cho những sáng kiến mới. Đánh giá xem đâu là những ý tưởng quan trọng nhất cho từng sáng kiến và xác định 5 cơ hội để thực hiện ngay lập tức trong công ty/tổ chức.
- Xác định, lên kế hoạch phòng ngừa rủi ro như là một phần của việc phát triển những định hướng chiến lược.
- Thay đổi cách tiếp cận từ suy nghĩ kỹ lưỡng tất tần tật mọi thứ sang hướng bắt đầu hành động dù chưa có tất cả câu trả lời và sẵn sàng điều chỉnh khi cần thiết.
- Tự đặt ra giới hạn thời gian để phân tích một tình huống cụ thể nhằm tránh việc phóng đại vấn đề.
- Dừng lại và nhìn kỹ vào rủi ro mất mát của mọi quyết định. Nếu có thể sống với hậu quả của một quyết định, hãy dừng “phân tích”, tiến về phía trước và thực hiện quyết định.
2. Thể hiện sự tò mò
Nhà lãnh đạo sáng tạo luôn thể hiện sự tò mò và mong muốn được hiểu biết thêm. Họ sẽ chủ động tìm hiểu những thông tin mới, thông qua đó thể hiện sự gắn kết và trung thành với những mục tiêu của công ty. Điều này giúp họ lãnh đạo hiệu quả hơn và giúp kích thích cách nghĩ mới nơi những nhân viên khác.
Để thể hiện và phát triển trí tò mò, các CEO cần:
- Đánh giá kiến thức và kỹ năng hiện tại của mình, xem chúng sẽ giúp ích như thế nào cho việc đạt được các mục tiêu dài hạn.
- Tạo ra một môi trường học hỏi để khuyến khích các kiến thức, quan điểm mới.
- Kích thích các suy nghĩ mới bằng cách đánh giá những sai lầm, thất bại như những cơ hội để học hỏi. Sai lầm giúp bạn nhìn vào bên trong bản thân và thấy được những giới hạn của mình. Bằng cách tự nghiên cứu các hành vi đã thực hiện, bạn sẽ nhận ra và sửa đổi được các hành vi liên tục dẫn đến sai lầm.
- Dành thời gian cho các hoạt động phát triển, chẳng hạn như tham dự các lớp học, hội thảo.
3. Lãnh đạo một cách can đảm
Nhà lãnh đạo sáng tạo luôn chủ động và tự tin. Họ biến những tình huống khó khăn thành cơ hội để thể hiện khả năng đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với những quyết định đó. Họ sẽ thu hút sự chú ý của mọi người trong các cuộc họp hoặc các cuộc thảo luận quan trọng, và họ không né tránh sự xung đột và các ý kiến khác biệt.
Để lãnh đạo một cách can đảm hơn, các CEO cần:
- Xem xét các lựa chọn thay thế khi đối mặt với một quyết định khó khăn, xác định và sẵn sàng chấp nhận rủi ro, chuẩn bị tâm thế trước những phản ứng của người khác.
- Tìm kiếm cơ hội để chia sẻ cảm xúc và ý kiến một cách chắc chắn và rõ ràng, bất chấp việc có thể bị người khác phản đối.
- Nghĩ về sự khác biệt của sự quyết đoán và hung dữ. Bí quyết để quyết đoán là chia sẻ quan điểm của bản thân chứ không ép buộc người khác. Các nhà lãnh đạo quyết đoán có thể làm việc hiệu quả vì họ đưa ra các giải pháp có lợi cho nhiều bên và thể hiện sự tôn trọng dù họ không đồng ý với người khác.
- Học cách nhận ra và đánh giá cao phẩm chất lãnh đạo ở những người khác cũng như chính mình.
4. Nắm bắt cơ hội
Chủ động nắm bắt cơ hội và làm chủ thành công chính là một trong những kỹ năng quan trọng của các nhà lãnh đạo sáng tạo. Họ dự đoán những trở ngại tiềm ẩn trước khi hành động nhưng tránh phóng đại vấn đề. Họ có thể thay đổi các định hướng một cách nhanh chóng và tận dụng những cơ hội mới khi chúng xuất hiện.
Muốn nắm bắt các cơ hội tốt hơn, nhà lãnh đạo cần:
- Xem xét các vấn đề có liên quan đến việc tạo ra những cơ hội mới trong công ty. Học cách nhìn thấy lợi thế trong những tình huống thay đổi và những sự phát triển mới mẻ.
- Xem lại những cơ hội mình từng bỏ qua trong quá khứ. Chúng có điểm gì chung? Điều gì khiến bạn lo ngại về chúng?
- Thúc đẩy nỗ lực hợp tác bằng cách yêu cầu những nhân viên giỏi hỗ trợ mình trong việc nắm bắt các cơ hội mới.
5. Nhìn xa trông rộng về chiến lược kinh doanh
Nhà lãnh đạo sáng tạo thể hiện hiểu biết sâu sắc về những xu thế trong lĩnh vực mình hoạt động. Họ hiểu rõ về việc kinh doanh, thị trường, cơ sở khách hàng và xác định hiệu quả những cơ hội chiến lược cũng như mối đe dọa cho công ty/tổ chức.
Họ tích cực tham gia vào các cộng đồng, tổ chức dành cho lãnh đạo hiểu thêm về môi trường bên ngoài. Họ có khả năng diễn đạt các cách tiếp cận của mình một cách thuyết phục để lèo lái doanh nghiệp tiến về phía trước.
Để phát triển khả năng nhìn xa trông rộng về chiến lược kinh doanh, các CEO cần phải:
- Tiến hành phân tích SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức) dựa trên kiến thức. So sánh kiến thức của doanh nghiệp bạn với kiến thức của các đối thủ cạnh tranh và với kiến thức cần có để thực hiện chiến lược của doanh nghiệp mình.
- Thay vì chấp nhận các cơ hội học tập khi nó xảy đến, hãy thử tổ chức các hoạt động giúp mở rộng kiến thức ở những lĩnh vực được xem là chiến lược. Hãy bắt đầu bằng việc xác định những điều công ty/tổ chức của mình biết được về các yếu tố cạnh tranh quan trọng (như vì sao khách hàng mua sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn) và chủ động tạo ra cơ hội học hỏi xung quanh những yếu tố này.
- Thúc đẩy mọi người trong công ty cùng lập kế hoạch chiến lược.
- Xây dựng chiến lược trong nhiều năm tới, gồm các bước thực hiện cho chính mình và nhân viên nhằm phát triển kinh doanh. Phân tích mức độ thành công hiện tại và xem nó sẽ phù hợp như thế nào với các xu hướng có khả năng xảy đến trong tương lai.