Đi nộp tiền điện ở Nhà Rông

Cách làm mới tại Công ty Điện lực Kon Tum đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khách hàng, bởi không chỉ giúp bà con tận dụng thời gian để làm nương làm rẫy, lo cái ăn mà còn bớt nhọc nhằn cho thu ngân viên.

Già làng A-Lữih (bên phải) giới thiệu điểm thu tiền điện đặt tại Nhà Rông của xã IA - Chim

Cuối tháng 5, mùa mưa Tây Nguyên đã về. Chúng tôi lên đến xã Ia - Chim (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) thì mưa vừa ập đến. Mưa ở Kon -Tum lạ lắm. Cứ khoảng 3 - 4 giờ chiều là mây đen kìn kịt kéo đến rồi sấm chớp ầm ào như bom nổ. Già làng A-Lữih, người dân tộc Gia Rai bình thản:

- Cái nước Giàng cho Tây Nguyên đấy mà, quý lắm! Lúa, bắp, mì năm nay được mùa, cái ché rượu cần thơm mùi men thôi.

Ông đang đứng dưới nhà rông của làng xem bọn trẻ chuẩn bị bài múa cho ngày hội đâm trâu sắp đến. Tôi đến gần bắt chuyện:

- Chào Già làng A-Lữih, cái bảng treo phía dưới nhà rông là để làm gì thế?

- Ừ, cái bảng của “nhà điện” Kon Tum, nó thông báo ngày thu tiền điện đấy mà.

- Nó thông báo thế nào, bà con có ưng bụng không?

Như được "gõ" đúng bầu tâm sự, già làng A-Lữih nói một mạch như đêm họp lũ làng trong nhà rông:

- Gắn cái bảng để biết là điểm thu tiền điện chung cho cả làng đấy. Bây giờ cứ đến ngày 10 đầu tháng là cán bộ điện lên đây. Ai trong làng dùng điện bao nhiêu nó cũng biết, có tờ hóa đơn nữa đấy! Điện Kon Tum nó thu tiền trong 2 giờ đồng hồ là xong. Mặt trời tới cỡ 2 đòn gánh là bà con lên rẫy, ra ruộng lúa nước được rồi. Lũ làng ưng cái bụng lắm chớ. Mà cán bộ điện nó cũng không mệt leo rừng, leo rẫy tìm từng người để lấy tiền điện như hồi mấy năm trước.

Tôi đem câu chuyện trên kể với anh Nguyễn Văn Hạnh - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Điện lực Kon Tum (PC Kon Tum), anh không giấu nổi niềm phấn khởi. Anh lục tìm cho tôi xem các lá thư cám ơn của khách hàng gửi đến PC Kon Tum về việc đặt điểm thu tiền điện tại các địa phương, tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc nộp tiền điện hàng tháng.

Một lá thư của Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Mai Thủy và Chủ tịch UBMT xã Tân Cảnh - ông Nguyễn Đại Long có đoạn viết: “…Tại cuộc họp tiếp xúc cử tri, đại biểu HĐND tỉnh và Điện lực Đăk -Tô đã trả lời thỏa đáng về chủ trương thu tiền điện tại điểm thu, nhằm tạo điều kiện về thời gian và địa điểm để người dùng điện thực hiện đúng nghĩa vụ theo nội dung hợp đồng mua bán điện đã ký…Thay mặt nhân dân xã Tân Cảnh, chân thành cám ơn các cấp, các ngành đã quan tâm và kịp thời giải quyết kiến nghị của cử tri. Việc làm này đã tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người dân, chính quyền với Điện lực Đăk-Tô”.

Anh Nguyễn Văn Hạnh còn cho biết thêm: Địa bàn Tây Nguyên bạt ngàn đồi núi, dân cư lại thưa thớt, đa số là đồng bào 6 dân tộc khác nhau, mà Kon Tum là địa bàn tiêu biểu. Điện về làm cho Kon Tum thoát nghèo, nông thôn mới sáng lên cùng với cuộc sống văn hóa tinh thần của người dân. Thế nhưng, kinh doanh điện năng có khó khăn đặc thù, không như các tỉnh đồng bằng. Ngoài Điện lực Thành phố Kon Tum, 6 điện lực khác phụ trách kinh doanh trên mỗi huyện khác nhau: Đăk- Glei, Ngọc Hồi, Đăk-Tô, Đăk-Hà, Sa-Thầy, riêng Điện lực Kon-Rẫy phụ trách 2 địa bàn là Kon-Plong và Kon-Rẫy.

Sản lượng điện thương phẩm hằng năm của Kon Tum chưa tới 180 triệu kWh, doanh thu tiền điện dưới 200 tỷ đồng, nhưng các chỉ tiêu tổn thất, suất sự cố đều... cao! Ấy là vì đường dây điện đi qua lâm trường nhưng các điện lực không được phát, chặt 1 cây nào dù là ngọn thông. Riêng khoản đi thu tiền điện hằng tháng qua con suối, con khe, rẫy mì, rẫy bắp… không đủ bù đắp công tác phí và lương cho thu ngân viên.

Từ năm 2011, lãnh đạo Điện lực Kon Tum đã triển khai đề xuất của Phòng Kinh doanh: Xây dựng các điểm thu tiền điện tập trung. Thí điểm rồi nhân rộng ra: Hiệu quả bất ngờ, dân đồng tình mà đỡ vất vả cho thu ngân viên, nợ tiền điện tiến gần đến “K rốc”- tức là thu gần hết. Doanh thu tiền điện năm 2011 đã lên đến 213 tỷ đồng, 4 tháng đầu năm 2012 đạt 87 tỷ đồng; hệ số K- thu tiền được xác định cao nhất từ trước đến nay là 99,38%, vượt kế hoạch 3,18%. Thế là mô hình “điểm thu tiền điện của Kon Tum” như được mở ra hướng mới, Công ty Điện lực Kon Tum đã triển khai cho 7 điện lực khu vực trên địa bàn thành lập các điểm thu tiền tập trung này. Có đến 258 điểm thu được hình thành. Trong đó huyện Đăk Tô có 52 điểm, thành phố KonTum có 64 điểm, huyện Ngọc Hồi có 15 điểm… Các buôn làng dân tộc thì thương lượng với già làng đặt tại nhà rông, các làng khác thì đặt điểm thu tại nhà trưởng thôn. Cứ đến ngày 10 đầu tháng, khi tiếng cồng chiêng nhà rông vang lên, cả làng kéo đến nộp tiền điện. Việc nộp tiền điện đến 9 giờ sáng là xong, đồng bào ai về việc nấy đi rẫy, đi rừng, ”Không phải kéo dài chờ đợi suốt ngày để gặp cán bộ nó lên thu tiền điện”.

Cùng với việc thực hiện giao dịch 1 cửa trong việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị mắc điện, xây dựng phòng giao dịch khách hàng văn minh lịch sự, Công ty Điện lực Kon Tum đã triển khai thành công việc thu tiền điện thông qua các điểm thu tập trung tại các địa bàn dân cư - một bước ngoặt mới trong giao tiếp khách hàng, tạo thuận lợi cho khách hàng dùng điện. Công ty Điện lực Kon Tum đã thắp lên ngọn lửa niềm tin cho đồng bào dùng điện ở Tây Nguyên .


  • 31/05/2012 02:35
  • Bài và ảnh: Văn Thuận
  • 4159


Gửi nhận xét