Giữa cái nắng rạo rực của buổi trưa trên đảo, cậu bé Võ Kim Tín, học sinh lớp 1 của trường Tiểu học xã đảo Sinh Tồn nằm học bài trong luồng gió mát từ cây quạt điện. Mẹ cậu bé, chị Trần Thị Tiệm vui mừng chia sẻ: “Giờ điện xài dư dả rồi cô ơi. Trước kia điện chỉ được xài một lúc buổi tối, ban ngày thì không có, đêm cũng tắt sớm. Giờ điện ở đảo gần như trên bờ rồi, nhà tui đã dùng nồi cơm điện, mua tivi, mua tủ lạnh để bảo quản thức ăn, làm kem, làm đá cho lũ nhỏ”. Niềm vui giản dị của bé Tín, của chị Tiệm cũng là niềm vui chung của quân và dân trên khắp các đảo, điểm đảo, nhà giàn. Giữa muôn trùng sóng, ánh điện đã sáng bừng lên từ nguồn năng lượng sạch.
Kiểm tra hộp tích điện trên đảo Đá Lớn.
|
“Công đầu” mang nguồn điện sáng đến Trường Sa là từ cán bộ, công nhân ngành Điện. Trước kia, các đảo chủ yếu dùng điện máy nổ nên thời gian sử dụng hạn chế, một ngày chỉ có vài tiếng đồng hồ buổi tối. Điều này khiến cuộc sống sinh hoạt, tập luyện của quân và dân gặp nhiều bất tiện. Vậy là cùng sự đồng hành của cả nước, ngành Điện nghiên cứu và lắp đặt hệ thống năng lượng tái tạo tại Trường Sa gồm hệ thống điện gió và điện năng lượng mặt trời. Những tuốc bin gió cao ngất, những tấm pin mặt trời đen sẫm được lắp đặt khắp các đảo, điểm đảo, giữ trọn những nắng, những gió, biến chúng thành ánh sáng, thành nguồn điện phục vụ đời sống quân và dân trên đảo. Giữa biển mênh mông, việc lắp đặt cũng như bảo dưỡng hệ thống năng lượng tái tạo cũng không phải là chuyện dễ dàng. Mỗi một cơn bão qua đi, những tuốc bin gió ngừng quay, những tấm pin mặt trời hư hỏng đều phải chờ những người thợ ngành Điện tới sửa chữa. Mà nắng gió, bão bùng đâu có thiếu giữa biển khơi mênh mông. Ánh điện sáng giữa Trường Sa cũng đánh dấu tinh thần nhiệt huyết, sự đầu tư của ngành Điện cho mảnh đất xa xôi của Tổ quốc.
Theo thống kê của ngành Điện, hệ thống năng lượng tái tạo trên các đảo, điểm đảo của quần đảo Trường Sa bao gồm hơn 5.700 tấm pin năng lượng mặt trời, 130 tuốc bin gió, 60 đèn tìm kiếm và 1.000 đèn led tiết kiệm năng lượng. Đó là chưa kể hệ thống chuyển đổi và lưu giữ điện, giúp sử dụng điện năng lượng tái tạo tại các đảo. Hệ thống điện tái tạo đã tạo ra 150 MWh/tháng, tiết kiệm gần 800 ngàn lít dầu/năm, giảm phát thải khí CO2 và nhất là, bảo đảm năng lượng cho quân và dân quần đảo Trường Sa có đủ điện để sinh hoạt, luyện tập cũng như phục vụ các nhu cầu của đời sống. Ánh điện đã giúp đảo gần lại với bờ, giúp Trường Sa sáng bừng giữa đêm mênh mông thăm thẳm, giúp ngư dân Việt đang theo những luồng cá có tiêu điểm sáng giữa đêm, ấm lòng giữa trùng sóng.
Những người lính, những bà con trên đảo vô cùng quý hệ thống năng lượng tái tạo, mang lại cho họ nguồn điện sáng đêm đêm. Anh Nguyễn Văn Cường, đại úy, chỉ huy trưởng đảo Cô Lin vừa dẫn khách đi thăm bộ chuyển đổi vừa cho biết, đảo “quán triệt” dùng điện hết sức tiết kiệm. Đồng thời, theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật ngành Điện, cán bộ, chiến sỹ trên đảo thường xuyên làm vệ sinh các tấm pin năng lượng mặt trời. Sau mỗi cơn bão, dù đặt nơi cao nhất, sóng biển vẫn hắt hàng ngàn giọt nước muối mặn chát lên tấm pin, anh em phải dùng nước ngọt rửa pin, lau khô, bảo quản pin để thời gian sử dụng lâu dài.
Tấm lòng của cả nước, công sức của người thợ ngành Điện, sự nâng niu giữ gìn của quân và dân đảo đã giúp Trường Sa hôm nay sáng bừng giữa đêm tối. Những tiện nghi quen thuộc với đất liền cũng đã trở nên quen thuộc với đảo. Ánh sáng lung linh giữa đêm trùng khơi đã níu đảo gần lại bờ, để những người lính, những cư dân Trường Sa yên tâm nơi đầu sóng.