Một năm điện sáng Bố Lang

Trong cái nắng chói chang của những ngày hè cuối tháng 4/2018, chúng tôi trở lại khu tái định cư thôn Bố Lang thuộc xã Sơn Thái, huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là cuộc sống của nhân dân nơi đây đã đổi khác khá nhiều so với một năm trước đây khi thôn Bố Lang mới được sử dụng nguồn điện từ lưới điện quốc gia.

Khu tái định cư thôn Bố Lang được xây dựng nhằm mục đích tái định cư bền vững cho 142 hộ dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng có nguy cơ sạt lở đất do mưa lũ dọc sông Cái thuộc thôn Giang Biên và các thôn khác trên địa bàn xã Sơn Thái. Bên cạnh đó, khu tái định cư Bố Lang cũng tạo điều kiện cho các hộ dân có nơi ở ổn định, trên cơ sở đó phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần phát triển kinh tế, giữ vững an ninh - chính trị - an toàn xã hội trên địa bàn.

Trạm điện T117 - công suất 250 kWA cung cấp điện cho 142 hộ thôn Bố Lang - xã Sơn Thái - huyện Khánh Vĩnh.

Điện phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt

Còn nhớ vào tháng 1/2016, trạm điện T117 - Bố Lang với công suất 250 kVA được nghiệm thu đóng điện chủ yếu để phục vụ cho công tác xây dựng khu tái định cư. Sau đó đến tháng 8/2016, với mục tiêu triển khai cấp điện phục vụ sinh hoạt cho nhân dân sinh sống trong khu tái định cư, PC Khánh Hòa đã lắp đặt 142 công tơ điện tử đo xa RF-Spider đầu tiên tại khu vực huyện Khánh Vĩnh cho 142 hộ dân tại thôn Bố Lang.

Khi gặp lại chúng tôi, anh Hà Mướt – người dân tộc Raglay phấn khởi chia sẻ (qua lời dịch của anh Hà Nhơn - Trưởng thôn Bố Lang và là người dân tộc Trin): “Trước đây không có nhà cửa ổn định, không có điện nước. Giờ về chỗ ở mới ổn định rồi, có điện thắp sáng, con cái được học hành biết cái chữ, có thể xem tivi dạy trồng bắp, nuôi gà, bà con ai cũng phấn khởi. Cảm ơn nhà nước đã cho nhà cho đất, cảm ơn Điện lực đã cho điện thắp sáng, không còn tối tăm nữa đâu”.

Một hiện tượng khá thú vị và dễ nhận thấy tại thôn Bố Lang là từ khi có điện, một số hộ đồng bào dân tộc đã bắt đầu biết sử dụng Internet thông qua máy điện thoại thông minh. Tuy số lượng người dùng Internet chưa nhiều nhưng cũng phần nào cho thấy tác động mạnh mẽ của nguồn điện đến mọi mặt đời sống của bà con, đặc biệt là đời sống văn hóa và tinh thần đã có sự chuyển biến hết sức tích cực. Với 142 hộ dân và 600 nhân khẩu, cuộc sống của nhân dân thôn Bố Lang đang từng ngày đổi thay một cách toàn diện, chất lượng cuộc sống được nâng cao một bước, do đó bà con phấn khởi gắn bó lâu dài với khu tái định cư.

Điện bước đầu phục vụ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp

Ngoài việc đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ sinh hoạt cho các hộ gia đình tại thôn Bố Lang, nguồn điện từ lưới điện quốc gia đã bước đầu thực hiện được mục tiêu hỗ trợ bà con phát triển sản xuất trong các ngành nông, lâm nghiệp…, tiến tới phát triển du lịch – dịch vụ sau khi bà con đã hoàn toàn ổn định cuộc sống và chuẩn bị đủ điều kiện để làm du lịch.

Công nhân Đội Quản lý vận hành đường dây và trạm Khánh Vĩnh - Điện lực Diên Khánh - Khánh Vĩnh hướng dẫn đồng bào cách sử dụng điện an toàn.

Được biết, sau khi xây nhà, giao đất cho bà con an cư, lạc nghiệp, huyện Khánh Vĩnh đã nhanh chóng tham mưu UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét giao 10 ha đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc nghèo thiếu đất sản xuất. Thời điểm chúng tôi ghé thăm bà con đang đốt nương trồng rẫy, bắt đầu trồng cây keo dài ngày đan xen với các loại ngắn ngày như chuối, đu đủ, bắp… Nguồn nước tưới cho các loại cây trồng này luôn được đảm bảo bởi nguồn điện ổn định từ lưới điện của PC Khánh Hòa.

Với phần lớn diện tích nằm trên trục giao thông nối hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng, trong đó có hơn 30 km đường đèo với nhiều thác nước và rừng nguyên sinh, xã Sơn Thái nói chung và thôn Bố Lang nói riêng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch – dịch vụ. Trong tương lai gần, các cấp chính quyền xã Sơn Thái sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu xây dựng các trạm dừng chân cho du khách trên tuyến đường du lịch Nha Trang – Đà Lạt, kết hợp với việc tổ chức dịch vụ du lịch theo mô hình nhà sinh hoạt cộng đồng tại thôn bản để du khách có thể thưởng lãm bản sắc văn hóa lâu đời và phong phú của dân tộc Trin, dân tộc Raglay…, trên cơ sở đó tạo thêm việc làm và thu nhập cho bà con dân tộc.

Trước sự thay đổi từng ngày của khu tái định cư thôn Bố Lang cùng những chuyển biến mạnh mẽ trong cuộc sống vật chất và tinh thần của các hộ dân nơi đây, chúng tôi – những người thợ điện PC Khánh Hòa cảm thấy tự hào vì đã đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho công cuộc xây dựng và phát triển nông thôn mới của tỉnh nhà. Niềm tự hào đó sẽ là động lực cho chúng tôi vững bước xây dựng những công trình mới cấp điện cho các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn toàn tỉnh, phấn đấu hoàn thành trách nhiệm của ngành Điện mang nguồn sáng đến với mọi người, mọi nhà.


  • 14/05/2018 06:59
  • Nguồn: EVNCPC
  • 1833