Doanh nghiệp và xu thế đa năng hóa nhân sự

Sau những khủng hoảng kinh tế toàn cầu do dịch COVID-19, bên cạnh việc cắt giảm nhân sự, giảm bớt chi phí, nhiều doanh nghiệp còn sử dụng hình thức đa năng hóa nhân sự, tức là một người phải biết làm nhiều việc để có thể nhanh chóng, linh hoạt thích ứng với mọi biến động.

Ảnh minh họa.

Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 và dịch COVID-19 đã tạo ra môi trường kinh doanh mới có tính biến động cao, phức tạp và không bền vững. Nhiều doanh nghiệp (DN) phải vất vả đi tìm các giải pháp đối phó phù hợp để tồn tại và phát triển.

Cách tiếp cận mới về nhân sự đa nhiệm, đa năng

Đa năng hóa nhân sự là cách tiếp cận công việc và tổ chức phù hợp với môi trường kinh doanh hiện nay. Đây là sự kế thừa phương pháp quản lý khoa học có sự kết hợp với các yếu tố và tiêu chí khác như sự linh hoạt, tinh thần đội, nhóm, tận tâm với khách hàng, khuyến khích nhân sự vượt qua các giới hạn của bản thân…

Đa năng hóa nhân sự là một người có thể biết nhiều việc. Đó không chỉ là một giải pháp kinh tế - kỹ thuật, mà còn là sự đổi mới tư duy trong quản trị tổ chức DN. Xét từ góc độ văn hóa doanh nghiệp (VHDN), đây chính là sự chuyển đổi tư duy từ kinh doanh chỉ tập trung vào công việc và năng suất lao động, sang tiêu chí lấy con người và khách hàng làm trung tâm và phương thức phát triển DN trở lên linh hoạt, bền vững hơn.

Từ khía cạnh phân tích công việc, phương pháp này mô tả một cách chi tiết về quy trình tác nghiệp, nhiệm vụ chính phải hoàn thành, đồng thời cũng đề ra những nhiệm vụ mở, linh hoạt. Ví dụ, các chức danh như nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên kế toán, kỹ thuật cũng cần có hiểu biết về sản phẩm của Công ty, chính sách marketing, bán hàng của Công ty, khi có cơ hội gặp gỡ khách hàng có thể giới thiệu, giải đáp những vướng mắc, đồng thời khuyến khích khách mua hàng.

Ở đây, một nhân sự thuộc về một phòng, ban nhất định, nhưng được tham gia hoặc trở thành trưởng các dự án, tổ công tác khác để phát huy hết năng lực của mình. Như vậy, tổ chức sẽ có độ mở cao, ranh giới giữa các phòng ban, vị trí công việc chỉ có mang tính tương đối, không giới hạn hoặc trở thành rào cản, ảnh hưởng đến năng lực của nhân viên.

Khó khăn, hạn chế của một tổ chức gặp phải là vấn đề giải quyết mâu thuẫn giữa sự ổn định bộ máy tổ chức và duy trì kỷ luật lao động với sự linh hoạt và đổi mới sáng tạo, sự phá cách trong quản trị DN; mâu thuẫn giữa tính tập trung, thống nhất với yêu cầu phân quyền, ra quyết định hiệu quả dựa theo yêu cầu cụ thể của tổ chức. Đây là một thách thức lớn đối với tư duy và năng lực lãnh đạo, quản trị DN, nhất là đối với các DN có quy mô lớn.

Triết lý hành động và một số giải pháp

Giải quyết các khó khăn, mâu thuẫn trong quản trị DN như đã đề cập ở trên cần xuất phát từ nền tảng tư duy và VHDN. Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), VHDN hiện có đã tích cực hỗ trợ cho cách tiếp cận này, nhưng vấn đề là cần có các giải pháp cụ thể:

Triết lý kinh doanh của EVN đã được công bố: “Trong các hoạt động của mình, EVN luôn lấy con người làm trung tâm; trong nội bộ EVN, người lao động được coi là tài sản quý", đưa EVN đến thành công. Mỗi thành viên EVN sẽ phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng và tự hoàn thiện bản thân theo nguyên tắc cơ bản này.

EVN hướng tới xây dựng hình ảnh đẹp về tinh thần trách nhiệm cao, về sự tận tâm, tận tuỵ trong từng công việc, từng hành động. Mỗi thành viên EVN sẽ phấn đấu hết mình, không ngại khó khăn gian khổ. Để thích ứng với những biến động, bảo đảm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp:

Một là, vận dụng tư tưởng, triết lý kinh doanh hướng tới khách hàng và khuyến khích phát triển nhân viên được rèn luyện trong thực tiễn SXKD và dịch vụ khách hàng cũng như quản trị nguồn nhân lực toàn bộ hệ thống tổ chức của EVN.

Hiện thực hóa triết lý này trong công tác thiết kế bộ máy quản trị, tái cơ cấu tổ chức, công tác phân tích công việc, bố trí sử dụng, đánh giá nhân sự…Năng lực tự học hỏi, khát vọng phát triển bản thân để cống hiến, tinh thần tận tâm phục vụ khách hàng…phải là các tiêu chí chung để đánh giá, đào tạo, phát triển, bố trí nhân sự.

Hai là, phát triển năng lực của người lao động phù hợp với sự thay đổi của môi trường kinh doanh và cơ cấu tổ chức.

Thực tế cho thấy, chúng ta cần phải thích ứng với điều kiện có dịch bệnh khá thường xuyên, với điều kiện làm việc từ xa… nên thái độ, kỹ năng làm việc tự giác và kết nối đa năng, đa nhiệm là rất quan trọng. Vì vậy, việc quản lý nhân sự theo thời gian từ “quẹt thẻ” tại cơ quan có thể không phù hợp.

Ba là, DN cần xây dựng, quản trị một cách an toàn, hiệu quả các nền tảng số và ứng dụng công nghệ kết nối trực tiếp với khách hàng, đối tác.

Đa năng hóa nhân viên trong giai đoạn hiện nay cũng có nghĩa là tập trung năng lực con người vào giải quyết những công việc, nhiệm vụ phức tạp và nhường/chuyển giao nhiều việc đơn giản cho AI, robot… Chẳng hạn, DN có thể sử dụng các nhân sự ảo với chi phí rẻ để giải phóng nguồn nhân lực quý giá khỏi những tác nghiệp, công việc đơn giản, nhàm chán…

Trên thị trường hiện nay đã có các công ty công nghệ cung cấp Nhân viên chăm sóc khách hàng ảo Chatbot có thể thay thế 2-3 nhân sự thực của doanh nghiệp, hỗ trợ tư vấn và chốt đơn 24/7, với chi phí chỉ từ 300.000đ- 500.000đ/tháng.


  • 14/06/2021 04:32
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý & Hội nhập.
  • 2000