Doanh nhân nên yêu thương thế nào?

Doanh nhân nên thương yêu như thế nào để góp phần giúp doanh nghiệp phát triển, đồng thời mang lại lợi ích cho cộng đồng?

Tình yêu của doanh nhân hiện hữu và có những chuẩn mực nhất định (ảnh minh họa)

1. Biết yêu bản thân đúng cách

Một doanh nhân muốn dành tình yêu cho khách hàng, nhân viên, đối tác kinh doanh, và cộng đồng, trước hết cần phải biết học cách tôn trọng và yêu chính bản thân mình.

Yêu bản thân không phải là sự hưởng thụ vật chất, tự hài lòng với những tố chất, trí tuệ mà bản thân có được, hay "tự ru ngủ mình" trước hào quang của thành công. Một doanh nhân biết yêu mình đúng cách là người phải không ngừng rèn luyện bản thân, nâng cao kiến thức, mở mang tầm nhìn, làm phong phú tinh thần... để trở thành tấm gương và truyền nhiệt huyết cho người khác.

Ngược lại, nếu doanh nhân đánh mất mình, tự cho phép mình trở thành một người trì trệ, lười biếng và ích kỷ, đồng nghĩa với việc họ không tôn trọng bản thân mình, không yêu chính mình thì sẽ thật khó khăn để yêu thương người khác.

2. Yêu những người sát cánh với doanh nghiệp

Tin yêu, gần gũi và luôn nghĩ đến lợi ích của cấp dưới sẽ là nguồn động viên tinh thần giúp nhân viên làm việc năng động và hiệu quả hơn. Đối với khách hàng, thân thiện và tôn trọng khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp có được tương lai vững chắc qua những cam kết sử dụng dịch vụ và sản phẩm lâu dài. Yêu mến và có trách nhiệm với cộng đồng sẽ tạo uy tín cho doanh nghiệp, được sự ủng hộ của xã hội trong suốt quá trình phát triển.

Với xu thế liên kết nhằm tăng cường năng lực cho doanh nghiệp, ngành hàng hay lĩnh vực kinh doanh nhằm đáp ứng ngày càng đa dạng nhu cầu của khách hàng, thì việc tìm và chia sẻ quyền lực cũng như lợi nhuận với cộng sự là điều cần thiết. Tuy nhiên, tìm được cộng sự cùng chung chí hướng, đồng thuận trong quá trình hợp tác không phải điều dễ dàng, đôi khi còn là cơ duyên trong sự nghiệp. Khi đã tìm được rồi thì cần duy trì "cái tình" với cộng sự vì đó chính là người "đồng cam cộng khổ".

3. Học yêu những người đối đầu với mình

Làm kinh doanh, chắc chắn bạn sẽ có các đối thủ cạnh tranh. Có cạnh tranh lành mạnh và không lành mạnh. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, bạn cũng nên là một doanh nhân có đạo đức trong kinh doanh, hãy tạo ra những sân chơi và sự đối đầu minh bạch, khách quan.

Khi bạn "chơi đẹp" với đối thủ cạnh tranh, bạn sẽ có được sự tôn trọng của họ, thậm chí có thể cải thiện mối quan hệ đối đầu bằng cách đề nghị hợp tác vì lợi ích của khách hàng.

Nếu có nhân viên còn chưa nể phục bạn, hay khách hàng còn thiếu tin tưởng vào bạn, hãy bình tĩnh và xem xét mọi vấn đề từ góc độ của họ để có thể cảm thông và chia sẻ. Hãy luôn là người thiện ý, khách quan để họ có thể cảm nhận được tình yêu của bạn mà thay đổi cách nghĩ về bạn.

4. Đừng quá yêu đồng tiền

Doanh nghiệp hoạt động với mục đích tăng trưởng và lợi nhuận, nhưng doanh nhân cũng cần đặc biệt lưu ý đừng quá trọng đồng tiền, coi tiền là trên hết. Nếu một doanh nghiệp lúc nào cũng chỉ coi lợi nhuận là mục tiêu cao nhất, phát triển thiếu trách nhiệm với cộng đồng, không vì lợi ích tiến bộ xã hội, coi nhẹ chất lượng sản phẩm, lừa dối khách hàng và thiếu công bằng với người lao động thì doanh nghiệp của bạn không thể tiến xa được.


  • 28/02/2013 10:56
  • Diệu Thảo
  • 2166


Gửi nhận xét