Đứng lên từ những thất bại

Hồng Minh là nhân viên sales năng động của một công ty kinh doanh phần mềm lớn. Cô vẫn nhớ mãi sai lầm của mình. Lần đó, cô chịu trách nhiệm ký kết với khách hàng một hợp đồng trị giá lên đến 100.000 USD. Mọi hồ sơ đã được chuẩn bị sẵn sàng. Đột nhiên, đến phút cuối, khách hàng từ chối ký hợp đồng vì cho rằng giá cả mà công ty cô đưa ra cao hơn công ty khác. Cô bị đồng nghiệp cho là không chuẩn bị kỹ để dẫn đến thất bại này. Hồng Minh cảm thấy đất trời như sụp đổ.

“Chẳng lẽ sự nghiệp của mình đến đây là chấm dứt?” Cô đau đớn nghĩ đến việc nộp đơn từ chức. Thử tưởng tượng nếu bạn rơi vào tình huống chẳng hay ho một chút nào này, bạn sẽ làm gì?

1. Thừa nhận sai lầm

Trước tiên, bạn nên thừa nhận và chịu trách nhiệm cho sai lầm của mình trước sếp và các đồng nghiệp liên quan. Hãy thừa nhận thất bại và thiếu sót của mình một cách thẳng thắn và chân thành nhất. Dù gì bạn chỉ phải làm việc này duy nhất một lần mà thôi. Có thể sau đó một đồng nghiệp do vô tình có thể khêu lại những sai lầm trước đây của bạn. Nếu điều đó xảy ra, bạn chỉ nên mỉm cười, và đừng thanh minh gì cả.

Ảnh minh họa

2. Đừng quá tự dằn vặt mình

Thừa nhận sai lầm không có nghĩa là bạn phải luôn dằn vặt và nghi ngờ về khả năng của mình vì điều đó càng làm cho bạn xuống tinh thần nhanh hơn mà thôi. Hãy suy nghĩ theo hướng tích cực và lập ra kế hoạch khắc phục lỗi lầm.

3. Rút ra bài học kinh nghiệm quý báu

Đừng bao giờ để những thất bại trong quá khứ ám ảnh bạn suốt một thời gian dài. Vẫn còn rất nhiều cơ hội đang chờ đón bạn ở phía trước. Hãy đứng dậy để nắm bắt ngay những cơ hội vàng này thay vì cứ mãi than thở về những sai lầm đã qua. Những lời khuyên từ sếp và các đồng nghiệp thân cận sẽ giúp bạn nhận ra mình đã phạm sai lầm ở đâu và nên làm gì để tránh lặp lại những sai lầm tương tự. Và bạn cũng không nên đổ thừa thất bại của mình cho bất kỳ ai khác.

4. Đứng dậy và tự tin vững bước

“Nhân vô thập toàn”, chẳng có ai dám khẳng định “Tôi chưa bao giờ phạm sai lầm nào cả”. Mọi vấn đề đều có hướng giải quyết; hãy bình tĩnh và sáng suốt để tìm ra phương án khắc phục tốt nhất cho sai lầm của bạn. Thất bại là một bài học vô giá để bạn trau dồi và trưởng thành hơn trong cuộc sống.

Tuy nhiên thất bại cũng sẽ mở ra cơ hội mới. Hồng Minh đã học được điều đó từ sếp của cô, một người rất nhiệt tình và tốt bụng. Cô đã nỗ lực hết mình để khắc phục sai lầm trước đây. Chỉ 3 tháng sau, cô đã ký được một hợp đồng trị giá 200.000 USD. Hợp đồng này đã giúp cô được đề bạt lên vị trí trưởng nhóm 5 nhân viên phát triển kinh doanh.


  • 12/10/2015 12:16
  • Nguồn bài: vietnamworks
  • 1429


Gửi nhận xét