Hãy nói ngắn gọn!

Khi tôi đang tập trung xem lại báo cáo vì sắp đến giờ họp giao ban thì cô nhân viên rón rén bước lại gần thì thào: “Sếp ơi, có điện thoại của chị M…”. Tôi khoát tay: “Nói tôi đi họp rồi”.

“Chị M.” là bí danh tôi đặt cho một người bạn. Có lẽ gọi điện thoại di động tôi không nghe máy, chị chuyển sang gọi điện thoại bàn. Trong phòng, nhân viên biết tôi “ngán” nói chuyện với chị nên lần nào có điện thoại là lại vờ chạy đi tìm dù tôi đang ngồi ngay bên cạnh.

Mấy năm trước, M. cũng đi làm ở cơ quan nhà nước nhưng sau đó nghe lời chồng nghỉ việc ở nhà chăm sóc gia đình. Có lẽ ở nhà cũng buồn nên chị hay gọi điện cho bạn bè. Mới đầu, mọi người còn kiên trì lắng nghe nhưng sau đó, dần dần họ rủ nhau “né” những cuộc gọi của chị. Bất kể giờ giấc, lúc nào chị rảnh rỗi thì lại bấm điện thoại, gọi người này không được, chị lại gọi người kia.

Tôi là người cảm thông với chị M. nhất nhưng cuối cùng cũng phải kiếm cách từ chối những cuộc gọi có khi kéo dài hàng giờ với những câu chuyện không đầu không đuôi; đại loại như bà hàng xóm thả chó chạy rông tiểu bậy, anh đồng nghiệp của chồng ngoại tình, mẹ chị dưới quê mới lên mang cho mấy ký cá lóc đồng, đứa con gái lớn của chị vừa có bạn trai theo đuổi…

Không chỉ chị M., ở công ty tôi cũng có một anh nhân viên nổi tiếng “nấu cháo điện thoại” mà giờ đây ai nghe tới tên cũng sợ. Thậm chí, khi gặp mặt, hễ nghe anh bảo: “Em nói cái này…” là ai cũng kêu bận, tìm cách trốn đi ngay.

Giao tiếp là nhu cầu chính đáng của con người nhưng không thể vì nhu cầu của bản thân mà lại đi làm phiền người khác như vậy. Riêng tôi, mỗi khi có việc cần trao đổi qua điện thoại, cả chuyện tư lẫn chuyện công, tôi đều chuẩn bị kỹ nội dung, thậm chí ghi ra giấy những điều cần nói để kết thúc cuộc gọi nhanh nhất có thể.

Trước đây, tôi từng chứng kiến nhiều nhân viên gọi điện thoại trong giờ làm việc để nói chuyện riêng tư. Họ cứ ôm lấy điện thoại tán gẫu trong ánh nhìn khó chịu của đồng nghiệp. Nhiều lần như vậy, tôi quyết định lên tiếng: “Máy điện thoại công ty trang bị là để làm việc chứ không phục vụ nhu cầu tâm tình của riêng ai đó. Nếu bắt buộc phải gọi vì việc cá nhân thì hãy nói ngắn gọn để người khác còn sử dụng máy cho công việc”. Có nhân viên giận, gọi tôi là bà la sát, là quản lý kiểu phát xít nhưng tôi không thay đổi quan điểm.

Đến giờ vẫn vậy, xin nói thẳng là tôi rất bận. Nếu bạn có việc cần gọi cho tôi, bất kể chuyện gì, thì xin hãy nói ngắn gọn, nội dung tập trung và kết thúc cuộc gọi sớm chừng nào hay chừng đó.


  • 13/06/2017 10:26
  • Nguồn bài: nld.com.vn
  • 2489