Kỹ năng làm việc độc lập

Có nhiều người thích làm việc một mình, nhưng cũng có những người chỉ thích làm việc theo nhóm. Tuy nhiên cần có sự kết hợp của cả hai kỹ năng này để bạn có thể xử lý tốt công việc của mình. Dù làm việc nhóm chúng ta vẫn có những lúc cần đến sự độc lập để hoàn thiện công việc của mình. Vì vậy, đừng vì quá đề cao kỹ năng làm việc nhóm mà quên mất kỹ năng làm việc độc lập. Cần phải rèn luyện cả hai để học hỏi được nhiều kinh nghiệm làm việc hiệu quả hơn.

Ảnh minh họa.

Nâng cao trình độ chuyên môn cho bản thân

Để làm việc độc lập hiệu quả, bạn cần phấn đấu để thực sự làm chủ công việc của mình bằng cách nâng cao trình độ chuyên môn bản thân. Thép cần được tôi luyện, bạn cũng cần không ngừng tự mình làm giàu thêm tri thức nghề nghiệp bằng cách cập nhật các kiến thức mới về: Yêu cầu chuyên môn, nhu cầu thị trường lao động.

Tham gia vào các diễn đàn nghề nghiệp, mạng xã hội… trên internet là một cách thức hữu hiệu để bạn tạo dựng mối quan hệ cũng như được chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn.

Bên cạnh đó, để làm việc thành thạo, bạn cần quan tâm rèn luyện các kỹ năng mềm để ứng dụng tốt kiến thức vào thực tiễn. Ví dụ, một người dù giỏi ngoại ngữ đến mấy nhưng nếu thiếu kỹ năng giao tiếp thì cũng khó làm việc tốt với người nước ngoài. Một số kỹ năng mềm cần thiết trong công việc là: Tự học hỏi, giao tiếp, phát hiện và giải quyết vấn đề, làm việc độc lập và làm việc theo nhóm, quản lý thời gian…

Quản lý thời gian thông minh

Dù vì lý do gì, làm quá nhiều việc cùng một lúc có thể gây suy giảm chất lượng công việc và kéo dài thời điểm kết thúc. Hãy nghĩ về chuyện thời gian đang thực sự được dùng như thế nào, chứ không phải nghĩ về những việc mà bạn đang làm.

Một trong những sai lầm lớn nhất nhiều người mắc phải là đặt gần như mọi thứ - từ lớn đến nhỏ, từ thiết yếu đến vụn vặt - lên danh sách việc cần làm. Laura Vanderkam, tác giả cuốn sách “168 giờ: Bạn có nhiều thời gian hơn bạn nghĩ”, cho rằng, cách giải quyết là hãy tìm ra những gì thực sự cần để ghi lên danh sách - không nhiều hơn 3 - 5 việc dứt khoát phải làm, và "giải tán" những điều còn lại.

Làm theo tiến độ công việc

Để không bỏ sót công việc, bạn có thể ghi chú những việc cần làm ra giấy màu, dán ở nơi dễ trông thấy. Hãy dành thời gian cuối ngày hôm nay để lên kế hoạch cho ngày mai và cho hai ngày sau đó. Nó không chỉ giúp bạn đi đúng hướng, mà bạn còn hiểu rõ hơn về khối lượng công việc của mình, sẵn sàng đối diện với thách thức nảy sinh hoặc tập trung vào những gì đã lên danh sách. Không chỉ chuẩn bị cho những việc cần làm trong ngày, bạn hãy cam kết thời điểm hoàn thành chúng.

Phân cấp các lựa chọn

Nếu bạn đã quyết định sẽ rời công sở vào một thời điểm nhất định, và một nhiệm vụ cuối ngày phát sinh, đòi hỏi bạn phải giải quyết nhưng nó không phải là vấn đề sống còn của công ty, bạn cần đánh giá và giải quyết nó trong khoảng thời gian còn lại của mình, không nhất thiết phải ở lại buổi tối tại công sở. Bạn nên tự hỏi mình, “Nếu tôi nhất thiết phải rời đi lúc 5 giờ chiều, tôi cần phải làm những gì trước lúc ấy?”.

Mọi người đều muốn được ghi nhận vì những đóng góp ngoài giờ. Nhưng học cách xác định lúc nào là thời gian thực sự cần thiết cũng rất quan trọng. Bất kể những ưu tiên giữa cuộc sống và công việc của bạn thế nào, có một điểm gần như ai cũng đồng thuận: Những người sáng tạo và hiệu quả nhất trong nghề nghiệp của họ đều rất chú trọng thời gian ở bên ngoài công sở. Công việc luôn phình nở để lấp đầy không gian có thể, vì thế hãy ứng xử với thời điểm cuối ngày như một vấn đề rất quan trọng. Những người làm việc hiệu quả nhất luôn có một lý do để họ muốn ra về lúc 5 giờ chiều. Điều mấu chốt là phải nhận biết chính xác các mặt hạn chế của bản thân và quyết tâm cải thiện bằng nhiều cách.

Sau mỗi nỗ lực, bạn cần tự nhận xét xem mình đã tiến bộ như thế nào. Có câu, “hãy làm việc bình thường một cách xuất sắc trước khi làm việc xuất sắc một cách bình thường”.


  • 07/05/2014 09:13
  • Tổng hợp theo Doanh nhân Sài Gòn
  • 16419


Gửi nhận xét