Kỹ năng mềm - "bài toán khó" của nhân viên thời hiện đại

Phong cách sống, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, quản lý thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới... đó là những “kỹ năng” thuộc về tính cách, không mang tính chuyên môn, nhưng lại là cực kỳ cần thiết cho con người trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh, mọi lứa tuổi.

Những kỹ năng đó giúp con người có thể học tập, làm việc, phát triển đơn lẻ hoặc cộng đồng, thậm chí sinh tồn khi gặp bất trắc. Thế nhưng số đông người trẻ - lực lượng lao động chính và tương lai của đất nước - vẫn chưa hề ý thức được việc phải tự trang bị cho mình những kỹ năng này ngoài bằng cấp chuyên môn.

Ảnh minh họa.

Chiếm 85% khả năng thành đạt

Vấn đề của số đông người trẻ hiện nay là vẫn xem thuật ngữ “kỹ năng mềm” (soft skills - KNM) là thứ gì đó cao siêu, ngại tiếp cận. Thực tế, đó chỉ là những phản xạ hết sức cơ bản trong cuộc sống hàng ngày. Theo tiến sĩ Đỗ Thu Hằng (Học viện Báo chí Tuyên truyền), “KNM có vai trò đặc biệt quan trọng để quyết định khả năng bạn có thể làm việc hiệu quả lâu dài hoặc làm lãnh đạo hay không? Đó là những thứ bạn không được học trong nhà trường, không liên quan đến kiến thức chuyên môn”.

Phần đông những người Việt trẻ chỉ chăm chăm gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng những kỹ năng “cứng” (hard skills), nghĩa là những thứ thường xuất hiện trên hồ sơ lý lịch: Bằng cấp, khả năng chuyên môn, kinh nghiệm làm việc..., thế nhưng trên thực tế, World Bank (Ngân hàng Thế giới) đã gọi thế kỷ 21 là kỷ nguyên của kinh tế dựa vào kỹ năng (Skills Based Economy).

9 kỹ năng mềm cơ bản

(Theo Sean Hawitt - Chuyên gia tư vấn nghề nghiệp (Mỹ)

  • Có ý chí chiến thắng, có quan điểm lạc quan.
  • Có tinh thần đồng đội, hòa đồng với tập thể.
  • Giao tiếp hiệu quả.
  • Tự tin.
  • Mài giũa kỹ năng sáng tạo.
  • Chấp nhận và học hỏi từ những lời phê bình.
  • Thúc đẩy bản thân và dẫn dắt người khác.
  • Đa nhiệm vụ và xác định trước những việc cần làm.
  • Có cái nhìn tổng quan.

Năng lực của con người được đánh giá trên cả 3 khía cạnh: Kiến thức, kỹ năng và thái độ; các nghiên cứu của nhiều tổ chức xã hội đã cho thấy để thành đạt trong sự nghiệp thì KNM (trí tuệ cảm xúc) chiếm đến 85%, kỹ năng cứng (trí tuệ logic) chỉ chiếm 15%. Các nhà tuyển dụng vẫn thường nhắc lại một câu chuyện, cách đây chưa lâu, Tập đoàn sản xuất chip vi tính lớn nhất thế giới Intel (Mỹ) từng thất vọng khi tuyển 2.000 nhân viên cho dự án đầu tư vào Việt Nam, nhưng chỉ có vẻn vẹn 40 ứng viên đáp ứng được yêu cầu về kiến thức và KNM.

Cần nhất là thái độ cầu tiến

Tuy quan trọng là thế, những KNM chưa thực sự được ngành giáo dục nước ta chú trọng, các bạn trẻ phải tự tích lũy là chính. Lương Thế Vinh - người vừa đạt điểm thủ khoa ngành Kinh tế năm 2009 tại trường ĐH Cambridge (Anh) - chia sẻ: “Mọi người vẫn thường nghĩ rằng những học sinh được nhận vào Cambridge ắt hẳn phải vô cùng xuất sắc, có trình độ tiếng Anh siêu đẳng và kiến thức phổ thông rất giỏi, nhưng sự thật lại khác.

Họ tìm những người sẽ giỏi, chứ chưa hẳn tìm những người đang giỏi. Đơn giản hơn, họ sẽ chiêu sinh những bạn trẻ có KNM cao. Đó là có hoài bão, có khát vọng, có kỹ năng để thực hiện những điều mình mơ ước. Nhưng hơi tiếc là ở Việt Nam, đa số học sinh chưa được trang bị KNM nên mất điểm khi thi tuyển rất nhiều”.

Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Giáo dục Việt Nam, có đến 83% sinh viên tốt nghiệp ra trường bị đánh giá là thiếu KNM, 37% sinh viên ra trường không tìm được việc làm do không đáp ứng đươc nhu cầu về KNM. Điều đó lý giải tại sao rất nhiều sinh viên sớm bươn chải, đi làm thêm khi còn đi học đã thành công hơn những “mọt sách”.

Đã có không ít những bạn sinh viên chỉ biết chăm chú với bài vở, đạt điểm rất cao nhưng ra trường không xin được việc làm hoặc chỉ làm nhân viên bình thường. Người Việt thường gọi những người bằng cấp không cao nhưng sớm thành đạt là những người “lanh”, thực chất “lanh” cũng là KNM. Khi trường học không có nội dung đào tạo KNM, nhiều trung tâm đã mở ra các lớp đào tạo để đáp ứng nhu cầu cho bạn trẻ. Hầu hết các trung tâm đều giảng dạy theo hình thức trải nghiệm (trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm, trò chơi, bài tập…). Các giảng viên dựa trên cách tiếp cận người học để khơi dậy sự vận động của học viên.

Cách làm này khá hiệu quả, nhưng thực tế cho thấy, những lớp học này vẫn đìu hiu vì ít bạn trẻ chịu bỏ thời gian và tiền bạc để giam mình vào một lớp học dạng như thế này. Cách hiệu quả hơn là tạo các sân chơi mở để các bạn trẻ được vui chơi, vừa được giải trí vừa tự thu lượm kỹ năng cho mình.

Dù thiếu trầm trọng KNM nhưng nhiều người trẻ vẫn… không biết mình đang thiếu, và nếu nhận thức được cái sự thiếu ấy của mình, cũng chưa hẳn tìm được cách để trang bị thật nhanh, kịp với nhu cầu của cuộc sống. Câu trả lời cho câu hỏi “Điều gì quyết định đến thành công của việc thực hiện KNM?” thật ra lại khá đơn giản: Đó không phải vì điều kỳ diệu từ những kỹ năng học được mà chính là thái độ cầu tiến trong mỗi người, sẵn sàng học hỏi và thay đổi, cũng như chấp nhận thất bại một cách đúng đắn. KNM có thể được học và rèn luyện ở mọi lúc, mọi nơi và không chỉ bó hẹp trong những tiêu chuẩn, chuẩn mực mà sách vở và các chuyên gia đã liệt kê. Và như vậy, chỉ cần có ý chí cầu tiến, sẵn sàng thay đổi và hòa đồng, mỗi người có thể đưa ra những khái niệm và tự rèn luyện KNM cho chính mình, với nhiều cách khác nhau.


  • 26/02/2015 02:22
  • Nguồn bài và ảnh: Lao động cuối tuần
  • 2100


Gửi nhận xét