Theo Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, VCCI, được sự hỗ trợ và tham gia ý kiến của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), ban hành năm 2015: Đặc điểm cơ bản nhất của hành vi quấy rối tình dục nói chung, quấy rối tình dục nơi làm việc, công sở nói riêng, là hành vi gợi dục không được chấp nhận và không mong muốn. Nói cách khác, đây là loại hành vi cưỡng bức có yếu tố tình dục, phản văn hóa.
Ảnh minh họa.
|
3 nguyên nhân chủ yếu
Một là, do nhận thức đơn giản, không đầy đủ của xã hội về quấy rối tình dục. Nhiều người cho rằng, chỉ khi có hành vi ôm, hôn, sờ mó hoặc dẫn đến hiếp dâm thì mới là quấy rối. Lại có quan niệm “Làm hoa cho người ta hái; làm gái cho người ta trêu”… vậy nên các hành vi trêu trọc dễ có tính dục thái quá; các câu chuyện tiếu lâm dung tục, được mọi người chấp nhận và truyền bá ở nhiều nơi.
Hai là, nguyên nhân từ văn hóa truyền thống có nhiều yếu tố tiêu cực, lạc hậu, nhận thức lệch lạc…Đó chính là các biểu hiện của thói trọng nam, khinh nữ. Người phụ nữ thấp cổ bé họng, khi bị quấy rối tình dục, dù bị khó chịu, đau khổ…nhưng các nạn nhân nữ thường muốn giấu kín, ngại công khai sự việc và không dám phản kháng, tố cáo đối tượng. Hiện nay, quấy rối tình dục có cả các nạn nhân nam song nạn nhân nữ thường vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều.
Ba là, sự bất cập của luật pháp và thiếu chế tài hiệu quả trong ngăn chặn và xử phạt. Bộ Quy tắc ứng xử trên mới có tác dụng hướng dẫn định tính và ngăn ngừa các hành vi lệch chuẩn văn hóa. Cơ sở pháp lý để xử phạt hiện nay là Bộ luật Lao động 2012 có một số điều khoản quy định về quấy rối tình dục như Điều 8 quy định cấm “ngược đãi người lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc”; Điều 37 quy định người lao động bị quấy rối có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động… đều chưa có chế tài xử phạt mạnh đối với chủ thể quấy rối tình dục.
Những giải pháp hiệu quả
Giải pháp cho vấn đề quấy rối tình dục nơi làm việc, công sở, cần dựa trên các nguyên tắc về đạo đức, văn hóa, giáo dục, kết hợp với công nghệ, pháp luật; lấy phương pháp chủ động giáo dục, phòng ngừa là chính kết hợp với các chế tài xử phạt và kỷ luật thực thi nghiêm minh:
1- Nâng cao nhận thức của xã hội, nhất là trong các tổ chức, doanh nghiệp, nơi làm việc về việc phòng chống quấy rối tình dục thông qua các biện pháp giáo dục, đào tạo, truyền thông, xử lý nghiêm các vụ việc… Thái độ của các cá nhân, tổ chức đối với nạn quấy rối tình dục và bình đẳng giới sẽ là tiêu chí quan trọng, đánh giá mức độ văn minh, hội nhập quốc tế của Việt Nam.
2- Xây dựng và thực hành văn hóa công sở, văn hóa ứng xử nơi công cộng, trong đó có Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ban hành. Cần thực hiện một cách thực chất, dựa trên các giá trị cốt lõi của văn hóa tổ chức để có được môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, vì sự phát triển của con người. Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục nơi làm việc cần thực hiện lồng ghép vào các phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa, văn hóa công vụ, văn hóa doanh nghiệp do Chính phủ đã phát động.
3- Bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật, có chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi quấy rối tình dục. Luật pháp cần có các quy định và chế tài cụ thể và nghiêm minh hơn, bảo vệ người bị cưỡng bức tình dục, bảo vệ đạo đức và lối sống văn minh của xã hội. Theo tôi, để đối tượng không dám và không muốn quấy rối tình dục thì cần sớm điều tra, công khai danh tính những người xâm hại tình dục và mức xử phạt hành chính bằng tiền cần nâng lên gấp 50 - 100 lần hiện nay (từ 200 ngàn lên 10 triệu đến 20 triệu đồng).
4- Cán bộ, công chức, lãnh đạo các tổ chức cần gương mẫu, đi đầu thực hiện văn hóa, quy tắc ứng xử văn minh nơi công sở/công cộng kết hợp việc quản lý nhân sự bằng công nghệ hiện đại. Các camera giám sát tại một số nơi làm việc và ở các nơi công cộng đã chứng tỏ được sự cần thiết, tác dụng hữu hiệu, góp phần làm giảm bớt nguy cơ xuất hiện những hành vi lệch chuẩn. Đồng thời, cung cấp những bằng chứng khách quan, xác thực nhất, giúp cho việc điều tra, truy tố hay xử phạt những hành vi quấy rối tình dục nơi công sở được đúng người, đúng tội.