Xây dựng văn hóa gắn kết là yêu cầu không thể thiếu trong bất kì doanh nghiệp nào bởi đó là chiếc chìa khóa để thích ứng hiệu quả trước một thế giới luôn biến đổi không ngừng. Văn hóa ấy tạo ra một môi trường làm việc, nơi mà nhân viên được trao quyền và không ngừng nỗ lực vì mục tiêu chung.
Trong mỗi doanh nghiệp, văn hóa gắn kết nên là một trong những ưu tiên phát triển ngay từ đầu, bởi đó là nền móng quan trọng cho sự phát triển nhanh chóng và bền vững.
Bà Lý Ngọc Trân, Giám đốc dịch vụ nhân sự thuê ngoài và tuyển dụng nhân sự cấp cao Talentnet đưa ra một số gợi ý giúp doanh nghiệp có thể củng cố và thúc đẩy sự gắn kết trong tổ chức một cách hiệu quả và bền vững.
Theo bày Trân, công nhận những giá trị và thành tựu của nhân viên là điều đầu tiên doanh nghiệp cần làm khi muốn xây dựng thành công văn hoá gắn kết trong doanh nghiệp. Bất kì ai cũng muốn được công nhận năng lực cũng như những thành tựu đạt được.
Trong các giai đoạn phát triển bản thân cũng như sự nghiệp, nhu cầu được công nhận ấy trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Doanh nghiệp biết cách công nhận giá trị của nhân viên sẽ tạo ra một môi trường làm việc kích thích sự sáng tạo, thúc đẩy năng suất lao động cao. Môi trường làm việc ấy cũng khích lệ tinh thần phấn đấu vì mục tiêu chung, tạo động lực để tất cả nhân viên cùng nhau vượt lên trên mọi khó khăn, đặc biệt như khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Do vậy, công nhận giá trị và năng lực của nhân viên là một cách hữu hiệu để củng cố văn hóa gắn kết trong doanh nghiệp.
Thường xuyên nói chuyện, chia sẻ với nhân viên là cách để xây dựng sự gắn kết trong công ty
|
Một trong những cách hiệu quả để biết được cảm nhận của nhân viên về văn hóa doanh nghiệp là thực hiện các cuộc thăm dò ý kiến.. Trọng tâm của các cuộc thăm dò ý kiến phải là nhân viên bởi họ sẽ cung cấp nhiều góc nhìn quý giá và đa dạng về văn hoá doanh nghiệp cũng như cuộc sống. Kết quả thu thập được sẽ là cơ sở giúp doanh nghiệp đánh giá hiệu quả hướng đi hiện tại của bộ phận nhân sự, đồng thời nhìn ra các vấn đề cần khắc phục. Từ đó, doanh nghiệp có thể kịp thời hành động để điều chỉnh hoặc củng cố thêm cho chiến lược hiện tại.
Trong khi đó, tôn trọng lẫn nhau là điểm chung trong văn hóa của mỗi doanh nghiệp và sự tôn trọng ấy nên đến từ hai phía. Thông thường, nhân viên sẽ thể hiện sự tôn trọng đối với lãnh đạo của họ. Tuy nhiên, trong doanh nghiệp có văn hóa gắn kết, chính những người lãnh đạo cũng dành cho nhân viên sự tôn trọng tương xứng, thể hiện qua cách lắng nghe và giải quyết kịp thời những phản hồi, vướng mắc của nhân viên. Khi có sự tôn trọng lẫn nhau, mức độ hài lòng và sự cam kết trong công việc của nhân viên sẽ được cải thiện đáng kể.
Chủ doanh nghiệp nên duy trì các buổi nói chuyện trong doanh nghiệp nhằm gia tăng sự gắn kết. Việc thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện trong doanh nghiệp với những chủ đề đa dạng là một cách để củng cố văn hóa doanh nghiệp và tăng sự gắn kết của nhân viên, khích lệ mọi người cùng nhau phát triển và làm việc hiệu quả. Qua những buổi nói chuyện, nhân viên và lãnh đạo có cơ hội để bày tỏ và chia sẻ quan điểm trên nhiều phương diện cuộc sống và công việc. Điều này không chỉ giúp phát triển chuyên môn trong công việc mà còn khiến nhân viên cảm thấy hạnh phúc hơn.
"Khi nhân viên xem doanh nghiệp như ngôi nhà thứ hai, họ sẽ trở nên tích cực, lạc quan hơn trong công việc. Môi trường làm việc thoải mái giúp mọi người tương tác với nhau dễ dàng và hiệu quả hơn. Kết quả là, năng suất công việc sẽ được cải thiện rõ ràng" – bà Trân chia sẻ.
Cũng theo bà Trân, vai trò và nhiệm vụ của hộ phận nhân sự trong doanh nghiệp vô cùng quan trọng trong việc xây dựng văn hoá gắn kết trong doanh nghiệp. Ngoài tham gia hỗ trợ những công việc hàng ngày, bộ phận nhân sự còn có nhiệm vụ xây dựng mạng lưới cộng đồng trong doanh nghiệp thông qua hoạt động tuyển dụng. Cần có sự đa dạng trong hàng ngũ nhân sự được tuyển chọn, nhưng cũng cần đảm bảo họ cùng chia sẻ những giá trị chung với các đội nhóm trong doanh nghiệp.
Một môi trường làm việc đa dạng gồm những cá nhân có kinh nghiệm và góc nhìn phong phú sẽ khích lệ mọi người cởi mở và sẵn lòng chia sẻ kiến thức cũng như đón nhận ý kiến từ các thành viên còn lại, tạo nên sự gắn kết và thúc đẩy tính sáng tạo. Cố gắng để thấu hiểu lẫn nhau, chấp nhận và tôn trọng những giá trị khác biệt giúp mọi người trong doanh nghiệp dễ dàng hòa nhập hơn trong tập thể đa dạng, góp phần tích cực vào xây dựng văn hóa gắn kết.
Link gốc