Làm thế nào để thúc đẩy bình đẳng giới?

Khi công tác trong một ngành kỹ thuật đặc thù như ngành Điện, chị em phụ nữ sẽ gặp không ít khó khăn so với đồng nghiệp nam. Vậy, phải làm gì để hỗ trợ, giúp nữ CBCNV phát triển sự nghiệp, tăng cường thúc đẩy bình đẳng giới?

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc - Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC):

Phát hiện và bồi dưỡng các “hạt nhân”

Hiện nay, tổng số nữ CBCNV của Tổng công ty là 3.200 người/tổng số gần 22.000 CBCNV, chiếm tỷ lệ 14,6%. Để thúc đẩy bình đẳng giới, tăng số lượng nữ CBCNV làm việc tại các đơn vị trực thuộc và tại Cơ quan Tổng công ty, EVNSPC đã đưa ra các quy chế ưu tiên tuyển dụng lao động nữ tại một số vị trí phù hợp như: Làm việc tại văn phòng, bộ phận chăm sóc khách hàng… Đồng thời, luôn tạo điều kiện để lao động nữ phát huy sở trường, phấn đấu thăng tiến.

Tổng công ty cũng như các đơn vị thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc thi, qua đó phát hiện các “hạt nhân” để tiếp tục bồi dưỡng năng lực, khuyến khích và tạo điều kiện để chị em tham gia các khóa đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Hiện EVNSPC có khoảng 300 nữ cán bộ làm công tác quản lý tại các cấp Điện lực, Công ty Điện lực, Cơ quan Tổng công ty. Trong thời gian tới, EVNSPC sẽ tạo thêm nhiều cơ hội thăng tiến cho các nữ CBCNV, tăng tỷ lệ nữ giới tại các vị trí quản lý ở tất cả các cấp trong Tổng công ty.

Ông Lê Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc khách hàng, Tổng công ty Điện lực miền Trung:

Làm “công tác tư tưởng” và tạo điều kiện cho chị em

Cường độ công việc tại Trung tâm chăm sóc khách hàng là rất lớn, nhiều áp lực, nên chị em rất vất vả. Đặc biệt, bộ phận điện thoại viên còn phải làm việc theo chế độ trực ca ngày, ca đêm, gây xáo trộn trực tiếp tới đời sống của người lao động.

Hơn nữa, chị em cũng gánh trọng trách là “nội tướng” trong gia đình. Thực chất, không dễ để gánh vác được cả việc nước, việc nhà, do đó, tôi nhận thấy có nhiều nữ CBCNV có tâm lý “ngại” phấn đấu thăng tiến, mà muốn lùi về hậu phương gia đình.

Nắm bắt được tâm tư của lao động nữ, Trung tâm cũng làm “công tác tư tưởng” để khuyến khích chị em mạnh dạn phấn đấu trong sự nghiệp, đồng thời tạo điều kiện tối đa để chị em khẳng định được năng lực bản thân và đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung của đơn vị.

EVN luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các nữ CBCNV phát huy năng lực, phát triển sự nghiệp

Bà Nguyễn Thúy - Cán bộ quản lý cao cấp của Tập đoàn GE tại Việt Nam:

“Kéo” nam giới vào cuộc

Để tạo một cộng đồng chung cho các nữ nhân viên, GE đã thành lập “GE women network” (tạm dịch: Mạng lưới nữ giới của GE), với sự tham gia của khoảng 70.000 nhân viên nữ tại hơn 60 quốc gia trên thế giới.

Qua mạng lưới này, tiếng nói của nữ CBCNV tại GE ngày càng được củng cố. Đây cũng là nơi chị em chia sẻ những kinh nghiệm quý báu để phát triển sự nghiệp, chia sẻ các cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, cũng như trao đổi kỹ năng cân bằng trong cuộc sống riêng và công việc.

Thực tế, khi tạo được một cộng đồng chung như vậy, các nữ nhân viên của GE luôn được “truyền lửa” từ sự nhiệt huyết, năng động của các nữ đồng nghiệp khác trên hệ thống GE toàn cầu, hun đúc thêm khát vọng sự nghiệp.

Đồng thời, trong quá trình hoạt động, GE luôn chú trọng phát triển tiềm năng, nâng cao năng lực của các nữ CBCNV. GE thường xuyên trao học bổng cho nhân viên nữ với trị giá trung bình khoảng 5.000 USD/khóa đào tạo.

Cũng phải nói thêm, bí quyết lớn nhất của GE chính là “kéo” nam giới vào cuộc, để họ luôn tôn trọng, ghi nhận đóng góp của các đồng nghiệp nữ và chính nam giới phải là động lực hỗ trợ chị em phấn đấu thăng tiến nơi công sở.


  • 24/11/2017 10:38
  • M.Hạnh
  • 5129