Không nên "luật hóa" cách xưng hô nơi công sở
Ông Trần Mạnh Chính - Chánh văn phòng Công ty Điện lực Cầu Giấy (EVNHANOI)
|
Hiện nay tại Công ty chúng tôi, việc giao tiếp nội bộ giữa các cán bộ công nhân viên căn bản dựa trên Bộ Quy tắc ứng xử của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI). Bộ quy tắc này chưa đề cập cụ thể đến cách xưng hô khi giao tiếp nội bộ. Bởi vậy, những cán bộ có tuổi đời trẻ thường gọi những người đáng tuổi cha chú mình bằng “bác, chú, cô” và xưng “cháu”; những cán bộ có độ tuổi ngang nhau thường gọi tên người đối thoại xưng “tôi” hoặc “anh, chị, bạn” xưng “tôi”; cán bộ có tuổi đời cao hơn gọi “cháu” hoặc “em” xưng “chú/cô/anh/chị”.
Có một số ý kiến cho rằng, xưng hô như vậy khiến những người ít tuổi hơn không dám nêu chính kiến của mình trước các bậc cô/chú/bác/anh/chị và như thể đồng hóa hai mối quan hệ khiến “công – tư” lẫn lộn khi giải quyết công việc. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, việc xưng hô như vậy không làm mất đi sự nghiêm túc trong giao tiếp, cũng không làm thay đổi cách tư duy, cách nghĩ hay hiệu quả công việc giữa những người đối thoại bởi công việc được thực thi dựa trên những qui trình, qui định cụ thể. Cách xưng hô không thực sự quan trọng bằng cách đối xử, thái độ giữa những người giao tiếp với nhau cả trong quá trình giải quyết công việc và trong các mối quan hệ khác ngoài xã hội.
Mặc dù vậy, theo tôi, cũng cần có những quy chuẩn trong xưng hô nơi công sở, nhưng nó chỉ là quy tắc, qui định nội bộ của mỗi tổ chức, cơ quan chứ không nên luật hoá. Đồng thời vẫn phải xét đến truyền thống văn hóa của người Việt là “kính trên nhường dưới” như tôn trọng tuổi tác, thứ bậc, chức vụ và phải phù hợp với từng hoàn cảnh của mỗi tổ chức doanh nghiệp. Bên cạnh việc xưng hô phù hợp vẫn rất cần những hành vi, thái độ lịch thiệp, đúng mực, tôn trọng và bình đẳng giữa những người giao tiếp.
Cần có những quy chuẩn trong xưng hô nơi công sở nhưng không nên máy móc
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó chủ tịch Công đoàn Chi nhánh ĐCT Gia Lai, Công ty Lưới điện cao thế miền Trung
|
Trong cách giao tiếp, xưng hô nơi công sở cũng là biểu hiện của văn hoá doanh nghiệp. Cũng như các đơn vị cơ sở khác trong Công ty Lưới điện Cao thế miền Trung, việc xưng hô hiện nay ở đơn vị chúng tôi chưa có những quy chuẩn cụ thể, nhưng vẫn đảm bảo sự tôn trọng, lịch sự, vừa thân tình, gần gũi. Hằng ngày, tại nơi làm việc, đồng nghiệp thường xưng hô “anh – em”; “chị - em”. Lãnh đạo nói chuyện với nhân viên thường xưng hô "tôi - anh/chị", hoặc gọi tên riêng với những người đồng độ tuổi. Trong các cuộc hội họp, những lúc trang trọng, việc xưng hô có chút ít thay đổi, người nói xưng “tôi” và gọi theo chức danh, có khi gọi đủ tên họ. Ví dụ, Thưa giám đốc, tôi xin phép được trình bày quan điểm của mình; hoặc, đề nghị Trưởng phòng Nguyễn Văn A cho ý kiến...; hoặc xưng hô “tôi - đồng chí” tại các cuộc họp Đảng.
Theo tôi, để môi trường làm việc mang tính chuyên nghiêp, công bằng, dân chủ và khách quan hơn, tôi thống nhất quan điểm cần xây dựng quy chuẩn trong xưng hô nơi công sở, tạo ra sự chuẩn mực, nề nếp trong giao tiếp. Tuy nhiên, vấn đề này cần thực hiện linh hoạt, dựa trên văn hóa, tập quán của người Việt Nam, không nên cứng nhắc mang tính bắt buộc.
Theo ý kiến cá nhân, trong công sở hiện nay nên xưng hô theo chức danh đối với người có chức vụ quan trong như: Chủ tịch, tổng giám đốc, giám đốc... Xưng hô bằng tên đối với người cùng trang lứa; Dùng đại từ nhân xưng với người lớn tuổi như “anh - em”; “chị - em”. Tại các buổi lễ trang trọng, khi lên diễn đàn, thì gọi “ông, bà” và xưng “tôi”.
Nên “tùy cơ ứng biến”
Anh Ngô Duy Hiếu, Phòng Kinh tế - Kế hoạch, Ban Quản lý Dự án Thuỷ điện 1 (khu vực Huội Quảng)
|
Chúng tôi “đóng đô” tại công trình xây dựng, anh chị em hầu hết đều làm việc xa nhà. Ngoài những giờ làm việc anh em tụ tập sinh hoạt, ăn uống cùng khu nhà như trong gia đình nên việc xưng hô trong công sở cũng có những đặc thù riêng, thiên về tình cảm.
Về việc xây dựng những quy chuẩn trong xưng hô nơi công sở, theo tôi cần phải cân nhắc, không nên áp dụng một cách máy móc mà phải linh hoạt vận dụng tuỳ từng môi trường làm việc cụ thể. Ví như trong hoàn cảnh của chúng tôi, nếu ở công sở xưng hô theo quy định chuẩn mực, hết giờ ra về đi “ba bước chân” đến khu nhà ở lại sinh hoạt theo kiểu gia đình thì sẽ xảy ra tình trạng “Sáng bác, chiều anh, loanh quanh tối trời thì kêu bằng chú”.
Mặc dù vậy, theo tôi dù là “quy chuẩn” hay không thì trong xưng hô nơi công sở phải tuân thủ 3 nguyên tắc: Tôn trọng đồng nghiệp, lịch sự trong giao tiếp; Thể hiện được sự chuyên nghiệp, tạo cho công việc trôi chảy hơn; Đảm bảo văn hoá công sở.