Người gắn bó với Thủy điện Suối Vàng

Đó là ông Phạm Văn Cường, nguyên quản đốc phân xưởng Thủy Điện Suối Vàng (Công ty Điện Lực Lâm Đồng). Ông là một cán bộ gương mẫu, yêu nghề và đầy nhiệt huyết trong công việc.

Vợ chồng ông Phạm Văn Cường giờ đã có những giây phút thảnh thơi để cùng vui vầy bên con cháu và chăm sóc vườn tược, cây cảnh

“Cơ duyên”

Ông Phạm Văn Cường sinh năm 1950 tại Gia Viễn – Ninh Bình. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Cơ khí chế tạo máy tại trường Đại học Cơ điện Thái Nguyên khóa III (1967-1972), ông được phân công công tác tại Nhà máy Cơ khí Cẩm Phả - Công ty Than Hòn Gai (là nhà máy anh hùng thuộc Bộ Điện & Than lúc đó).

Không bao lâu, cái duyên với ngành Điện đã đưa người kỹ sư cơ khí về công tác tại Nhà máy Thủy điện Thác Bà đầu năm 1976 với nhiệm vụ là kỹ sư phân xưởng tuốc bin. Ông từng tham gia khôi phục hệ thống thang máy vận hành của Nhà máy Thủy điện Thác Bà - công trình chào mừng Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam khóa IV.

Đầu năm 1982, ông chuyển công tác vào làm tại Sở điện lực Lâm Đồng với nhiệm vụ là cán bộ Phòng Kỹ thuật phụ trách nguồn điện lúc ấy, gồm các nhà máy thủy điện nhỏ và diesel trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng. Ngày ấy, thiết bị cũ kỹ nên xác suất sự cố ở các nguồn điện rất lớn nên ông thường xuyên phải di chuyển "con thoi" giữa các nhà máy để sửa chữa, khắc phục.

Trong 2 năm 1983 - 1984, theo chương trình hợp tác giữa Liên Xô - Việt Nam, ông Cường được Bộ Năng lượng cử tham gia chương trình đào tạo chuyên đề Thủy điện tại Liên Xô. Cái “duyên nghiệp” lần nữa đưa ông đến với Nhà máy Thủy điện Suối Vàng vào năm 1986 với cương vị Trưởng nhà máy và gắn bó công tác tại nơi đây cho đến ngày về nghỉ theo chế độ.

“Vạn sự khởi đầu nan”

Nhớ lại những ngày đầu ông Cường mới đến Nhà máy Thủy điện Suối Vàng, khó khăn chồng chất. Một nhà máy với thiết bị và con người từ chế độ cũ để lại, thiết bị dự phòng thiếu thốn, sự cố thường xuyên, công nhân vận hành có tay nghề nhưng chưa xóa bỏ được tư duy của "người tớ" làm công thời chế độ cũ, đường đi lại nhà máy khó khăn hiểm trở...

Hàng tuần, ông chuẩn bị mọi thứ cho sinh hoạt bản thân và công tác của nhà máy như vật tư, nhiên liệu để phục vụ vận hành… theo xe chở vào nhà máy. Từng bước một, ông đã cùng các cán bộ kỹ thuật của Sở điện lực và Nhà máy cải tạo dần những hư hỏng để các tổ máy, nhà máy hoạt động ổn định, góp phần lớn trong việc cung cấp điện cho thành phố Đà Lạt thời kỳ đó. Năm 1995, Nhà máy đã vinh dự được là đơn vị đầu tiên của Sở điện lực Lâm Đồng đón nhận Huân chương Lao động hạng 3.

Những mùa quả ngọt

Liên tục trong những năm tiếp theo, Nhà máy Thủy điện Suối Vàng đã được Công ty Điện lực 2 (nay là Tổng công ty Điện lực miền Nam) đầu tư cải tạo lớn,

Ông Cường đã gắn bó với các kỳ đại tu, cải tạo đó với biết bao trăn trở suy nghĩ, dầm mưa dãi nắng ở công trường để đảm bảo giám sát an toàn, chất lượng trong thi công và hiệu quả khai thác công trình sau khi cải tạo. 

Bên cạnh công tác chuyên môn, về công tác đoàn thể, ông luôn được tín nhiệm trong BCH Công đoàn Điện lực Lâm Đồng, nhiều năm liền được tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công Đoàn” năm 2009. Ông là người đề nghị thành lập và phát triển Chi bộ Phân xưởng Thủy điện Suối Vàng đầu tiên vào tháng 5/2008 sau hơn 33 năm Nhà máy hoạt động kể từ ngày thống nhất đất nước.

Năm 2010, ông Cường vinh dự được nhận bằng khen điển hình tiêu biểu của Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bản thân ông liên tục là chiến sĩ thi đua của đơn vị, của ngành, được nhận bằng khen của Thủ tướng, giấy khen, kỷ niệm chương của ngành và của địa phương, đặc biệt là Huân chương Lao động hạng III năm 2011.

Hậu phương vững chắc

Kể về thành tích của ông Phạm Văn Cường, sẽ thật là thiếu sót nếu không nhắc đến hậu phương vững chắc của ông, đó là người vợ đã sát cánh cùng ông từ năm 1975, một giáo viên yêu trường, yêu nghề nhưng buộc phải nghỉ công tác vào năm 1989 do căn bệnh cột sống. Bà ở nhà chăm sóc 2 con trai ăn học với mảnh vườn nhỏ, vừa nuôi thỏ, trồng rau, làm thêm kinh tế để ông yên tâm công tác xa nhà.

Hiện nay, các con của ông đều đã thành đạt và nối nghiệp cha. Ông chia sẻ mong muốn về việc gìn giữ mô hình Nhà máy nguyên bản từ ngày hình thành vì đây là nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam, như một bảo tàng sinh động của ngành, hay ý tưởng về khai thác du lịch ở nhà máy,… Dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn quan tâm cập nhật các thông tin về quá trình phát triển đổi mới của ngành, của công ty, đơn vị. Ông vẫn như "người trong cuộc".


  • 10/10/2012 09:56
  • Đinh Viết Hòa
  • 2257


Gửi nhận xét