Người thợ điện có đôi bàn tay vàng

“Ham học hỏi, chịu khó tìm tòi, sáng tạo, có nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả cao”, Đó là nhận xét của ông Phạm Văn Sơn - Quản đốc Phân xưởng Sửa chữa -Thí nghiệm điện – Công ty Điện lực Yên Bái khi nói về Nguyễn Ngọc Hưng -Tổ trưởng Tổ Sửa chữa máy biến áp.

Nguyễn Ngọc Hưng sinh năm 1975 tại Thanh Hóa. Năm 1996, sau khi tốt nghiệp Trường Công nhân cơ khí - Xây lắp điện Việt Trì, anh được tuyển vào làm việc tại Đội Xây lắp điện - Điện lực Yên Bái (nay là Công ty Điện lực Yên Bái).

Sáng kiến đầu tiên của anh khi làm thợ xây lắp đường dây là sử dụng thân cây chuối đóng thành bè vận chuyển vật tư và người vượt qua vùng đầm lầy trong thi công tuyến đường dây 35 kV đưa điện về huyện Văn Yên.

Năm 2002, anh chuyển về làm việc tại Tổ Thí nghiệm điện thuộc Phân xưởng Sửa chữa - Thí nghiệm.. Vừa làm, vừa học hỏi những đồng nghiệp đi trước, chỉ sau một thời gian ngắn, anh đã làm chủ các thiết bị thí nghiệm, từ đó đề xuất với lãnh đạo cải tiến một số thiết bị đo, thử nghiệm cao áp cho phù hợp với công việc. Kết quả, đề xuất của anh được chấp nhận và áp dụng trong thí nghiệm, hiệu chỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trước kia, khi thử nghiệm các aptomát, máy cắt có dòng điện cắt lớn hơn 1000 A phải nhờ đơn vị bạn vì Công ty chỉ  có máy tạo dòng điện xoay chiều dưới 1000 A. Được lãnh đạo động viên, khuyến khích, anh cùng Tổ Thí nghiệm đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công máy tạo dòng điện xoay chiều (có dòng điện từ 0 đến 6000 A). Nhờ đó, Công ty tiết kiệm được được hàng trăm triệu đồng.

Nguyễn Ngọc Hưng đang kiểm tra máy biến áp trước khi xuất xưởng

Cuối năm 2009, Công ty Điện lực Yên Bái mở thêm dây chuyền sửa chữa máy biến áp, anh Hưng được giao làm tổ trưởng. Công việc đầu tiên là cách quấn dây, đặt cách điện giữa các cuộn dây, phương pháp sấy như thế nào cho đảm bảo nhiệt độ mà tiết kiệm điện, làm sao cho đúng kỹ thuật, từ thông chạy trong lõi thép phân bố đều….Tuy nhiên, chiếc máy biến áp đầu tiên xuất xưởng khi đưa vào vận hành đã bị cháy, nguyên nhân là do các tấm lót cách điện và phương pháp sấy chưa đạt yêu cầu. Hưng xin lãnh đạo Công ty cho anh em trong Tổ đến Công ty CP Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh học hỏi. Với nỗ lực và sự kiên trì, sau một thời gian, chiếc máy biến áp thứ hai xuất xưởng đã đưa vào vận hành đảm bảo chất lượng.

Ban đầu việc quấn dây thực hiện thủ công nên rất chậm, việc đếm số vòng dây cũng không chính xác. Phải có máy quấn dây... Ý nghĩ ấy đã thôi thúc anh cùng kỹ sư Đỗ Ngọc Cường và Tổ cơ khí quyết tâm nghiên cứu, chế tạo máy quấn dây.  Từ những vật tư mua từ cửa hàng đồ cũ, sau hơn 3 tháng miệt mài nghiên cứu, vẽ đi, vẽ lại hàng chục chi tiết của từng bộ phận trong máy, chiếc máy quấn dây đã ra đời đúng như dự kiến với tổng chi phí gần 19 triệu đồng, tiết kiệm khoảng 150 triệu đồng nếu mua máy ngoài thị trường. Nhờ có máy cuốn dây, năng suất lao động tăng 150%, tiến độ sửa chữa MBA tăng lên đáng kể

Hiện tại, khi sửa chữa MBA, để hàn nối tổ hợp các cuộn dây thứ cấp sau khi sửa chữa, vẫn sử dụng đèn khò khí gas nung nóng thiếc hàn cũng như các chi tiết cần hàn, rất nguy hiểm, dễ gây cháy nổ và làm tổn thương cách điện cuộn dây MBA. . Trước tình hình đó, Hưng đã đề xuất với cấp trên nghiên cứu, chế tạo máy hàn thanh cái đồng thay cho việc dùng đèn khò.

Với sự cộng tác của các kỹ sư Nguyễn Thanh Hùng và Cù Trung Dũng, chỉ sau môt thời gian ngắn, chiếc máy hàn thanh cái đồng đã ra đời đáp ứng được những tiêu chí đề ra.

Ưu điểm của phương pháp này là sử dụng dòng điện để đốt nóng đối tượng cần hàn và làm nóng chảy thiếc hàn nên mối hàn được đảm bảo chắc chắn, khi áp dụng vào sửa chữa MBA sẽ  không gây cháy nổ và không làm tổn thương cách điện cuộn dây MBA, tiết kiệm được nguyên liệu và thời gian.

Liên tục từ năm 2006 - 2011, năm nào Hưng cũng có sáng kiến được áp dụng vào sản xuất, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất lao động. Ngoài ra, Hưng còn có nhiều đề xuất được áp dụng vào sản xuất như: Chỉnh định rơ le báo tín hiệu chạm đất trạm trung gian, chỉnh định nhiệt độ cho thiết bị đóng, cắt sấy MBA… 

Năm 2011 là năm thành công của tổ sửa chữa MBA do anh Hưng làm tổ trưởng với 13 MBA được xuất xưởng. Tất cả các máy đưa vào vận hành đều đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, là tiền đề cho một hướng đi mới của Công ty Điện lực Yên Bái. Mỗi MBA tốn kém thêm hàng chục triệu đồng nếu phải đưa đi Hà Nội sửa chữa. Tính ra năm 2011, Tổ của Hưng đã làm lợi cho Công ty hơn 100 triệu đồng.

Không chỉ nhiệt tình trong công việc mà anh Hưng còn hăng hái tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao, tham gia Hội thi thợ giỏi cấp Công ty, cấp Tổng công ty. Năm 2011, tại Hội thi thợ giỏi cấp Tổng công ty Điện lực miền Bắc,  anh Hưng đạt giải Nhất môn thực hành nhóm nghề Sửa chữa thiết bị điện.

Anh Nguyễn Ngọc Hưng liên tục nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc và Công ty Điện lực Yên Bái...

 


  • 18/07/2012 09:19
  • Trung Cao
  • 2934


Gửi nhận xét