Người công nhân giỏi làm kinh tế

Anh Lê Văn Thanh - Nhóm trưởng thuộc Tổ bảo vệ Công ty Điện lực Bình Định là tấm gương về ý chí vượt khó, vươn lên làm giàu cho gia đình theo mô hình kinh tế “vườn – ao – chuồng”.

Về thăm gia đình anh Lê Văn Thanh ở thôn Cảnh An 1, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước  vào những ngày giữa tháng 4 năm 2012, anh Thanh hào hứng vừa đưa chúng tôi đi thăm quan khu chuồng trại, vừa tâm sự:  “Nhà tôi hiện nay nuôi 6 lợn nái, lứa vừa rồi được 85 lợn con”. Khoảng hơn 2 tháng nữa, doanh thu lứa lợn đầu năm nay của gia đình chắc khoảng trăm triệu đồng.

Chị Vân, vợ anh Thanh, vung một lon thóc gọi “cúc cúc”, tức thì đàn gà nuôi thả trong vườn ào tới nhặt thóc. Tôi đếm sơ không dưới 200 con. Chị Vân bảo trong đàn có trên 50 con gà mái đẻ, hàng ngày bình quân cho trên 5 chục trứng. Ngoài ra số gà tơ thịt cung cấp ra thị trường hàng ngày cũng đủ tiền mua thực phẩm cho cả đàn.

Chị Vân chăm sóc đàn lợn sữa (ảnh: Văn Thuận)

Lê Văn Thanh tâm sự: “Vợ chồng tôi cưới nhau năm 1988 - hồi ấy mới thoát ra khỏi bao cấp, khó khăn lắm. Tôi được tuyển dụng làm công nhân bảo vệ tại Nhà máy điện diesel Nhơn Thạnh cách nhà 25 cây số, ngày nào cũng tối mịt mới về, có khi còn làm ca 3”. Hồi ấy, nhiên liệu dầu diesel cho sản xuất điện rất quý, công tác bảo vệ luôn được thực hiện một cách tự giác, trách nhiệm lớn. Anh Thanh động viên vợ ở nhà chăm sóc cha mẹ già  với 2 con nhỏ để toàn tâm toàn ý trong công tác cùng đồng nghiệp.

Để cải thiện cuộc sống gia đình, với lòng kiên trì và quyết tâm, 2 vợ chồng anh Thanh đã mày mò tìm hiểu cách thức  làm ăn, kỹ thuật nuôi trồng, tham quan những mô hình VAC ngay tại địa phương. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, gia đình anh đi lên từ con lợn, con gà, vườn rau…  mà vốn liếng đều từ đồng lương khiêm tốn.

Chúng tôi quan sát thấy khu vực chuồng trại, vườn, nhà rất sạch sẽ dù quy mô chăn nuôi khá lớn. Như hiểu được suy nghĩ của tôi, anh Lê Văn Thanh đã giới thiệu công trình Biogas mà gia đình đã xây dựng hơn 3 năm nay. Anh Thanh chỉ cho chúng tôi xem hệ thống đun nước nóng, nấu ăn, nấu cám lợn trong gia đình bằng khí từ hầm Biogas. "Chiếu sáng bằng đèn đặc dụng khí Biogas sáng hơn đèn măng xông”  - Anh Thanh nói.  Điện bây giờ chỉ dùng bơm nước, xem ti vi, xài tủ lạnh. Chất thải từ hầm Biogas trở thành loại phân bón tốt nhất hiện nay.

Khi có dự án “điện - khí nông thôn” do Hà Lan tài trợ cho địa phương, cả thôn, xã ai cũng e dè vì chưa hiểu được lợi ích của dự án, hơn nữa đồng vốn bỏ ra không dưới 2 chỉ  vàng để có 1 hệ thống hầm Biogas có thể tích 7,5m3. Nhưng đến nay, hầm Biogas đối với các hộ nông thôn Phước Thành là không thể thiếu, không chỉ giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn cung cấp năng lượng đun nấu, thắp sáng hằng ngày.

Anh Thanh đang kiểm tra hầm Biogas của gia đình (ảnh: Văn Thuận)

Điều tâm đắc nhất mà chúng tôi ghi nhận được là cách làm ăn bài bản, bền vững của gia đình anh Thanh, thông qua việc chọn loại thức ăn gia súc của một công ty có uy tín trên thị trường, tiến hành tiêm phòng vật nuôi theo hướng dẫn của phòng kinh tế địa phương,  trao đổi kinh nghiệm, thường xuyên cập nhật và áp dụng được những tiến bộ khoa học trong chăn nuôi hiện nay.

Kinh tế khá giả, con cái ngoan ngoãn và học giỏi (cả 2 người con của anh chị đều đang học đại học), gia đình anh Thanh, chị Vân hàng năm đều đạt danh hiệu Gia đình văn hóa xuất sắc của xã. Ngoài những lúc làm việc ở Công ty, anh dành toàn bộ thời gian còn lại cho mô hình VAC mà anh chị đã dày công vun đắp. Không ngại sẻ chia kinh nghiệm, anh đã hướng dẫn cho các hộ khác tại địa phương cùng thực hiện, trở thành phong trào mạnh ở xã Phước Thành.


  • 21/04/2012 09:56
  • Văn Thuận
  • 2900


Gửi nhận xét