Cây sáng kiến Phạm Văn Hồng

Anh Phạm Văn Hồng (phòng Kỹ thuật Công ty Điện lực Quảng Nam) là một trong số rất ít những kỹ sư trẻ có 3 bằng đại học: Kỹ sư Cơ khí chế tạo máy, kỹ sư Điện và cử nhân Kinh tế ngành Quản trị kinh doanh. Anh nói: “Với tôi, công việc là trên hết, nhưng phải dựa trên nền tảng của tri thức có được qua việc chịu khó nghiên cứu, học tập, tích lũy kinh nghiệm”.

Phạm Văn Hồng (áo trắng) đang cùng công nhân Xí nghiệp Điện cơ kiểm tra rút ruột MBA hư hỏng để lập phương án sửa chữa

Phạm Văn Hồng tốt nghiệp ngành Cơ khí chế tạo máy tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng năm 2000 và được tuyển vào làm việc tại Phân xưởng điện Công ty Điện lực Quảng Nam. Chỉ một năm sau, anh được bầu làm Phó bí thư Chi đoàn và là Ủy viên BCH Công đoàn bộ phận Phân xưởng. Tại đây, Phạm Văn Hồng đã góp phần đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của Phân xưởng. Bản thân Hồng, mỗi năm “trình làng” 2-3 sáng kiến và Phân xưởng trở thành “lò” sáng kiến của Công ty. Năm 2003, Hồng cho ra đời  sáng kiến “Thay đổi kết cấu tháp giải nhiệt cụm máy DG72 Nhà máy diezel Tam Kỳ” mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ tháng 5/2004, anh được chuyển về phòng Kỹ thuật Công ty Điện lực Quảng Nam, tham gia công tác quản lý vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa nguồn điện, phương tiện vận tải; bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị điện và thí nghiệm định kỳ…. Với công việc mới, mang tính hành chính như vậy, nhưng Phạm Văn Hồng vẫn cho ra đời nhiều sáng kiến có giá trị. Điển hình là sáng kiến: “Thay đổi kết cấu trạm biến áp di động 560 kVA” ra đời  năm 2007.

Phạm Văn Hồng là một trong số rất ít những kỹ sư trẻ có 3 bằng đại học: Kỹ sư Cơ khí chế tạo máy, kỹ sư Điện và cử nhân Kinh tế ngành Quản trị kinh doanh. Anh nói: “Với tôi, công việc là trên hết, nhưng phải dựa trên nền tảng của tri thức có được qua việc chịu khó nghiên cứu, học tập, tích lũy kinh nghiệm”.

Về phòng Kỹ thuật, Hồng có cơ hội học hỏi, củng cố kiến thức và có thêm nhiều kinh nghiệm thực tế bổ sung cho phần lý thuyết đã được học ở trường đại học. Anh tâm sự “Tôi tự hào được làm việc tại đây, bởi nó gắn kết tốt giữa lý thuyết với thực tiễn sản xuất”.

Nhiều người nghĩ, làm công tác kỹ thuật thường khô khan, nhưng Phạm Văn Hồng lại không nghĩ vậy. Trong công việc, anh rất nghiêm túc, nhưng khi vui chơi thì anh lại hết mình. Là một người ưa tìm tòi, học hỏi nên anh luôn có suy nghĩ là làm thế nào để hợp lý hóa công việc, giảm thời gian, tăng năng suất lao động. Ở Phân xưởng Điện, hay ở Phòng Kỹ thuật, nhiều người cho rằng, quy trình công tác không còn gì “bất hợp lý”. Thế nhưng, với Hồng, anh luôn suy nghĩ, tìm cách sử dụng thiết bị hợp lý, ngay cả với khâu quản lý văn thư - lưu trữ.  

Với tinh thần chịu khó học tập, sâu sát thực tế và chủ động nhận công việc khó, Phạm Văn Hồng đã tạo cho mình một thói quen say mê nghiên cứu khoa học, cần cù lao động, lăn lộn, gần gũi với anh em công nhân. Anh đã góp phần cùng các bậc đàn anh ở phòng Kỹ thuật tạo được bầu không khí thi đua sáng tạo, động viên được phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần để phòng Kỹ thuật trở thành lò “sản xuất” sáng kiến.

Qua 12 năm công tác, năm nào anh cũng được khen thưởng, khi thì BCH Đoàn Thanh niên Công ty, khi thì Giám đốc Công ty. Đặc biệt có 4 năm anh được Công đoàn Tổng công ty khen thưởng và năm 2011, anh được Tổng công ty tặng Giấy khen.

Ông Võ Anh Hùng, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty cho biết: “Lãnh đạo phòng rất yên tâm, tin tưởng khi giao việc cho Hồng. Với tư cách là Chủ tịch Công đoàn bộ phận, anh là người rất có trách nhiệm cao, tập hợp được mọi người cùng thực hiện tốt công việc được giao. Trong chuyên môn, khi giao việc anh làm đến nơi đến chốn, hết việc này thì tìm việc khác để làm. Lúc nào anh ấy cũng cần mẫn, làm gương cho lớp trẻ. Chúng tôi thật sự hài lòng khi có một người cộng sự tích cực, thông minh, sáng tạo và đầy tinh thần trách nhiệm như vậy!”.


  • 22/05/2012 03:37
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 2366


Gửi nhận xét