Chị Đặng Thị Hiền
|
PV: Xin hỏi, cơ duyên nào đưa chị đến với ngành Điện?
Chị Đặng Thị Hiền: Sau khi rời ghế nhà trường, tôi có thời gian làm việc tại ngành Chè. Quyết định chuyển sang ngành Điện mới đầu để thử sức trong một môi trường mới, nhưng cuối cùng tôi lại quyết định gắn bó. Ngành Điện cuốn hút tôi từ bao giờ cũng không hay…
PV: Người ta thường nói “vạn sự khởi đầu nan”, chị cho biết khó khăn trong những ngày đầu chị công tác?
Chị Đặng Thị Hiền: Còn nhớ lúc đầu mới vào ngành, nhiều bỡ ngỡ với công việc cũng như với đồng nghiệp nên còn có nhiều khó khăn. Dần dần, sự hòa đồng, chân thành và nhân ái của đồng nghiệp đã khỏa lấp những khó khăn ấy, cộng thêm sự cố gắng học hỏi của bản thân đã giúp mọi sự suôn sẻ.
Đến bây giờ, thách thức cũng đâu phải đã hết. Tôi được giao phụ trách công tác thu tiền điện. Phải nói đây là nhiệm vụ không kém phần “gian nan”, đòi hỏi những người trực tiếp làm công tác này phải suy tư, động não, tự học hỏi và đúc rút kinh nghiệm hằng ngày. Tôi thường trao đổi, chia sẻ với anh em thu tiền điện, phải biết cách linh hoạt, vừa dứt khoát với đối tượng chây ì, nhưng cũng thông cảm với những khách hàng nộp chậm vì lý do chính đáng. Đảm bảo hoạt động thu tiền khách hàng diễn ra trôi chảy, vừa làm đẹp hình ảnh người nhân viên ngành Điện.
PV: Chị có thể tiết lộ làm thế nào để điều hòa giữa công việc cơ quan và gia đình?
Chị Đặng Thị Hiền: Với công việc, phải yêu thích và tâm huyết. Mỗi khi xong việc, về với gia đình, giây phút hạnh phúc của tôi là cả nhà cùng quây quần bên nhau với những bữa ăn do tôi tự nấu. Tôi quan niệm càng tâm huyết, đóng góp nhiều cho công việc thì càng phải cố gắng vun vén, quan tâm nhiều đến gia đình. Những niềm vui từ gia đình nhỏ sẽ là động lực to lớn cho bạn trong công việc hằng ngày.
Mỗi ngày đi làm với tôi đều là những ngày vui và dấu ấn đáng nhớ nhất với tôi là sau những năm tháng công tác, được anh em trong cơ quan tin tưởng, tiến cử tôi vào vị trí Phó giám đốc, làm tiền đề giúp tôi có thể cống hiến nhiều hơn nữa cho cơ quan, cho ngành Điện.
PV: Phía sau sự thành công là bóng dáng của gia đình. Chị đánh giá và nói gì về “hậu phương”?
Chị Đặng Thị Hiền: Tôi có thuận lợi là các con đã lớn, chồng tôi cũng công tác ở cơ quan nhà nước, cũng hiểu và chia sẻ với những khó khăn khi vợ được giao trọng trách quản lý ở đơn vị. Mọi việc trong gia đình, quyết định những vấn đề lớn, vợ chồng tôi thường xuyên trao đổi, hỏi ý kiến nhau để tìm ra phương án tốt nhất. Mỗi khi tôi phải đi công tác, dù ngắn hay dài ngày, mọi việc trong gia đình, đều nhờ cậy vào anh ấy.
PV: Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với chị?
Chị Đặng Thị Hiền: Những người công tác trong ngành Điện, nhất lại là phụ nữ có thiệt thòi hơn nam giới vì bên cạnh công việc còn phải lo toan cho gia đình. Hiểu được áp lực đó, Ban lãnh đạo Điện lực Nghi Lộc thường xuyên định kỳ tổ chức những sân chơi về thể thao, văn nghệ cho CBCNV để giảm căng thẳng áp lực công việc. Song hành với đó là đẩy mạnh công tác thi đua làm việc tốt, hoạt động từ thiện.
Tôi còn nhớ dịp Tết thiếu nhi 1/6/2011, Điện lực Nghi Lộc tổ chức chương trình từ thiện “Vui Tết thiếu nhi 1/6” với mục đích đem lại niềm vui và sự quan tâm thật lòng đối với những mảnh đời không may mắn. Chương trình thăm Cô nhi viện xã Đoài, Nhà trẻ khuyết tật Lâm Bích (Nghi Lộc) đã để lại những cảm xúc khó quên trong lòng mỗi CBNV. Mỗi người đều thấy cần phải phấn đấu sống tốt hơn, ý nghĩa hơn nữa, đóng góp nhiều hơn cho gia đình, xã hội.
PV: Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.