Tâm sự một cô bé ngành Điện

Tôi từng nghe ai nói, nhiều khi ngành chọn mình, chứ không phải mình chọn ngành, ban đầu thấy vô lý nhưng ngẫm kỹ cũng đúng. Giữa Sư phạm và nghề Điện, tôi chọn cầm búa thay vì cầm phấn, nhiều người bảo tôi “dại”. Tôi đã không đi theo truyền thống làm giáo viên như mẹ và chị mà chọn làm “đệ tử” của bố.

Có lẽ do tuổi thơ tôi lóc cóc bao nhiêu lần xách đồ nghề, theo bố đi giúp hàng xóm sửa điện, nhìn bố tỉ mỉ sữa chữa các thiết bị gia dụng, cẩn thận lắp đặt các bảng điện để rồi tôi cũng thấy “thơm lây” những câu "cảm ơn" họ dành cho bố. Dần dần trong tôi nhen nhóm một ước mơ “mang ánh sáng cho mọi nhà”. Dù sao tôi cũng không hiểu nổi mình, tôi chọn nghề này không phải do bị ép buộc, cũng chưa hẳn là yêu thích, nhưng lại giống như "duyên phận" ….

Cách đây 2 năm, ngày 4/8, tôi nhận quyết định ra Phú Thọ làm việc. Hình như mẹ đã khóc khi tôi đi xa, còn bố im lặng và khẽ thở dài. Mẹ ôm tôi vào lòng xót xa: “Con chịu khó, bố mẹ sẽ cố gắng xin chuyển cho con về sớm”. Tôi cười toe toét chào mọi người, trong đầu cô bé út ít như tôi cuộc sống vẫn là màu hồng với bao mộng tưởng.

Lần theo địa chỉ đến nơi làm việc mới, sự háo hức chờ đợi của tôi cũng dần dần tụt theo khoảng cách của con đường. Nơi tôi đến không phải là tòa nhà cao ốc, hay chí ít cũng là nơi tấp nập, đông vui gì. Anh lái xe ôm tắt máy rồi chỉ trỏ: Đến rồi nhé. Có biển “Cấm vào. Điện áp cao nguy hiểm chết người”, rồi tự lẩm bẩm: Nơi người ta cấm, lại mò vào…

Đón chào tôi là những tiếng kêu “ò ò” của máy biến áp và tiếng của các thiết bị đang vận hành. Tất cả vang lên như một bản nhạc mà người chơi đàn mới tập đánh bằng những ngón tay vụng về, lúng túng - một thứ âm thanh “hỗn độn” không dễ chịu đối với người mới lần đầu vào đây.

Cuộc sống nơi đất khách quê người không đơn giản như tôi nghĩ. Thế nhưng điều làm tôi đau khổ nhất là tôi bắt đầu cảm thấy sợ cái nghề này nếu không muốn nói là ghét. Nghe có vẻ trái khoáy, nhưng đó là sự thực…

Thực tế là thực tế, mọi thứ khác hẳn với lý thuyết. Lần đầu tiên nghe tiếng đóng máy cắt – như tiếng bom nổ, tôi đã giật bắn người đến mức một lúc sau mới bình tĩnh được. Nỗi sợ hãi càng nhân lên bội phần khi tôi nhìn thấy mấy bác lớn tuổi, người thì cháy tóc, thậm chí mất 1 tay hay là bàn tay không còn đủ 5 ngón khi cầm chén nước uống,… mà nguyên nhân là gặp tai nạn lao động, bị hồ quang điện phóng khi thao tác. Tôi thực sự hoảng sợ!

Nữ giới vốn là "của hiếm" ở các trạm điện - Ảnh: Văn Lương

Cuộc sống càng nặng nề khi tôi lại được điều đi xa hơn. Tôi đã xa nhà hơn 600 cây số, có xa thêm gần 100 cây số nữa cũng chẳng sao. Bố cũng đã dạy tôi tuổi trẻ là phải xông pha. Khí hậu và nước dùng không mấy dễ chịu của vùng đất xa nhất tỉnh Phú Thọ cũng không làm tôi xót xa bằng câu nói vô tình của cô bán hàng khi biết quê tôi ở mãi tận Kì Anh - Hà Tĩnh: “Con cô cũng hơn 20 tuổi rồi mà chưa xa nhà đến 50 km”. Tôi cười gượng gạo, nhưng nước mắt đang ứa trong lòng vì cô đã vô tình đánh thức sự mềm yếu trong đứa con gái như tôi. Tôi nhớ nhà kinh khủng và đã cố quên đi. Vậy mà giờ nó lại trỗi dậy mãnh liệt khiến tôi muốn vứt bỏ tất cả để chạy về ôm mẹ thật chặt. Hình như đã lâu rồi tôi không về thăm nhà, không đi chợ cùng mẹ. Cũng từ lâu lắm rồi, tôi chưa nhổ tóc sâu cho mẹ nữa… Đó là một ước mơ quá giản dị đối với mọi người con nhưng lại là xa vời khi người con ấy đang xa nhà gần ngàn cây số. Mỗi lần gọi điện, tôi đều động viên mẹ: "Con ở đây cũng vui”, nhưng gác máy từ lâu mà nước mắt vẫn rơm rớm, nếu tôi khóc 1 thì ở nhà mẹ sẽ khóc 10... Đồi chè ở Phú Thọ đẹp lắm, nhưng cố nhân dạy “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, đã bao lần tôi chỉ ngồi ngắm nó và khóc, nó vô tri nhưng giống như một người bạn tri kỉ vậy….

Những thông tin về các vụ tai nạn lao động vẫn được công ty thông báo đầy đủ để cán bộ, công nhân viên cùng rút kinh nghiệm. Mỗi công văn đến như vậy lại cứa thêm một nhát dao vào nỗi sợ hãi của tôi. Đọc kỹ các bản phân tích nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, ai cũng biết rõ là do các công nhân không làm tốt công tác an toàn. Mọi người an ủi: “Trời gọi ai thì phải dạ thôi, kể gì ngành này", nhưng tôi sợ nhỡ nhàng một ngày nào đó thấy… tên mình trong công văn.

Chân tôi đã lỡ bước trên con đường mới khá xa rồi. Tôi thấy bế tắc và sợ hãi, vẫn khoác lên mình chiếc áo của cô bé hay cười nhưng sao nụ cười đó giờ gượng gạo và không còn vô tư nữa rồi. Có lẽ nỗi niềm đó vẫn ám ảnh tôi mãi nếu 1 ngày tôi không nghe được câu chuyện của 2 người trực trạm điện:

- Nghĩ cũng thấy thương, đêm Giao thừa bạn bè rủ nhau đi chơi, xem bắn pháo hoa, trong khi mình lại phải đi trực xem  có tiếng phóng điện hay không…

- Nghề mình tuy thiệt thòi nhưng trực để cho mọi người có điện ăn Tết, cho mọi người hưởng trọn niềm vui chào đón năm mới, cũng có ý nghĩa lắm chứ. Như làm được việc gì đó lớn lao lắm ấy.

Ừ nhỉ, người ta đang tìm cách sống cho có ý nghĩa mà sao tôi lại suốt ngày kêu “nghề này chán” với bạn bè, mà không nghĩ được như vậy nhỉ? Nếu trong những ngày lễ tết, trọng đại mà mất điện thì sao? Tôi nhớ những lúc bực bội, khó chịu bởi nhà tối om, buồn vắng không có tiếng ti vi, hay tiếng quạt chạy hay điều hòa trong mùa hè,… và cả những tiếng gào toáng lên sung sướng “có điện rồi” sau mỗi lần mất điện.

Tôi vẫn rùng mình mỗi khi đóng xong máy cắt, nhưng không thấy đó là âm thanh khó chịu nữa. Tôi vẫn đứng tròn mắt nhìn hồ quang điện khi đồng nghiệp thao tác dao cách ly và thấy thật thiếu vắng khi không được nghe tiếng kêu ò ò quen thuộc của máy biến áp. Tôi chịu khó tìm hiểu quy trình quy phạm, cách vận hành, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp,... và không biết từ lúc nào, tôi thấy yêu hơn bộ quần áo vàng cam của mình. Đôi lúc, tôi nhủ thầm, con gái nghề khác thì đi làm với áo này, váy kia, còn mình thì cứ… quần áo bảo hộ là xong, nên sau này anh nào lỡ rước cô thợ điện thì yên tâm đỡ “hao” tiền sắm sửa áo váy. Tôi phải nói vậy vì người ta nhìn con gái thợ điện lạ lắm, kiểu: “Con gái mà làm điện à?, hay “Con gái thợ điện mạnh mẽ và khô khan lắm”. Ra đường có người trêu: “Em ơi, có trèo được cột điện không?” - Tôi vẫn lém lỉnh “Nếu thấy yêu nghề thì vẫn trèo được”.

Một khó khăn nữa là tôi sợ ma có tiếng, trong khi trạm điện của tôi lại làm “hàng xóm” với bãi tha ma, vì vậy buổi tối, tôi luôn đi ngủ với con dao để ở đầu giường cho… chắc ăn. Một trải nghiệm nhớ đời là khi bị sự cố mất điện lúc 1 giờ sáng. Tôi được giao nhiệm vụ đi kiểm tra thiết bị ngoài trời. Không gian tối đen như mực làm tôi sợ khiếp vía. Ở nhà, buổi tối chạy qua sân hàng xóm mà tôi còn chẳng dám nữa là ra ngoài kiểm tra vào một thời điểm nhạy cảm thế này. Tôi sợ ma hơn cả sợ điện. Nhưng khi giải quyết tình huống cấp bách như vậy, tính sợ ma của tôi cũng bị lấn át. Và đêm đi ca hôm đó cho tôi một kết luận thú vị: “Không có ma như mọi người thường dọa, hay ma cũng sợ bị điện giật nhỉ”...

Đến hôm diễn tập “Cách cứu người bị điện giật”, người thợ điện chính là một bác sĩ khi cứu người bị điện giật, tôi thấy vinh dự ghê. Người ta còn nói vui “Điện là những hạt li ti, rất nhỏ mà mắt thường ko nhìn thấy được, nhưng có thể gây nguy hiểm cho mọi người, kể cả... đảng viên”. Nghĩ thế, tôi phì cười, tối nay nhất định phải gọi cho bố để thông báo “Cô bé út của bố đã thực sự trở thành cô thợ điện rồi đó!”

Bài đạt giải Nhất cuộc thi "Nét văn hóa người thợ điện"

Tác giả: Hoàng Hồng Nhung


  • 23/08/2012 02:03
  • Theo Bản tin Công đoàn Điện lực Việt Nam
  • 2323


Gửi nhận xét