Nhiệm vụ hằng ngày của tôi chủ yếu là biên tập tin, bài của các tác giả nghiệp dư từ cơ sở gửi lên để “đưa" lên trang thông tin điện tử của Công ty, thi thoảng cũng đi cơ sở chụp ảnh, lấy tin viết bài gửi đăng trên các báo, tạp chí và bản tin điện tử của ngành Điện.
Xét về nghiệp vụ, việc tôi đang làm là công việc của một nhà báo, tuy nhiên, tôi chẳng có gì để chứng minh mình là nhà báo... Vì thế, để tránh gặp rắc rối trong tác nghiệp, tôi phải thường kết hợp, bám sát các phóng viên báo, đài để “ké” cái “mác” phóng viên của họ. Có lẽ chẳng phải một mình tôi "hoạt động báo chí" theo kiểu này.
Được sự quan tâm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên, hiện nay hầu hết các đơn vị cơ sở trong Ngành đều xây dựng bản tin điện tử nội bộ. Thật tiện lợi khi ngồi tại văn phòng hay ở nhà, chỉ cần nhấp chuột là có thể nắm bắt được tin tức diễn ra trong toàn Ngành. Dù vậy, mấy ai biết được những vất vả, khổ cực của những êkip ngày đêm miệt mài đằng sau các trang web ấy? Họ là những người phụ trách nội dung và hình thức bản tin, hằng ngày hằng giờ cần mẫn, nắn nót từng con chữ để có thông tin phục vụ độc giả, với biết bao niềm vui và cả những nỗi buồn.
Viết báo cáo, soạn thảo một văn bản thì nhiều người làm được, nhưng để viết một tin, bài đúng văn phong báo chí thì không dễ dàng gì. Đôi khi tôi thấy mình “thao thao bất tuyệt” trên diễn đàn ngôn ngữ hành chính, nhưng để viết có khi chỉ là một cái tin mà cứ “cắn bút”, hoặc có lúc lại dài lê thê như… báo cáo tổng kết năm.
Ảnh minh họa
|
Thú thật, với trình độ và năng lực tư duy cũng như khả năng viết lách của mình, tôi không biết tôi đang ở bậc thang nào trên "chặng đường trí tuệ vô cùng" này. Hằng ngày, tôi "ăn lương" để chuyên làm báo cho cơ quan, tôi tự hào về nhiệm vụ này lắm, song dựa vào đâu để tự hào thì tôi không lý giải được, bởi tôi làm báo mà không phải là nhà báo.
Đêm nằm gác tay lên trán, nhớ lại lời nhắn nhủ của nhà báo Vũ Bằng khi mới bước chân ra làm báo rằng “Có lắm lúc tôi cũng tưởng là tôi oai, mà nghề tôi là nghề ghê gớm thực… Đã là nhà báo thì phải khác người, phải lập dị, phải có tác phong y như những nhà báo nổi tiếng... Rồi cứ bài báo nào mình viết ra, đọc lại, mình cũng thấy hay phi thường và tự cho văn mình là "nhứt tự thiên kim", tòa soạn bỏ đi một đoạn hay sửa một chữ – một chữ thôi – mình cảm thấy là làm hại văn mình, giết mình, phá hoại mình”. Không ít nhà báo có tâm trạng như thế. Với tôi, đôi khi tôi có được bài báo đăng lên báo thì tôi cũng thấy mình oai lắm, báo càng lớn thì cái oai càng lớn. Không dám so sánh mình với các cây đa, cây đề trong làng báo, nhưng đôi lúc tôi cũng thấy vui khi mình có bài viết được đăng tải. Bởi không có nghề, không được học hành theo đúng chuyên ngành như các phóng viên thực thụ nhưng viết được và có bài đăng như thế là tốt rồi.
Đến bây giờ sau mấy năm cầm bút không chuyên tôi mới ngộ ra được rằng, nghề báo là nghề đáng quý. Tôi thực sự tự hào về công việc của mình, tôi càng thêm yêu thích cái nghề này. Nhớ lại hồi mới được giao việc, tôi tự ti mặc cảm lắm, bởi được học hành đàng hoàng, đã từng lên bục giảng làm thầy nhiều năm, lại lớn tuổi rồi mà cầm cái máy ảnh “lon ton”, "nháy nháy chụp chụp" trong hội trường, trong số người đến dự hội nghị có cả bạn học và học trò cũ của mình đang làm lãnh đạo ở huyện, tỉnh thì... khó coi quá. Nhớ nhất là lần hẹn với giám đốc một doanh nghiệp để phỏng vấn về tiết kiệm điện, tôi lo cả đêm không ngủ được. Sáng hôm sau, vị giám đốc bệ vệ, quần áo sang trọng thơm tho tiếp tôi trong căn phòng máy điều hoà bật hết cỡ làm tôi run lên vì lạnh. May thay, mọi việc trở nên thuận lợi hơn khi anh ta nhận ra tôi là thầy giáo cũ…
Về sau, tôi dần dần nhận ra rằng làm báo, dù nghiệp dư cũng có cái lý thú của nó. Những mặc cảm tự ti rồi cũng biến mất để nhường chỗ cho tâm trạng chờ đợi những tin, bài được đăng. Hằng ngày, khi đến cơ quan tôi đều lướt qua các tờ báo giấy, lên mạng xem những trang web của Ngành nhằm khai thác những tài liệu liên quan, những bài báo hay. Mỗi khi đi cơ sở, tôi thường vạch đầu dòng để chủ động khai thác tài liệu, những vấn đề cần nắm để tìm hiểu. Tôi học được từ các đồng nghiệp ở Tổng công ty và Tập đoàn cũng như những anh em quen biết ở các báo, đài những kinh nghiệm làm báo, về cách thức, kỹ năng, những mẹo vặt, kể cả công tác dân vận. Dần dần rồi tôi cũng ham viết, và “chuyên nghiệp” hơn trong những bài báo không chuyên của mình.
Tôi học từ thực tế, học cách viết từ các bài báo của các cây bút “gạo cội” trong ngành, có tên tuổi trong làng báo. Đây chính là cách tự đào tạo nghề, giúp tôi trưởng thành nhanh nhất. Anh Phan Công Bình, Trưởng Ban Quan hệ cộng đồng Tổng công ty Điện lực miền Trung thường nhắc nhở anh em phóng viên không chuyên chúng tôi rằng: “Làm báo, nói một nhưng phải biết đến mười mới đủ cơ sở, bản lĩnh để bảo đảm cho bài báo của mình có nội lực”.
Đối tượng trong các bài viết của tôi là những vấn đề xoay quanh hoạt động của ngành Điện. Đó là công ty, các điện lực, các tổ, đội sản xuất kinh doanh, là những người công nhân điện ngày đêm canh giữ dòng điện. Những người lao động giỏi, sáng tạo cần được động viên, khích lệ qua những bài viết. Kể cả những cái xấu, cái tiêu cực cũng cần phải mạnh dạn đưa lên mặt báo để đấu tranh, phòng tránh.
Ngoài công việc của một phóng viên, tôi còn phụ trách bản tin nội bộ, truyền đạt thông tin có liên quan đến CBCNV đơn vị. Công việc này như người gác cổng, chịu trách nhiệm về độ chính xác của thông tin, lại xem như người nấu ăn, mặn, ngọt, chua, cay gì cũng từ đó mà ra.
Trước đây tôi kiêm nhiệm rất nhiều việc nên dành thời gian cho trang tin điện tử không nhiều, vì thế nội dung của bản tin cũng nghèo nàn, hình thức cũng kém hấp dẫn. Thấy vậy, lãnh đạo Công ty chuyển tôi sang phụ trách hẳn nội dung trang web, một người khác chuyên lo cải tiến hình thức. Nhờ vậy, hai năm gần đây trang tin điện tử của Công ty tương đối bắt mắt về hình thức, dồi dào về thông tin, thuận lợi cho việc theo dõi nội dung.
Theo tôi, những người phụ trách bản tin điện tử cơ quan cũng gần “na ná” như một phóng viên, một biên tập viên, một tổng biên tập ở một tòa báo. Bởi vậy, họ phải có đầy đủ kiến thức về chuyên ngành, văn học, phổ thông, tổng hợp, nhất là phải am hiểu về ngôn ngữ Việt. Có như thế mới duyệt được bài từ cơ sở (mà bài viết từ cơ sở thì đủ dạng, đủ mọi loại trình độ, bởi họ không quen viết lách). Người phụ trách trang web cũng phải thường xuyên đi cơ sở để viết bài, đưa tin chứ không chỉ vài năm là lạc hậu, “cứng tay”.
Hằng ngày tôi thu thập tin, ảnh từ cơ sở gửi lên qua email, qua chương trình nhắn tin, nhắc việc nội bộ. Mở file theo dõi tin, bài cho từng đơn vị; mở file theo dõi bài đã duyệt, bài đăng rồi, bài đang duyệt, kể cả lên danh sách tin, bài kèm theo tên tác giả, địa chỉ để gửi nhuận bút sau này. Để tránh trùng lặp, chúng tôi mở sổ tay cộng tác viên hướng dẫn bài “đang viết” và “chờ duyệt” để các CTV biết bài nào, chủ đề nào đã có người đang viết. Bận bịu là thế nên anh em chúng tôi mỗi lần đi cơ sở là tranh thủ tìm hiểu, ghi chép, chụp ảnh, nắm tài liệu, rồi lại về ngay vì không thể để trang tin thiếu tin dài ngày.
Ngoài trang tin nội bộ, chúng tôi còn gửi bài đã duyệt của cơ sở về bản tin điện tử của địa phương nhằm tạo mối giao lưu, hiểu biết lẫn nhau trong ngành và vùng lãnh thổ. Nhờ thế thông tin trên các trang web đã trở thành nguồn tài liệu tham khảo quý giá đối với nhiều người.
Cái nghiệp nó vận vào thân, vận rồi mới nhận thấy mình yêu nghề biết bao!