Người đội trưởng cần cù vượt khó

Anh Chau Sóc Nương, người dân tộc Khmer, Đội trưởng Đội Quản lý vận hành Điện lực Tri Tôn (tỉnh An Giang) đã từng bước đưa gia đình thoát nghèo bằng chính sức lao động và trí tuệ của mình. Khi kinh tế đã ổn định, anh Sóc Nương sẵn sàng hỗ trợ các đoàn viên công đoàn Điện lực Tri Tôn có gia cảnh khó khăn mượn vốn làm ăn và trao đổi kinh nghiệm xây dựng kinh tế gia đình.

Anh Chau Sóc Nương

Anh Sóc Nương được sinh ra và lớn lên ngay tại quê hương Tri Tôn. Năm 1995, anh thi đỗ vào trường Đại học Bách Khoa TP.HCM. Sau khi ra trường, Chau Sóc Nương xin về góp sức xây dựng quê nhà tại Điện lực An Giang (nay là Công ty Điện lực An Giang).

Năm 2005, khi thành lập Chi nhánh điện Tri Tôn, anh Nương xin chuyển công tác để tiện chăm sóc gia đình. Được cơ quan tín nhiệm phân công, anh Sóc Nương trở thành Đội trưởng Đội Quản lý vận hành kiêm luôn Chủ tịch Công đoàn bộ phận Chi nhánh điện Tri Tôn (nay là Điện lực Tri Tôn) từ năm 2008 đến nay.

Trong cuộc sống gia đình, anh là lao động chính, vợ anh không có thu nhập do phải ở nhà chăm sóc 2 con nhỏ và người mẹ già đã ở tuổi thất thập.  

Không cam chịu cái nghèo, với bản tính cần cù, chịu khó, anh Sóc Nương đã bắt tay xây dựng mô hình phát triển kinh tế để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Trên 2 công đất nằm dưới chân núi được cha mẹ để lại, anh trồng lúa một vụ và trồng màu một vụ. Tri Tôn vốn là vùng đất cao, chỉ trồng lúa vào tháng mưa mới có đủ nước nên năng suất thấp. Để bổ sung kiến thức nông nghiệp, anh Sóc Nương tham gia các lớp tập huấn khuyến nông do Hội Nông dân địa phương tổ chức vào thứ bảy hằng tuần để học hỏi thêm. Cùng với việc UBND tỉnh An Giang ký hợp đồng với Tổng công ty Điện lực miền Nam cấp điện cho các trạm bơm sản xuất nông nghiệp, anh Nương lập tức tiến hành cải tạo diện tích đất ruộng khô hạn sang trồng lúa hai vụ với các giống lúa năng suất cao, đồng thời xen canh trồng mè, đậu phộng vì đã có đủ nước tưới.

Cứ hết giờ làm việc, anh Sóc Nương lại vác cuốc lên vai trở thành anh nông dân "chính hiệu". Không phụ sức người, trên mảnh đất khô hạn trước đây nay lúa đã trổ trĩu bông. Từ chỗ tự chủ được nguồn lương thực, thức ăn chăn nuôi, anh tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi gia cầm, lúc nào nhà anh cũng có trên 100 con gà, vịt.

Năm 2011, thu nhập từ cây lúa và chăn nuôi của gia đình anh được hơn 40 triệu đồng - một mức thu nhập đáng kể đối với người dân tộc Khmer vùng Bảy núi Tri Tôn.

Khi kinh tế đã ổn định, anh Sóc Nương sẵn sàng hỗ trợ các đoàn viên công đoàn Điện lực Tri Tôn có gia cảnh khó khăn mượn vốn làm ăn và trao đổi kinh nghiệm xây dựng kinh tế gia đình.

Trong công việc chung, anh Sóc Nương luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình và tích cực tham gia công tác xã hội, vận động anh em trong đơn vị học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Công nhân Điện lực Tri Tôn luôn “nằm lòng” lời nhắc nhở của Chủ tịch Công đoàn Chau Sóc Nương: “An toàn là trên hết”.

Những năm qua, Điện lực Tri Tôn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Công ty Điện lực An Giang giao phó, trong đó có sự góp sức không nhỏ của Đội trưởng kiêm Chủ tịch Công đoàn bộ phận Chau Sóc Nương.


  • 13/09/2012 10:03
  • Võ Minh Tuấn
  • 2000


Gửi nhận xét