Người tạo nên thương hiệu sôcôla Boniva

Không có hoạt động marketing, không nghệ thuật quản trị, bà Võ Thị Mỹ Vân, người tạo nên thương hiệu sôcôla Boniva, chinh phục thị trường bằng giá trị cốt lõi nhất: Chất lượng sản phẩm.

Hơn 8 năm sau ngày thành lập, giá trị của Boniva đối với thị trường không chỉ là những viên sôcôla, mà còn là niềm tự hào khi sôcôla của Việt Nam cũng ngon không kém sôcôla các nước, điều mà trước đó chưa có thương hiệu nào làm được.

Bà Võ Thị Mỹ Vân - Sáng lập viên Công ty TNHH Bovina

Vị trí Trưởng Bộ môn Bếp của Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist bà đang đảm nhận khác hẳn vị trí của bà ở doanh nghiệp Boniva, nhưng gần như bà đã gom cả hai nhiệm vụ vào làm một. “Ngồi trên chiếc ghế nào, với tôi, cũng là để sáng tạo khẩu vị cả thôi ”, bà chia sẻ.

Mẹ bà nấu ăn rất ngon. Từ sự cảm phục đấng sinh thành dần biến thành niềm đam mê và dẫn lối cho bà đi theo con đường chuyên nghiệp.

Năm 2003, nhà trường dành tặng cho người giáo viên giỏi nghề suất học bổng du học làm sôcôla tại Học viện Emile Gryzone Ceria Bruxells, Vương quốc Bỉ. Vốn mê cái vị đặc biệt, vừa đắng lại vừa ngọt của sôcôla, nay lại được biết cách làm nên loại sôcôla ngon mịn của Bỉ, bà xem đó là dịp may hiếm có.

Tuy nhiên, càng học, bà càng vỡ lẽ, sản xuất sôcôla ngon không phải là bí mật gì ghê gớm mà các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới gìn giữ cho riêng mình. Vậy mà người Việt Nam khi ăn sôcôla nội đều... nhăn mặt vì quá ngọt và chất béo đọng mãi ở cổ họng sau khi nuốt vào.

Càng suy nghĩ về nghịch lý này, bà càng thấy đó sẽ là cơ hội cho chính mình, và bắt đầu nhen nhóm ước mơ. Đêm cuối cùng ở Bỉ, theo truyền thống của trường, bà cũng dành thời gian thăm hỏi vài gia đình người Việt sống tại đây và đã gặp một đôi vợ chồng đồng trang lứa.

Trong lúc "trà dư tửu hậu", bà chia sẻ những suy nghĩ, ý tưởng của mình về việc gây dựng một thương hiệu sôcôla Việt Nam và gặp sự đồng cảm của cả hai người bạn mới. Kết quả, đôi vợ chồng ấy theo chân cô giáo dạy nấu ăn về Việt Nam để cùng nhau biến ước mơ thành hiện thực.

Những đêm thức trắng với sôcôla để có thể kết hợp sôcôla trời Tây với nguyên liệu bản địa, cho ra sản phẩm có khẩu vị hợp với người Á Đông đối với bà cũng khó như quyết định dồn tất cả vốn liếng suốt 10 năm tích cóp của hai vợ chồng để mua máy móc, thiết bị từ Bỉ về xây dựng cơ sở sản xuất.

Những mẻ sôcôla đầu tiên làm bằng nguyên liệu mua từ nước ngoài đem về đều phải bỏ đi vì thành phẩm làm ra không được như ý. Hoang mang về kiến thức của mình và về cả tương lai của gia đình, nhưng bà vẫn không chùn bước.

Kiên trì nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân thất bại, kết quả khiến bà... té ngửa vì đơn giản chỉ là sự chênh lệch nhiệt độ và độ ẩm giữa Việt Nam và Bỉ.

Nhờ chồng, vốn là kỹ sư cơ khí, sáng chế giúp hệ thống giữ lạnh chuyên dụng, bà cải thiện được nhược điểm trong sản xuất, sản phẩm chính thức thành hình. Từ sôcôla nguyên liệu ban đầu, qua quá trình xử lý, chế biến, pha trộn sữa, kem, trái cây, hạt, rượu..., bà đã tạo ra một khu rừng hương vị với hơn 100 loại sôcôla khác nhau.

Bên cạnh các loại nhân truyền thống như: Cappuccino, hạnh nhân, rượu, hạt Macadamia..., rất nhiều sản phẩm khác của Boniva đã khiến những chuyên gia người Bỉ chuyên về sôcôla có nhân cũng phải bất ngờ, như sôcôla nhân sầu riêng, chanh dây, caramel, gừng, tiêu, ớt..., hay mới đây là dòng sản phẩm sôcôla Truffle với độ mịn và độ tan chảy cao.

Chính bước đột phá trong sản phẩm đã giúp bà chinh phục cả thị trường bán lẻ lẫn hệ thống các nhà hàng, khách sạn cao cấp trong cả nước, dẫu rằng kiến thức kinh doanh của bà ngày đó chỉ ở điểm khởi đầu.

Sự sắp xếp hoàn hảo

* Bảo rằng sản xuất sôcôla ngon không phải là bí mật gì ghê gớm, theo bà, vì sao phần lớn sôcôla Việt Nam thường... dở?

- Thành phần để chế biến sôcôla chủ yếu là bột cacao và bơ cacao. Trong đó, bơ cacao là thứ nguyên liệu đắt tiền và thành phẩm làm ra mềm, dễ tan chảy.

Với các quốc gia ôn đới hay hàn đới thì đây không là vấn đề, nhưng tại các nước nhiệt đới, điều này gây khó cho quá trình sản xuất. Để khắc phục hai nhược điểm này, nhà sản xuất trong nước dùng nguyên liệu thay thế là bơ thực vật để có giá thành rẻ hơn và dùng đường thay cho cacao nguyên chất. Nhờ vậy, sản phẩm làm ra có giá thành rẻ và dễ bảo quản, nhưng lại có vị ngọt của đường chứ không phải vị đắng ngọt ngào của cacao và tạo cảm giác dính cổ khi ăn.

* Một sản phẩm không thuộc nhu yếu phẩm, chất lượng không cao như thế liệu có đất để tồn tại?

- Cách đây hơn 10 năm, thị trường còn chưa mở rộng, sôcôla nước ngoài chưa nhập về Việt Nam nhiều và kinh tế cũng không phát triển như hiện nay thì sôcôla nội địa dù chất lượng không cao nhưng vẫn tiêu thụ được. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi kinh tế bắt đầu khởi sắc hơn, một bộ phận khách hàng có nhu cầu thưởng thức sản phẩm chất lượng hơn, rồi hàng loạt thương hiệu nước ngoài vào Việt Nam thì sôcôla nội địa ngày càng mất dần thị phần.

Nếu để ý "gu" ẩm thực của người Việt sẽ thấy, người Việt thích ăn ngon, thà ăn ít mà ngon còn hơn ăn nhiều mà dở.

* Nghĩa là, khoảng trống thị trường thời gian đó khiến bà quyết định vào cuộc?

- Cái gốc của tôi là một người làm bếp, cho nên yếu tố thị trường chỉ là một phần trong quyết định sản xuất sôcôla Việt Nam của tôi. Động cơ chủ đạo vẫn là “máu” nghề nghiệp.

Người nấu bếp nào cũng vậy, khi có được một món ngon sẽ chẳng muốn giữ cho riêng mình hay chỉ cho một vài người thưởng thức, mà luôn muốn có thật nhiều người được thưởng thức món ăn của mình. Để nhiều người có thể thưởng thức sôcôla do tôi làm ra, sản phẩm mà tôi dám khẳng định là chất lượng không thua sôcôla ngoại và giá thành rẻ hơn nhiều, còn cách nào thích hợp hơn là sản xuất hàng loạt?

Biết là khó khăn đấy, vì kinh nghiệm kinh doanh của tôi tỷ lệ nghịch với kinh nghiệm nấu nướng, nhưng tôi vẫn quyết định dấn thân vào con đường này.

* Không có kinh nghiệm, điều gì khiến bà “rủ rê” được hai người bạn mới quen lẫn chồng mình cùng đồng hành trên con đường mà ngay cả bản thân bà cũng chưa biết điểm đến sẽ thế nào?
 

Niềm đam mê socola của bà Mỹ Vân đã cuốn hút những người thân cùng tham gia

- Đơn giản lắm! Khi đã đam mê và quyết tâm làm điều gì đó, cách mà bạn nói về vấn đề đó sẽ là một ngọn lửa có thể cháy lan sang người khác. Đây là điều hết sức tự nhiên, không cần phải có kỹ năng thuyết phục hay thương thuyết nào cả.

Thêm vào đó, ước mơ có thể tạo nên một sản phẩm tốt mang thương hiệu Việt hiện diện ở hầu hết người Việt Nam nên việc tôi thuyết phục hai người bạn mới cùng chồng mình cũng không mấy khó khăn. Ngoài ra, công việc này còn cần đến tài năng và kinh nghiệm sẵn có của mỗi người.

Tôi chỉ biết chế biến, không rành về dây chuyền máy móc thì đã có chồng tôi là kỹ sư cơ khí đảm nhận. Tương tự, hai đồng sự của chúng tôi từ Bỉ có kinh nghiệm trong bán lẻ, marketing... Mỗi người một phần việc, cuộc sống là một sự sắp xếp hoàn hảo giữa những con người với nhau mà.

Ra sông lớn trước khi vào suối nhỏ

* Liên tục nhấn mạnh Boniva là thương hiệu Việt, nhưng bản thân nó lại là một cái tên rất “Tây”, bà lý giải điều này thế nào?

- Trong tiếng Pháp, “bon” có nghĩa là ngon, còn “on y va” có nghĩa là tiến lên. Tôi ghép hai chữ này lại với nhau thành Boniva với cái nghĩa là đã ngon rồi thì cứ thế mà làm. Tên sản phẩm cũng là lời nhắc tôi dành cho chính mình: Không nên băn khoăn, chần chừ hay lo sợ nữa.

Đã có sản phẩm ngon rồi thì cứ mạnh dạn đưa ra thị trường. Đến bây giờ, khi đã qua giai đoạn băn khoăn, lo lắng ban đầu ấy thì Boniva trở thành tôn chỉ, nhắc tôi cùng đồng sự, nhân viên... của mình nhớ rằng, đòi hỏi cốt lõi đối với sản phẩm của mình là phải ngon, phải chất lượng thì mới có thể chinh phục và giữ chân người dùng.

Tuy nhiên, cũng thú thật rằng, tôi không chọn một cái tên bằng tiếng Việt cũng là vì sôcôla là một sản phẩm của Tây Âu nên trong suy nghĩ của người dùng, sôcôla phải “Tây” thì mới ngon.

* Đến bây giờ thì bà đã mạnh dạn công khai gốc Việt của cái tên “Tây” ấy?

- Làm được một sản phẩm ngon, được người dùng đón nhận, hạnh phúc và tự hào lắm chứ! Tôi còn nhớ một lần, khi vào mua sắm trong siêu thị, tôi tình cờ nghe lỏm được cô nhân viên khoe với đồng nghiệp rằng cô được tặng hộp sôcôla Boniva ăn rất ngon và kiểu hộp rất lạ, trông rất đẹp mắt.

Nghe cô gái xuýt xoa mà tôi sướng rơn! Khi sản phẩm đã chinh phục được người dùng bằng chính bản thân nó thì gốc gác hay tên gọi không còn quan trọng nữa. Chúng ta đang tôn vinh hàng Việt với khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chỉ cần có chất lượng, tôi tin hàng Việt sẽ được tôn vinh.

* Nhưng để được khách hàng tôn vinh, cũng cần phải có hoạt động marketing để người dùng biết đến sản phẩm của mình. Bà có nghĩ vậy không?

- Thực lòng tôi vẫn nghĩ rằng, hữu xạ tự nhiên hương. Như đã nói, tôi không có kinh nghiệm gì trên thương trường nên việc đưa Boniva ra thị trường cũng hết sức thủ công và lặng lẽ.

Tôi đem sản phẩm đến mời các bếp trưởng, các chuyên gia ẩm thực nếm thử để xem phản ứng của họ. Cái gật đầu của những người gác cổng này giúp sản phẩm của Boniva vào được hệ thống các nhà hàng, khách sạn cao cấp không chỉ ở TP.HCM, mà còn ở các tỉnh, thành khác. Đây chính là những “máy cái” để sản phẩm Boniva có thể tiếp cận khách hàng cao cấp, sành ăn... Cũng có nơi, thương hiệu Boniva không xuất hiện mà đứng sau thương hiệu của một khách sạn, kiểu nhãn hàng riêng.

Ra sông lớn trước khi vào suối nhỏ, sau khi đã làm tốt ở thị trường bán sỉ chúng tôi mới triển khai cửa hàng bán lẻ. Phản ứng tích cực từ phía khách hàng cho thấy, không phải cứ “kèn trống” rộn ràng thì khách hàng mới chú ý đến mình.

* Sau Boniva đã bắt đầu có những thương hiệu sôcôla cao cấp, chất lượng và sáng tạo khác bước vào thị trường, với phương châm “hữu xạ tự nhiên hương” như thế, bà có e ngại?

- Thị trường sôcôla Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều khoảng trống. Điển hình là dù đã có nhiều lựa chọn nhưng đến dịp lễ, Tết, các cửa hàng bán sôcôla đều quá tải. Như vậy, mức độ cạnh tranh cũng chưa phải là cao. Mỗi thương hiệu lại có một hướng đi riêng, nơi chọn trang trí sôcôla, nơi chọn đưa hương vị mới vào sôcôla như Boniva..., nên khách hàng cũng dễ dàng lựa chọn.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, người Việt ít tiêu thụ sôcôla theo dạng nhu cầu ẩm thực như phương Tây. Sôcôla ở thị trường bán lẻ vẫn là mặt hàng thuộc dạng quà tặng nên có những tháng doanh thu rất cao, việc làm không xuể, nhưng cũng có lúc rất thấp.

* Nghĩa là có những lúc vợ chồng bà chỉ biết có sôcôla?

- Ngày trước, khi còn là kỹ sư ở Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn, chồng tôi có những lo toan khác tôi, nhưng nay thì cùng một nỗi lo chung là Boniva.

Đã có những khoảng thời gian chúng tôi chỉ trao đổi với nhau về Boniva, đến mức tôi phải đưa ra thỏa thuận sau bảy giờ tối, chúng tôi không nói về sôcôla nữa, dành thời gian để trao đổi về gia đình, con cái... Còn rất nhiều chuyện phải lo, phải tận hưởng ngoài công việc chứ!

* Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!


  • 13/07/2012 09:49
  • Theo doanhnhansaigon.vn
  • 3875


Gửi nhận xét