Steve Ballmer – biểu tượng của lòng đam mê công việc

Steve Ballmer - người có công thứ 2 sau Bill Gates tại Microsoft tuy không còn là giám đốc điều hành đương nhiệm, nhưng với bí quyết “đam mê, tầm nhìn và kiên nhẫn”, những đóng góp của ông đối với ngành công nghệ thông tin đã để lại dấu ấn về một CEO đầy nhiệt huyết.

Ông được đánh giá là nhà lãnh đạo hàng đầu công ty phần mềm nổi tiếng nhất thế giới -  Microsoft. Ông được biết đến như là một  người có sức ảnh hưởng lớn và cũng là một trong những người giàu nhất thế giới.

Sinh năm 1956, Steven Anthony Ballmer đã tốt nghiệp Đại học Harvard với tấm bằng Cử nhân khoa học vào năm 1977. Ra trường, ông làm việc cho Công ty Proctor & Gamble trong hai năm. Sau đó, một người bạn cũ đã khuyên ông nên tham gia làm việc tại một doanh nghiệp lớn hơn để phát huy hết tài năng của mình.

Năm 1980, Ballmer khởi động sự nghiệp của mình từ vị trí giám đốc kinh doanh đầu tiên của Microsoft. Năm 1983, chưa đầy 3 năm sau, ông nhanh chóng được thăng chức làm Phó chủ tịch marketing. Từ đó trở đi, ông liên tục được cất nhắc vào những vị trí giám đốc bộ phận của nhiều bộ phận khác nhau như: Bộ phận phát triển hệ điều hành; Bộ phận điều hành; Bộ phận bán hàng và hỗ trợ. Tháng 7/1998, ông được đề bạt làm chủ tịch và ngày 13/1/2000, ông trở thành giám đốc điều hành.

Hai nhân vật quan trọng làm lên một huyền thoại Microsoft

Trong khi Gates vẫn duy trì việc quản lý phần công nghệ, Ballmer chịu trách nhiệm tài chính của công ty. Năm 2003, Ballmer bán 8,3% cổ phần, chỉ để lại 4% khoản góp vốn trong công ty. Cũng năm đó, Ballmer thay đổi chương trình bán cổ phiếu cho nhân viên, đã tạo ra những triệu phú nhân viên, bằng chương trình trợ cấp cổ phiếu.

Những người xung quanh và các nhân viên đều tin rằng, không ai có thể hiểu công ty bằng Ballmer, ông là người luôn đánh giá đúng tình hình và có khả năng đưa ra cách giải quyết mấu chốt nhất cho các vấn đề nảy sinh hàng ngày tại công ty. Ông là người đã chứng kiến những giai đoạn tăng trưởng "khủng" của Microsoft, sau đó tiếp tục kế thừa và có những đóng góp đáng kể trên những thành công đó.

Khi còn là một đứa trẻ, ông yêu các con số và toán học, tuy nhiên, ông không phải người xuất sắc ở lĩnh vực này, số điểm ông đạt được thường ở mức trung bình. Nhưng ông lại cảm nhận được tài năng ở những người khác và có khả năng tập hợp họ lại thành nhóm cùng nhau sáng tạo, giúp cho Microsoft luôn đứng ở vị trí số 1 thế giới về sản xuất phần mềm.

Thời điểm năm 1986, khi Microsoft đã trở nên quen thuộc với các nhà sản xuất, cung cấp phần mềm máy tính và nhiều khách hàng khắp nơi trên thế giới. Ballmer lúc này cũng đã trở thành một triệu phú, nhưng ông luôn quan niệm rằng “tiền không phải là mọi thứ”.

Ông có tầm nhìn và cách tư duy giống với Bill Gates - chủ nhân của Microsoft, cũng là sếp của ông. Các ông muốn Microsoft tiếp tục thống trị thị trường máy tính cá nhân. Ballmer đã trở thành một trong những người tạo động lực cho công ty sản xuất trình duyệt Internet Explorer (IE).

Vào năm 1995, Ballmer cảm nhận Internet sẽ trở thành một phương tiện quan trọng trong tương lai để kết nối mọi người trên thế giới, ông  muốn Microsoft chia sẻ công nghệ với thị trường, đó cũng là thời điểm Netscape cạnh tranh gay gắt với IE. Ngày nay, các đối thủ cạnh tranh với IE thậm chí còn lớn hơn rất nhiều như Mozilla Firefox, Opera, Safari. Tuy nhiên, Microsoft vẫn có thế mạnh nhất định trong phân phối sản phẩm, vì một lý do đơn giản sản phẩm của hãng luôn đi kèm với phần mềm do chính hãng sản xuất, đó cũng là tiêu chuẩn bắt buộc đối với tất cả các máy tính sử dụng hệ điều hành Windows.

Steve Ballmer

Steve Ballmer không giấu diếm mọi người và đồng nghiệp xung quanh là ông không có trình độ kỹ thuật chuyên môn cao. Điểm mạnh của ông là nhận ra tài năng ở những người khác và thu hút họ vào làm việc cho Microsoft. Tuy nhiên, ông không dừng lại ở đó - ông thúc đẩy họ. Bên cạnh đó, ông có sự nhạy bén với thị trường và nhìn trước được những xu hướng phát triển của ngành công nghệ thông tin. Trong các nhiệm kỳ làm việc của mình, ông đã từng nhiều lần thay đổi cấu trúc của công ty nhằm phù hợp với tình hình thực tế của từng giai đoạn, tạo ra sự thay đổi tích cực cho công ty và người lao động.

Ballmer luôn hết mình để xây dựng danh tiếng và sự thành công cho Microsoft. Tại những thời điểm công ty phải đối mặt với những khó khăn, cũng như sự mất lòng tin của công chúng và khách hàng vào một số dòng sản phẩm, ông vẫn không hề nao núng, tìm mọi cách để tháo gỡ khó khăn và không ngừng có những nỗ lực mới để giành lại niềm tin của khách hàng.

Trong các hoạt động cộng đồng, ông tham gia rất tích cực. Ông còn là một fan hâm mộ lớn của bóng rổ chuyên nghiệp. Ngoài đời, mọi người đều nhận xét ông là người phong độ, thân thiện, thậm chí là khá nồng nhiệt, nhưng hơn cả, mọi người kính phục ông vì ông đã có những đóng góp to lớn vào thành công của Microsoft mà không quá coi trọng lợi ích hay tiền bạc.

Tuy hiện nay không còn giữ chức vụ giám đốc điều hành Microsoft và thời gian cuối của nhiệm kỳ, ông đã bị một số báo lên án do không chèo chống được những bê bối của Microsoft trong việc cho ra đời một số dòng sản phẩm, nhưng ông vẫn được biết đến như một tấm gương về tinh thần làm việc, đó là sự đam mê cháy bỏng - ngọn lửa đam mê của một vị lãnh đạo gắn bó lâu nhất với Microsoft (chỉ sau Bill Gates) đã luôn truyền cảm hứng cho đồng nghiệp và nhân viên với một niềm tin tuyệt đối vào sự thành công có thể làm thay đổi thế giới.


  • 01/06/2012 04:30
  • Trùng Dương (biên dịch từ famousceos.com)
  • 2319


Gửi nhận xét