Chị Phạm Thị Loan - Chủ tịch, TGĐ Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Á.
|
Chị vào đầu câu chuyện bằng tiếng thở dài: "Nhiều doanh nghiệp ra đi quá, mà cứ cái đà này thì con số này có lẽ vẫn chưa dừng lại... Cái gì cũng có nhân có quả cả thôi"!
Nhân nào quả nấy
* Vậy chị đã nhìn thấy cái "nhân" từ khi nào?
- Từ lâu rồi, khi tôi thấy các doanh nghiệp nhà nước đầu tư, sử dụng vốn tràn lan, không hiệu quả, đầu tư bất động sản thì quá mức, đó là những tác nhân khiến cho nền kinh tế rơi vào tình trạng như hiện nay.
* Nói đến bất động sản, Việt Á cũng vừa mới đưa vào hoạt động một tòa nhà văn phòng rất hoành tráng…?
- Bây giờ thì rơi vào thảm cảnh rồi, bởi giá đang xuống đáy. Nhưng phải khẳng định lại là tòa nhà Việt Á không liên quan đến kinh doanh bất động sản, đây là trụ sở của công ty, sử dụng không hết, còn phòng trống thì cho thuê để bù lại một phần chi phí xây dựng.
Bản thân tôi còn có một nguyện vọng khác là sẽ thành lập ra một "làng Việt Á". Khi đi ra nước ngoài, tôi thấy những doanh nghiệp lớn như Microsoft họ có khu Microsoft Campus, có đầy đủ từ nhà đến bể bơi, sân tennis, khu vui chơi dành cho cán bộ công nhân viên. Tôi cũng muốn Việt Á làm được như thế.
Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng ý cấp cho chúng tôi một khu đất ở Mê Linh. Tôi muốn cán bộ công nhân viên tại Việt Á có chỗ ở ổn định và được sống gần nhau. Tôi chỉ làm những gì tạo ra được sản phẩm thực sự và đem lại hiệu quả cho xã hội.
* Vậy, chị đánh giá như thế nào về sự đầu tư của Nhà nước đối với những lĩnh vực tạo ra sản phẩm thực sự cho xã hội như chị vừa đề cập?
- Nhà nước cần phải có chính sách để hướng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất một cách bền vững. Thứ nhất là, sản xuất sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, giảm bớt "chảy máu" ngoại tệ. Thứ hai là, tập trung vào những sản phẩm phù hợp với lợi thế cạnh tranh của đất nước như hàng nông sản, thủy hải sản, hay những sản phẩm đem lại công ăn việc làm cho nhiều người.
Phải xem xét từ những góc độ ấy để có hướng đầu tư. Cũng như xây một ngôi nhà vậy thôi, không thể cứ thấy người ta xây nhà 5 tầng thì mình cũng về xây nhà 5 tầng, mà phải xem trong tay mình có bao nhiêu tiền, trong nhà có bao nhiêu người và mục đích sử dụng ra sao.
Tôi cho rằng, Việt Nam nên đầu tư sâu trong lĩnh vực nông - lâm - thủy - hải sản. Cần hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển công nghiệp phải phục vụ nông nghiệp, rồi phát triển công nghiệp chế biến…
Vấn đề là phải dựa trên lợi thế, thực lực và điều kiện của quốc gia mình. Không phải cứ làm công nghiệp mới là giỏi. Vì xét cho cùng thì mục tiêu cuối cùng của mọi quốc gia là xây dựng đất nước tươi đẹp và phát triển bền vững, người dân no ấm.
* Chị đã lường trước được những khó khăn của nền kinh tế, vậy chắc Việt Á cũng không quá "sốc" khi phải đối mặt với những khó khăn hiện nay như một số doanh nghiệp khác?
- Tôi cũng đã hình dung trước, nhưng không nghĩ là khó khăn lại đến sớm và nặng nề như thế này. Tôi thậm chí còn hình dung ra cả kết cục của tình trạng này…
* Chị thử đưa ra tiên đoán của mình?
- Tôi chỉ có thể nói: Bây giờ chưa phải đáy, đáy thì phải vài ba năm nữa.
* Và Việt Á đã xoay xở như thế nào để đi qua giai đoạn khó khăn này?
Với Việt Á, tôi đã tái cơ cấu từ năm 2008. Trước đây chúng tôi có 17 công ty, đơn vị thành viên, nhưng thời điểm này chỉ còn 5, từ 2.000 cán bộ công nhân viên giờ chỉ còn chưa đến 1.000 và sẽ rút xuống còn 500 - 700. Những bộ phận nào có hiệu quả thì tiếp tục duy trì, bộ phận nào "giải tán" mà không ảnh hưởng đến "lõi" thì sẽ loại bỏ.
Tôi cũng đã bán 3 nhà máy, giờ chỉ còn giữ lại 3 nhà máy. Chúng tôi gom sản xuất lại để quản lý hiệu quả hơn và có tiền để giải quyết công nợ. Ngoài ra, Việt Á còn cắt giảm tối đa những chi phí không cần thiết và tập trung nâng cao hiệu quả của từng bộ phận. Có cái may là chúng tôi đã làm sớm, chứ đợi đến bây giờ mới làm thì chắc chắn không thể cứu vãn nổi.
* Câu chuyện tái cơ cấu của chị làm tôi nhớ đến vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam, chị nghĩ gì về vấn đề này?
- Muốn tái cấu trúc thành công thì phải có chương trình, có phương pháp và mục tiêu cụ thể. Ví dụ như: Tái cấu trúc công ty Nhà nước chẳng hạn, phải xem tái cấu trúc bao nhiêu, giữ lại bao nhiêu, có phương án xử lý như thế nào và sau khi tái cấu trúc rồi thì Nhà nước sẽ đạt được gì? Mọi thứ phải rất cụ thể, còn không thì rốt cuộc chỉ là "đánh bùn sang ao".
Và muốn tái cấu trúc thì phải làm từ trước, giờ đã vào trong "cơn bão" rồi thì chắc phải đợi cho "tan bão". Vấn đề bây giờ là phải xử lý bài toán bất động sản, phải giải quyết được đầu tư công và giám sát chặt chẽ hệ thống ngân hàng. Bất động sản là một bài toán rất khó, muốn giải được phải có một sự quyết tâm từ trên xuống dưới. Vẫn còn lợi ích cục bộ thì không thể…
Ðã nói thì phải nói thẳng và nói thật
* Có nhiều doanh nhân chỉ quan tâm đến những gì gắn với doanh nghiệp của họ, còn chị thì lại nghĩ đến những thứ vĩ mô…
- Đó là bản tính của tôi, ít khi nghĩ về mình mà thường nghĩ nhiều về người khác. Lúc bé tôi nghĩ về ba mẹ, anh chị, những người xung quanh mình và chỉ mong muốn họ sẽ không khổ. Khi trưởng thành, thành lập công ty, tôi cố gắng xây dựng bộ máy, đem lại công ăn việc làm cho càng nhiều người thì mình càng cảm thấy hạnh phúc.
Xa hơn, ra xã hội, tôi nghĩ đến những người dân, họ cũng đều như cha mẹ, anh em mình, vì thế, thấy người ta khổ, tôi rất buồn. Nhìn các doanh nghiệp xung quanh mình cũng vậy, đằng sau họ là hàng trăm hàng nghìn công nhân. Tôi vẫn mong muốn có cách nào để xoay chuyển tình thế khó khăn này.
* Những trăn trở đó có phải là lý do để chị tham gia Quốc hội khóa XII?
- Tôi tham gia Quốc hội vì tôi muốn nói thẳng, muốn đóng góp để xây dựng đất nước, làm điều gì đó có ích cho đất nước. Có nhiều người bảo tại sao tôi hay chỉ trích doanh nghiệp Nhà nước, thực ra tôi rất trân trọng doanh nghiệp Nhà nước, họ có vai trò quan trọng trong điều tiết kinh tế vĩ mô.
Nhưng phải nói thẳng là nhiều doanh nghiệp Nhà nước đã có sự lạm dụng và làm kiệt quệ nguồn lực của đất nước. Năm 2007, tôi đã bày tỏ lo ngại về việc các doanh nghiệp Nhà nước đang đầu tư ra ngoài ngành quá lớn, bởi tôi nhớ có một câu các cụ đã nói, "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh".
Tôi đi nhiều quốc gia trên thế giới và thấy rằng, những doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, bền vững là những doanh nghiệp tập trung vào ngành nghề cốt lõi. Tại sao Microsoft lớn như vậy mà họ chỉ vẫn làm phần mềm thôi? Phải xác định được lĩnh vực cốt lõi và lợi thế cạnh tranh của mình.
* Sau một nhiệm kỳ Quốc hội, sau những lần nói thẳng như thế, chị nhận lại được gì?
- Có nhiều người rất ghét và cũng có nhiều người dân hoan nghênh. Tôi cũng không bị tác động nhiều bởi cái sự yêu ghét ấy. Bởi vì bản thân tôi chỉ muốn làm được điều gì đó có lợi cho đất nước.
Tôi nói ra không phải để người ta khen và cũng không sợ người ta ghét. Năm 2007, sau khi tôi nói, việc đầu tư ra ngoài ngành được quan tâm hơn và có những bước điều chỉnh.
* Tại sao chị lại không tiếp tục tham gia Quốc hội?
- Phải có lúc ẩn lúc hiện, chứ lúc nào cũng nói thì chưa chắc đã hiệu quả (cười). Ngoài ra, còn có một số lý do: Thứ nhất, không phải chỉ có mỗi diễn đàn Quốc hội mà tôi còn có nhiều cách khác để đóng góp cho đất nước, trong đó có cả việc phải điều hành tốt Việt Á.
Thứ hai, tôi đã lường trước thời kỳ này sẽ rất khó khăn, nếu tôi tham gia Quốc hội thì chắc chắn việc điều hành Việt Á sẽ bị sao nhãng. Mình phải khỏe rồi thì mới giúp được cho người khác.
Hơn nữa, tôi biết rằng, trong thời kỳ này, những điều mình nói ra có khi chưa phải là thời điểm thích hợp. Tôi không thể nói khác đi những điều mình thấy và suy nghĩ và đã nói thì phải có hiệu quả, chứ không thì tốt hơn hết là đừng nói.
* Vậy những khó khăn của Việt Á đến thời điểm này đã được giải quyết đến đâu rồi, thưa chị?
- Cũng đã tạm ổn rồi, nếu mọi thứ diễn biến như mình dự tính, cộng thêm sự may mắn thì hy vọng sẽ qua được. Chúng tôi đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Mỗi người cố lên một ít thì chắc chắn sẽ vượt qua. Dù rằng riêng tôi thì vẫn còn có những khó khăn mà không thể chia sẻ được…
* Là phụ nữ tại sao chị lại chọn lĩnh vực điện, một lĩnh vực có vẻ như chỉ phù hợp với nam giới?
- Vốn được đào tạo để làm giáo viên dạy tiếng Anh, nhưng khi chuyển sang làm về điện thì tôi thực sự đam mê. Đây là một lĩnh vực rất khó, gai góc và đầy thử thách.
Làm công trình điện phải toàn tâm, toàn ý, toàn lực và làm bài bản. Có nhiều người là nam giới cũng đã phải bỏ cuộc vì đã không chịu được sự khắc nghiệt của ngành này. Nhưng bản tính của tôi thì thích thử thách và rất ghét những lối mòn. Làm trong môi trường này, tôi được tôi luyện, trưởng thành và có khả năng chịu đựng tốt hơn những cơn nóng lạnh của thương trường.
* Vậy có thể coi cuộc khủng hoảng này cũng là một thử thách phù hợp với tính cách của chị và giúp chị lại tiếp tục trưởng thành?
- Cái này thì phải còn xem chèo chống thế nào (cười). Nhưng thử thách này đắt quá!
* Xin cám ơn chị!