Tỷ phú công nghệ Mỹ không thích xài sang

Silicon Valley – thủ phủ ngành công nghệ Mỹ, đo đếm thành công bằng những gì người doanh nhân xây dựng được chứ không phải cái mà người đó mua như siêu xe hay tiêu xài xa hoa.

Mark Zuckerberg - CEO Facebook, một trong hai tỷ phú trẻ nhất nước Mỹ

Các ngôi sao mới trong ngành công nghệ Mỹ đang dành tiền cho các mục đích xã hội và mở công ty.
Văn hóa nơi đây đánh giá thành công của một con người thông qua cái mà người đó xây dựng chứ không phải cái họ mua.
Anh Aaron Patzer sống trong một căn hộ trung bình, một phòng ngủ tại Palo Alto với một chiếc giường và tivi. Anh thường sử dụng loại giầy hạ giá và cắt tóc giá chỉ 12 USD. Trước đây, anh lái xe Ford Contour đời 1196 và sau đó chuyển sang dùng chiếc Subaru Outback giá 29 nghìn USD.

Với vẻ bên ngoài như vậy của Aaron Patzer, bạn sẽ chẳng bao giờ biết được doanh nhân 30 tuổi này đã bán công ty Internet do anh lập ra với giá 170 triệu USD vào năm 2009 và hiện anh đang đảm nhiệm chức vụ giám đốc điều hành cao cấp tại công ty phần mềm tài chính Intuit.

Dù có một vài ngoại lệ, các nhân vật trẻ tuổi đang nổi lên tại Silicon Valley – thủ phủ ngành công nghệ Mỹ, đang từ chối các biểu tượng truyền thống thể hiện đẳng cấp và vị thế của người giàu: Siêu xe, du thuyền và nhà cao cấp. Để nổi danh, họ đang dành tài sản cho các mục đích xã hội và mở công ty.

Ở tuổi 27, Dustin Moskovitz là tỷ phú trẻ tuổi nhất thế giới. Anh sinh sau Mark Zuckerberg, bạn cùng học tại Harvard và là người đồng sáng lập ra Facebook, 6 ngày.

Moskovitz có thể mua bất kỳ căn nhà nào anh thích, nhưng anh chỉ chọn mua một căn hộ nhỏ tại San Francisco. Hàng ngày, anh đạp xe đến công ty nhỏ mang tên Asana, chuyên cung cấp phần mềm quản lý dự án cho doanh nghiệp. Anh đậu chiếc xe Volkswagen R32 trong gara.

Anh cho biết anh đang dành tiền cho tổ chức từ thiện. Cũng giống Zuckerberg, anh đã cam kết dành phần lớn tài sản kiếm được trong cuộc đời mình cho các mục đích từ thiện.

Moskovitz nói: “Của cải không thể mang lại hạnh phúc. Tôi đã nghĩ đến việc sở hữu các đồ vật đắt tiền và đi đến kết luận tôi không thể hạnh phúc và sống cuộc sống có ý nghĩa hơn với chúng.”

Zuckerberg cũng là một tỷ phú sống hết sức tiết kiệm. Đã nhiều năm, anh sống trong một căn hộ nhỏ, trải đệm nằm trên sàn nhà và sử dụng Internet qua đường dây điện thoại. Gần đây, anh mua căn nhà đầu tiên tại Palo Alto với giá 7 triệu USD, một phần tiền rất nhỏ trong tổng tài sản của anh. Anh lái chiếc Acura bình thường và đã đưa vào hồ sơ trên Facebook của mình sở thích luôn đi theo thiểu số. Năm 2010, anh đã quyên góp 100 triệu USD để giúp cải thiện hệ thống trường công tại bang New Jersey, nơi có chất lượng hệ thống hạ tầng trường học kém nhất Mỹ.

Một màn kịch đang diễn ra?

Nhiều người có thể cho rằng các triệu phú công nghệ này đang đóng kịch. Song, chuyên gia nghiên cứu Alice Marwick thuộc Microsoft, người có bằng tiến sỹ tại Đại học New York chuyên ngành truyền thông, khẳng định những nhân vật trên không giả tạo.

Bà khẳng định không phải thế hệ doanh nhân mới không muốn có vị thế trong xã hội. Chỉ đơn giản họ tìm kiếm vị thế theo cách mới.

Bà Marwick nói: “Đây không phải một cộng đồng mà vẻ bên ngoài, tài sản hữu hình hay thân hình nóng bóng có giá trị. Những thứ trên không giúp họ có vị thế tốt hơn so với người khác. Các triệu phú công nghệ không đàn đúm với người nổi tiếng hay mua ô tô sang.”

Các nhân vật của ngành công nghệ chủ yếu là đàn ông. Việc quan tâm đến ngoại hình, mua sắm, trang trí nhà cửa đều thuộc về tính cách của phái nữ. Triệu phú công nghệ coi hình thức chi tiêu này thật ngu ngốc và phù phiếm. Thung lũng Silicon đo đếm thành công bằng những gì người doanh nhân xây dựng được chứ không phải cái mà người đó mua.

Anh Drew Houston, giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập Dropbox, sản phẩm giúp 25 triệu người trên khắp thế giới lưu trữ và chia sẻ hình ảnh, video và tài liệu, nói: “Bạn không cần thiết phải lái một chiếc Aston Martin. Quan trọng hơn, cần phải có tự do và khả năng độc lập để xây dựng được cái gì đó cho một lượng người dùng lớn.”

Tài sản tất nhiên mang đến đặc quyền riêng. Patzer có thể dùng chiếc tivi cũ đến nỗi nó không thể chạy được Apple TV, một món quà mà anh được tặng vào Giáng sinh vẫn còn được để nguyên trên sàn nhà. Thế nhưng anh dành 25.000USD để tổ chức sinh nhật lần thứ 30 với bạn bè của mình tại một hòn đảo và hiện đang cho em trai tiền học ngành khoa học máy tính.

Sean Parker, một tỷ phú đằng sau Napster và Facebook có cách riêng để sử dụng tài sản của mình. Sean Parker dành hàng triệu USD cho các tổ chức phi lợi nhuận. Anh khẳng định, anh muốn dành lại cho cộng đồng một phần tiền anh kiếm được. Tuy nhiên cùng lúc đó, Napster cũng dùng nhiều đồ hạng sang, đi chơi khắp thế giới bằng máy bay riêng và tiêu đến 13 nghìn USD vào rượu và đồ ăn.

Anh Dave McClure, nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ và trước đây từng làm điều hành tại PayPal, nhận xét: “Ở mức độ nào đó, bạn sẽ cảm thấy quá thừa mứa. Người có tiền có quyền tiêu nó, họ chẳng làm gì sai, thế nhưng những doanh nhân đang cố gắng trở nên thông minh và căn cơ hơn.”

Điển hình hơn phải nói đến Joe Greenstein, người đã bán Công ty Flixster cho Time Warner với giá 80 triệu USD. Ông khẳng định số tiền kiếm được không mang đến thay đổi nào đối với cuộc sống của ông. Doanh nhân 33 tuổi này chi mỗi tháng 1.000 USD để thuê căn hộ ông đã sống suốt 10 năm qua.

Thời kỳ công nghệ bùng nổ thập niên 1990, tâm lý này không hề thịnh hành. Các triệu phú công nghệ lập tức mua Lamborghini và tung tiền xây lâu đài. Giới doanh nhân công nghệ hiện nay, người từng lớn lên trong “bóng tối” của sự sụp đổ trong lĩnh vực công nghệ, khẳng định họ học được nhiều điều.

Ông Kevin Hartz, người sáng lập kiêm CEO của Công ty vé trực tuyến Eventbrite nhận xét, hiện nay, doanh nhân đang điều hành công việc kinh doanh và cuộc sống của họ hợp lý hơn: “Thật ngớ ngẩn khi tôi săm soi từng đồng ở công ty và sau đó đi mua chai rượu 5.000 USD ở ngoài.”


  • 12/01/2012 03:16
  • Theo Cafef.vn
  • 2203


Gửi nhận xét