Nguyên nhân dẫn đến bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ

Các nhà khoa học vẫn chưa biết chắc chắn nguyên nhân nào dẫn đến bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD), mặc dù có nhiều nghiên cứu cho thấy gen đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề này. Như rất nhiều loại bệnh khác, bệnh tăng động giảm chú ý có thể do nhiều nguyên nhân gây nên. Cùng với những nghiên cứu về gen, các nhà khoa học đang nghiên cứu các yếu tố môi trường, dinh dưỡng, xã hội hoặc những tổn thương của não có thể có ảnh hưởng đến bệnh này ở trẻ.

Gen. Thừa hưởng từ cha mẹ. Có một số nghiên cứu mang tầm quốc tế về những cặp song sinh cho thấy rằng ADHD có tính di truyền. Các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm những gen có khả năng gây ra những rối nhiễu và hi vọng một ngày có thể tìm ra phương pháp ngăn chặn những rối nhiễu đó trước khi những triệu chứng của bệnh xuất hiện. Hiểu biết về gen cũng có thể giúp cho biện pháp trị liệu bệnh ADHD hiệu quả hơn.

Một nghiên cứu trên những trẻ mắc ADHD đã phát hiện ra rằng những trẻ mang trong mình một số loại gen nhất định có một điểm giống nhau là mô não mỏng ở phần não liên quan đến khả năng tập trung chú ý mỏng hơn so với bình thường. Tuy nhiên nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đặc điểm này không kéo dài vĩnh viễn.  Khi trẻ lớn lên, mô não đó sẽ dày lên như bình thường, đồng  thời những triệu chứng rối nhiễu giảm dần.

Ảnh minh họa

Các nhà nghiên cứu cũng nghiên cứu những biến dị di truyền có thể được kế thừa hoặc không được kế thừa từ cha mẹ, ví dụ như hiện tượng nhân đôi hoặc xóa một phân đoạn của DNA. Một vài dạng biến dị này xuất hiện nhiều hơn ở những trẻ mắc chứng ADHD so với những trẻ bình thường khác, do vậy đây cũng có thể là một nguyên nhân dẫn đến những rối nhiễu ở trẻ.

Yếu tố môi trường. Các nghiên cứu cũng gợi ý rằng có mối liên hệ giữa việc sử dụng rượu và thuốc lá trong quá trình mang thai của phụ nữ đối với việc hình  thành bệnh ADHD. Thêm vào đó, những trẻ sống trong môi trường hay phải tiếp xúc nhiều với chì, chất đôi khi được tìm thấy từ những ống dẫn nước hoặc từ sơn tường của những tòa nhà cũ, có nguy cơ mắc bệnh ADHD cao hơn.

Tổn thương não. Trẻ em bị tổn thương não đôi khi có thể có những biểu hiện giống với trẻ bị ADHD. Nhưng tỉ lệ những trẻ bị ADHD có nguyên  nhân từ tổn thương não rất thấp.

Đường. Quan điểm đường tinh chế gây bệnh ADHD hoặc khiến cho triệu chứng của bệnh xấu đi khá phổ biến. Nhưng những nghiên cứu phủ nhận quan điểm này nhiều hơn là ủng hộ nó. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đưa cho trẻ thức ăn có đường hoặc các sản phẩm thay thế đường trong một số ngày. Kết quả cho thấy những trẻ ăn thức ăn có đường không có khác biệt gì về hành vi cũng như khả năng học tập so với những trẻ ăn thức ăn sử dụng sản phẩm thay thế đường. Một nghiên cứu khác với những trẻ ăn thức ăn nhiều đường hoặc các sản phẩm thay thế đường cao hơn mức trung bình cũng cho kết quả tương tự.

Phụ gia thực phẩm. Hiện nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh màu thực phẩm nhân tạo gây bệnh ADHD. Tuy nhiên, có một số ít trẻ mắc bệnh ADHD có thể nhạy cảm với thuốc nhuộm màu thực phẩm, chất tạo mùi thơm nhân tạo, chất bảo quản, hoặc các loại phụ gia thực phẩm khác. Triệu chứng của bệnh ADHD có thể giảm đi ở những trẻ này nếu trẻ theo chế độ ăn hạn chế phụ gia thực phẩm, tuy nhiên điều này không dễ thực hiện và duy trì.

(biên dịch theo tài liệu Attention Deficit Hyperactivity Disorder của US Department of healthe and human services)


  • 16/04/2014 01:58
  • Lê Huyền
  • 1881


Gửi nhận xét