Nhà trực/chốt trực quản lý vận hành là giải pháp của EVN từ năm 2013 để rút ngắn "bán kính" giữa Điện lực ở khu vực miền núi, vùng sâu xa, biên giới, hải đảo với khách hàng, không chỉ hỗ trợ cải thiện điều kiện ăn ở, làm việc đối với những người thợ phải "nằm vùng", mà còn giúp khắc phục nhanh các sự cố, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nhu cầu sử dụng điện của khách hàng điện.
Đơn cửa, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang,… do điều kiện đặc thù là sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, dân cư sống phân tán và dọc hai bên bờ kênh rạch, việc quản lý lưới điện và sửa chữa điện cho khách hàng gặp nhiều khó khăn. Có khi nhận được điện báo sự cố tại nhà dân thì anh em công nhân mất cả tiếng đồng hồ đi lại mới đến hiện trường. Cũng có trường hợp, nhiều người dân phải đi quá xa để đóng tiền điện làm ảnh hưởng đến việc thu tiền điện của đơn vị. Chính vì thế, xây dựng nhà trực quản lý vận hành (QLVH) tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân quản lý kinh doanh bán điện và sửa chữa điện cho khách hàng, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Tại các nhà trực/chốt trực vận hành, Điện lực sẽ bố trí công nhân trực 24/24h. Khách hàng sử dụng điện ở cách xa Điện lực có thể đến các nhà trực/chốt trực để trực tiếp hỏi - đáp thông tin kịp thời. Đặc biệt, trong mùa mưa bão, các nhà trực/chốt trực này ứng trực với phương châm 4 tại chỗ, có lực lượng tại chỗ để xử lý nhanh các sự cố nhỏ lẻ trên địa bàn. Vì vậy, việc xây dựng nhà trực vận hành cho các điện lực vùng sâu vùng xa không chỉ giúp cán bộ nhân viên của EVN đỡ vất vả mà còn góp phần nâng cao chất lượng phục vụ cho khách hàng, nâng cao năng suất lao động.