Chị Phạm Thùy Dung, chuyên viên Ban Quản lý xây dựng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
Một lời khen chân thành từ sếp sẽ mang đến sự động viên, khích lệ rất lớn
Công khai khen ngợi, khiển trách kín đáo đã trở thành bí kíp "giắt lưng" của lãnh đạo Ban Quản lý xây dựng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Nhất là khi chuyên viên nào cũng muốn được lãnh đạo khen ngợi, động viên tinh thần khi làm tốt công việc được giao. Tại cơ quan tôi, sếp thường khen ngợi chuyên viên có thành tích xuất sắc trước mọi người, như vậy họ sẽ càng phấn đấu làm tốt hơn nữa để xứng đáng với lời khen, niềm tin của lãnh đạo.
Lãnh đạo Ban cũng không quá cầu kỳ trong lời khen, chủ yếu xuất phát từ chính tấm lòng mình. Và quan trọng hơn nữa là trong lời khen, sếp luôn chỉ cho người được khen biết lý do mình được ghi nhận, ví như thay vì chỉ nói chung chung: "Cậu/Cô làm tốt lắm, cứ tiếp tục như thế nhé!" thì lãnh đạo ban thường nói: "Báo cáo đó cô/cậu làm rất tốt, phân tích rất sắc sảo".
Lời khen của lãnh đạo thường được giữ lại để nói trong các cuộc họp bởi đó là thời điểm thích hợp nhất để nhân viên nhận lời khen có thể tự hào về tầm quan trọng của mình trong đơn vị. Tuy nhiên, thi thoảng sếp cũng dành chút thời gian đến bàn làm việc của nhân viên và nói vài câu động viên, đánh giá công việc của nhân viên bằng những lời khen chân tình.
Anh Chu Văn Trị, công nhân đội Truyền tải điện TP. Tuyên Quang, Truyền tải điện Tây Bắc, Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1)
Lời khen đôi khi quý giá hơn cả phần thưởng
Theo tôi, lời khen là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy nhân viên làm việc tích cực. Lời khen chính là cách truyền "lửa" và cảm hứng cho cấp dưới làm việc hăng say hơn, cống hiến hơn. Ở đơn vị tôi, những khi xử lý sự cố đường dây thâu đêm, hay khi sửa chữa lớn dài ngày vất vả, lời khen, lời động viên của lãnh đạo khi ấy thật có giá trị khích lệ tinh thần. Tôi luôn tâm niệm, lãnh đạo không chỉ là người giúp cho nhân viên nhận thấy công việc mà họ đang làm hợp với chuyên môn, kỹ năng của mình, mà còn là người có thể giúp họ phát triển về nghề nghiệp và tương lai; làm cho nhân viên cảm thấy mình là một trong những thành viên quan trọng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để lời khen có giá trị hơn, tôi cũng nghĩ rằng lãnh đạo nên cân nhắc trước khi khen, chỉ nên khen những việc đáng khen.
Chị Đinh Như Thủy Tiên, Chuyên viên Văn phòng Công ty CP Điện lực Khánh Hòa (PC Khánh Hòa)
Lời khen là niềm tin mà lãnh đạo trao cho nhân viên
Đối với tôi, cũng như bất cứ nhân viên nào tại PC Khánh Hòa thì lời khen của lãnh đạo khi mình hoàn thành tốt công việc được giao là rất cần thiết. Điều này tạo nên sự hưng phấn, niềm tin của nhân viên, góp phần làm cho kết quả là công việc được giao sẽ ngày càng tốt hơn cũng như sự đoàn kết trong đơn vị ngày càng được thắt chặt.
Tại đơn vị tôi đang công tác, những lời khen luôn truyền cảm hứng và tạo nhiều động lực nhất cho nhân viên, đặc biệt khi đó là một lời khen đúng lúc. Sếp tôi thường khen nhân viên của mình: Xuất sắc, tuyệt vời, tốt… tùy thuộc vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ của mỗi người. Tôi cho rằng, khi nhân viên có thái độ tốt và tập trung tạo ra kết quả đạt yêu cầu, thì cho dù kết quả tại thời điểm đó chưa xuất sắc như kì vọng, nhưng vẫn xứng đáng để lãnh đạo trao một lời khen có giá trị. Lời khen từ sếp cũng cần có tính công bằng, tránh vì nhận được lời khen thiếu chính xác, nhân viên sẽ bị “bệnh ngôi sao” hoặc tránh tiết kiệm lời khen khiến nhân viên cảm thấy nỗ lực của mình vô tình bị lãng quên.
Lời khen cũng là niềm tin mà lãnh đạo trao cho nhân viên. Khi lãnh đạo trao niềm tin, đồng thời cũng đã gửi đi thông điệp rằng công việc nhân viên đạt được thật sự tốt và cấp trên không cần phải lo lắng bất cứ điều gì khi giao trọng trách cho nhân viên. Do vậy, nếu không nhận được lời khen, lời nhận xét thì nhân viên sẽ khó biết được mình có đang làm tốt hay không.