Những cuốn sách quản trị kinh doanh có sức ảnh hưởng nhất

Góp mặt trong danh sách 25 cuốn sách có ảnh hưởng nhất về quản trị kinh doanh do Tạp chí Time bình chọn là không ít cái tên “đình đám” như: Built to Last, Emotional Intelligence. Trong giới hạn bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc 3 cuốn sách hay, chưa được nhiều người biết đến ở Việt Nam.

The Human Side of Enterprise 

Ảnh minh họa

Tạm dịch: Phần người của doanh nghiệp

Năm xuất bản: 1960

Tác giả: Douglas McGregor

Trước khi tác phẩm “để đời” của Douglas McGregor về lĩnh vực quản trị ra đời, xã hội lúc đó luôn cho rằng nhân viên là những người lười biếng và thiếu động lực. Vì thế, lý thuyết quản trị thời đó cho rằng đội ngũ quản lý cần liên tục thúc ép để nhân viên làm việc có năng suất cao. McGregor không nghĩ như thế và đã cách mạng hóa tư duy quản trị nguồn nhân lực thông qua 2 lý thuyết ông gọi là X và Y.

Lý thuyết X cho rằng con người luôn lười biếng và cần sự giám sát gắt gao, hoặc thậm chí dùng hình phạt mới làm việc hiệu quả. Lý thuyết này đại diện cho góc nhìn bi quan về bản chất con người cũng như thiết lập một mối quan hệ xa cách, thậm chí thù địch giữa đội ngũ quản lý với nhân viên.

Trái lại, lý thuyết Y kêu gọi đội ngũ quản lý dành cho nhân viên sự tôn trọng và tự do để đạt được thành quả họ mong muốn. Người quản lý cần truyền cảm hứng để nhân viên trở thành người có đạo đức, có động lực làm việc và có tính kỷ luật cao.

Khi hoàn thành cuốn sách vào năm 1960, Douglas McGregor có niềm tin vững chắc rằng tác phẩm này sẽ làm thay đổi cách quản trị của thế giới mãi mãi. Những nguyên tắc đề cập trong sách của ông không chỉ có ý nghĩa ứng dụng trong quản trị, mà còn có thể mở rộng ra cho cả cuộc sống.

The Goal

Trang bìa cuốn sách

Tựa tạm dịch: Mục tiêu

Năm xuất bản: 1984

Tác giả: Eliyahu Goldratt

Cuốn The Goal là một tác phẩm khác thường trong thế giới sách quản trị kinh doanh vì 2 lý do. Thứ nhất, Goldratt không phải là ngôi sao hay cây đại thụ trong lĩnh vực này, cũng không phải là giáo sư của các trường kinh doanh danh tiếng hoặc chuyên gia tư vấn. Ông chỉ là một nhà vật lý. Thứ hai, quyển The Goal về bản chất là một cuốn tiểu thuyết, không phải sách kinh doanh.

Nội dung tiểu thuyết xoay quanh nhân vật Alex Rogo, một quản lý sản xuất mang trọng trách cứu sống một nhà máy thua lỗ. Ngoài ra, Rogo còn phải tìm ra phương cách để có thể cứu vãn cuộc hôn nhân đang trên đà tan vỡ của mình. Trong tình thế đó, Rogo phát hiện ra “Phương pháp Socrates” và sử dụng nó để giải quyết ổn thỏa chuyện hôn nhân. Sau đó, ông áp dụng phương pháp này cho đội ngũ nhân viên tại nhà máy và nhanh chóng cùng họ tìm ra giải pháp.

“Lý thuyết về những hạn chế” (Theory of Constraints) cũng được Goldratt lý giải rõ ràng trong The Goal. Theo lý thuyết này, “sức bền của một dây xích chính là sức bền của mắt xích yếu nhất”. Sức mạnh tập thể sẽ phụ thuộc vào mỗi cá nhân, cũng như sự vận hành trơn tru của hệ thống sẽ phụ thuộc vào mỗi bộ phận riêng lẻ.

On Becoming a Leader

Trang bìa cuốn sách

Tựa tạm dịch: Hành trình trở thành nhà lãnh đạo

• Năm xuất bản: 1989

• Tác giả: Warren Bennis

Warren Bennis là bậc thầy về đề tài “lãnh đạo trong kinh doanh” với nhiều đầu sách kinh điển. Cuốn On Becoming a Leader của ông được đánh giá là giống thể loại phát triển bản thân hơn là hướng dẫn kinh doanh. Trong On Becoming a Leader, Bennis hướng dẫn người đọc cách thức bồi dưỡng "người lãnh đạo" bên trong mình để giải bài toán hóc búa mang tên “sự khan hiếm các nhà lãnh đạo hiệu quả” và qua đó, xóa bỏ “căn bệnh xã hội” xuất phát từ lối tư duy thiển cận và thiếu khả năng tự nhận thức bản thân. Giải pháp mà ông hướng đến khá đơn giản: Lắng nghe “tiếng nói bên trong” bạn về công việc bạn muốn làm, nuôi dưỡng niềm đam mê và xây dựng niềm tin ở những người chấp nhận đi theo mình.

Mô hình nhà lãnh đạo lý tưởng do Bennis phát minh ra cách đây hơn 2 thập niên vẫn còn đúng với giới lãnh đạo hiện đại. Một nhà lãnh đạo phải là người quan tâm đến phát triển bản thân, bộc lộ bản thân, không ngừng học hỏi và có tính chính trực. Nhưng quan trọng hơn hết, nhà lãnh đạo không phải là người cố đi tìm quyền lực lãnh đạo. Thay vào đó, họ chỉ mong muốn làm sao thể hiện, bộc lộ được bản thân một cách trọn vẹn. Họ luôn trân trọng và học hỏi từ rủi ro, thất bại, tai ương. Họ đón nhận tất cả để làm trải nghiệm riêng cho mình. Nhờ những khả năng này, họ truyền cảm hứng được cho những người đi theo họ. Họ biến tổ chức của mình thành một cộng đồng mà ai ai cũng phát huy được hết tiềm năng.

Cho đến nay, chân dung nhà lãnh đạo kiểu mẫu mà Bennis vẽ ra cách đây hơn 20 năm dường như vẫn còn rất mới.

 


  • 30/12/2011 11:28
  • doanhnhan360.com
  • 2964


Gửi nhận xét