Những người thợ đường dây

Truyền tải điện Thái Nguyên có nhiệm vụ quản lý, vận hành 6 trạm biến áp, gần 700 km của 15 tuyến đường dây 220 kV qua 8 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Hà Nội (huyện Sóc Sơn). Hàng ngày, những công nhân truyền tải điện vẫn băng rừng, lội suối để phát dọn hành lang tuyến, phát hiện, xử lý sự cố...

Phát dọn hành lang tuyến

Gian nan thợ đường dây

Để giữ cho đường dây thông suốt, thợ truyền tải luôn phải chủ động kiểm tra soi phát nhiệt các tuyến đường dây. Ban đêm đi kiểm tra, nếu phát hiện những điểm có nguy cơ gây sự cố thì đánh dấu lại để ban ngày tổ chức sửa chữa khắc phục, xử lý các tồn tại trên lưới, bổ sung, xử lý hệ thống tiếp địa cột; xử lý các khoảng cột không đảm bảo khoảng cách pha đất...

Anh Vi Văn Lâm – Đội trưởng Đội đường dây 220 kV Na Hang cho biết, vất vả nhất là mùa mưa, cây cối mọc nhanh nên ảnh hưởng đến hành lang tuyến. Đội anh chỉ có 13 người nhưng phải quản lý 94,5 km đường dây 220 kV.

Địa hình toàn rừng sâu, núi cao, phát chưa đến cuối tuyến thì đầu tuyến cây đã mọc lên như cũ. Tuy nhiên, đáng ngại nhất là mùa mưa bão, gặp những trận lũ gây xói lở móng cột, kẻ gian tháo trộm thanh giằng, tiếp địa cột, cách điện đường dây bị vỡ.

Đây lại là khu vực địa hình có nhiều giông sét. 6 năm qua, đoạn tuyến đội anh quản lý đã có 19 lần sự cố do bị sét đánh. Có lần gặp sự cố trong đêm, các anh phải lần mò trong rừng, đến từng cột điện để phát hiện vị trí gây sự cố. Lúc vào còn dễ, lúc ra cây bị bão đổ ngổn ngang, có anh mới vào nghề bị lạc. Điện thoại, bộ đàm đều ướt hết không liên lạc được. Gần sáng mới thu được quân, đội trưởng thở phào nhẹ nhõm khi không thiếu ai.

Đó là chưa kể những khó khăn về giải tỏa, đền bù, giải phóng mặt bằng hành lang tuyến để đảm bảo tiến độ thi công; vấn đề vi phạm của người dân, vấn đề điện từ trường,… Mỗi khi mưa bão, các đơn vị phải bố trí trực ban 24/24 giờ và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng chống bão, bố trí nhân lực đi kiểm tra trên các tuyến đường dây và trạm, kịp thời phát hiện những cây cao có khả năng gãy đổ, chằng néo các cây cao, đắp và kè lại những móng cột có nguy cơ bị xói lở, khơi thông những nguồn lạch, khe suối để đảm bảo thoát nước.

Đẩy mạnh xã hội hóa bảo vệ đường dây

Do phải vận hành 2 hệ thống điện (của Việt Nam và hệ thống mua điện từ Trung Quốc) nên việc bảo vệ an toàn hành lang lưới điện của Truyền tải điện Thái Nguyên khá phức tạp, nhất là trong điều kiện bà con thuộc rất nhiều dân tộc, ngôn ngữ bất đồng (riêng địa bàn đội Nà Hang quản lý có 16 dân tộc).

Vì vậy, tình trạng vi phạm hành lang an toàn, đốt nương rẫy thường xuyên xảy ra. Để khắc phục, Truyền tải điện Thái Nguyên đã thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện xã hội hóa bảo vệ đường dây. Hàng quý, các đơn vị đều cử người về tận các thôn, bản tuyên truyền vận động nhân dân không đốt rẫy gần đường dây điện, không dùng súng cao su, ná, súng hơi bắn vào sứ cách điện, không xây dựng các công trình, trồng cây trong hành lang tuyến.

Cùng với việc phát tờ rơi, các anh còn nhờ già làng, trưởng bản tổ chức bà con tập trung để nghe tuyên truyền, giải thích về sự nguy hiểm khi có sự cố sạt lở cột móng, không chỉ làm tổn hại kinh tế mà có thể gây tai nạn cho con người. Các anh còn phát triển hệ thống cộng tác viên tại các thôn bản, dán số điện thoại trên cột điện để khi có sự cố bất thường, bà con báo cho đơn vị xử lý ngay, đồng thời ký cam kết với các địa phương bảo vệ đường dây.

Việc phối kết hợp giữa đơn vị với công an và chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền được triển khai rất nghiêm túc. Việc khoán quản cột điện cho từng người làm cho anh em có ý thức hơn.

Vất vả là thế nhưng anh em ai cũng yêu nghề. Anh Lâm chia sẻ: Chỉ mong lần sau được đón nhà báo trong trụ sở khang trang hơn. Hiện chưa có kinh phí nên nhà cửa còn quá lụp xụp, muốn mua bộ bàn ghế cũng chẳng biết kê vào đâu. Chỉ mong Chính phủ cho nâng giá phí truyền tải lên để các anh có thêm nguồn trang trải.


  • 23/11/2012 02:45
  • Theo Báo Công Thương
  • 2279


Gửi nhận xét