Những người tôi gặp ở Đồng Văn

Đã xem, đã nghe trên báo đài về cái khó, cái khổ của thợ điện và các thầy cô giáo trên miền địa đầu Tổ quốc – huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang – tôi băn khoăn tự hỏi, động lực nào giúp họ gắn bó với vùng sơn cước hiểm trở này, cho đến khi tận mắt chứng kiến cuộc sống và công việc của những con người đáng kính trọng ấy...

Chỉ có con đường độc đạo để vào thôn Sủng Khủa B, xã Vần Chải. Nghe nói, nó rất khó đi, giống như men theo sườn núi, càng lên càng cao chót vót.

Mới đầu, tôi chưa thật tin lắm vì trước mặt UBND xã là con đường bê tông không đến nỗi nào. Thế nhưng, chỉ ít phút sau, cung đường đá ghồ nghề, khúc khuỷu hiện ra.

Đường càng lúc càng khó hơn, rất hẹp mà lại dốc và nhiều đá lởm chởm. Tôi ngồi sau xe máy của Phó chủ tịch xã – Hầu Mí Lỳ. Một bên là vách cao, một bên là thung sâu. Lúc ấy, đầu bỗng nghĩ dại, nếu sơ xẩy mà rơi xuống thì chỉ có chết mà cũng không biết đưa lên bằng cách nào.

Lỳ lái xe, khi chống chân bên này, lúc chống chân bên kia để giữ thăng bằng. Tôi bảo, chỗ nào khó cứ để tôi xuống cuốc bộ nhưng Lỳ nhất quyết không chịu!

Vậy mà, trong hơn một tiếng đồng hồ vật lộn với "con đường đau khổ", tôi cũng phải 3 lần xuống đi bộ mới đến được Điểm trường Mầm non và Tiểu học thôn Sủng Khủa B. Ai nấy toát mồ hôi hột như giữa mùa hè, dù đều phải mặc áo ấm.

Điểm trường này có 2 căn nhà cấp 4, lợp ngói prôximăng. Nơi đây vẫn chưa có điện. Mỗi căn nhà có ba gian, vừa làm lớp học, vừa bao gồm cả nơi ở của thầy cô.

Trong 4 thầy cô đang cắm bản, có 1 đôi đã nên vợ nên chồng. Thầy quê ở Phú Thọ, còn cô ở Bắc Kạn. Họ đã có một con trai nhưng phải gửi về cho ông bà nội, vì ở đây, nhỡ cháu ốm đau thì biết chạy chữa ở đâu, bạn bè cũng không có bởi xung quanh chẳng có nhà dân nào.

Vừa qua, Công ty Điện lực Hải Dương thực hiện chương trình từ thiện Vì người nghèo tại huyện Đồng Văn (Hà Giang) với tổng giá trị trên 80 triệu đồng, từ nguồn quyên góp của cán bộ, công nhân viên. Quà tặng bao gồm: Áo ấm, sách vở, bút và tiền mặt.

Tặng quà cho các cháu học sinh và các hộ nghèo ở Sủng Khủa B xong, chúng tôi nhanh chóng rời đi vì đã quá trưa.

Trên đường về, mới sực nhớ còn rất nhiều điều chưa kịp hỏi, ví như, điện chưa có vậy các thầy cô nạp pin điện thoại thế nào, đồ ăn lưu giữ ra sao khi cả tuần mới ra điểm trường xã họp rồi tranh thủ đi chợ, nơi này không có nước thì tắm giặt, nấu nướng làm sao, và nhất là, ngoài giờ lên lớp với học sinh thì các thầy cô chẳng có phương tiện thông tin gì khác ngoài sóng điện thoại khi đầy khi vơi...

Bao câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu, nhưng câu hỏi lớn nhất là vì cái gì mà thầy cô bám trường bám lớp được, nếu không phải là lương tâm nghề nghiệp, trách nhiệm và tình thương với lũ trẻ quanh năm chân đất, quần áo thiếu thốn, khuôn mặt lúc nào cũng ngơ ngác, xa xăm.

Các thầy cô thì vậy, còn thợ điện tuy không phải ở lại những điểm bản đó, nhưng đi lại trên những cung đường như vào Sủng Khủa B thì lại là thường xuyên, và như vậy các anh còn thêm mối nguy hiểm nữa đó là dốc đá, vực sâu hiểm nguy luôn rình rập.

Anh Thắng - Phó giám đốc Điện lực Đồng Văn cho biết cả Điện lực có 1 ô tô con (SUZUKI) bán tải, anh em đi làm hầu như toàn xe máy, đi nhiều tới mức chưa đến một tháng đã phải thay guốc phanh rồi, lốp và xích thì lâu hơn một chút. Xăng xe đi cũng tốn hơn nhiều bởi hầu như đi số thấp ga to nên định mức xăng xe chẳng thấm tháp gì.

Được biết, từ năm 2016, người công nhân lao động trực tiếp trong Tập đoàn sẽ được thanh toán toàn bộ xăng xe, anh em ai cũng vui mừng, phấn khởi và chờ đợi. Bởi đó là điều chính đáng.

Rời Vần Chải sang xã Ma Lé, đi cùng chúng tôi đến thôn Ngải Trồ có anh Trọng - Trưởng phòng Kinh doanh Điện lực Đồng Văn. Trọng quê ở Hà Nam, ra trường nhận công tác tại Điện lực Đồng Văn. Khi Tập đoàn bàn giao viễn thông cho Viettel, Trọng phải đi học thêm văn bằng 2 chuyên ngành điện.

Vợ anh Trọng - cô giáo Xuân - dạy học tại Điểm trường Ngải Trồ, cách nhà ở của 2 vợ chồng gần 30 km (thị trấn Đồng Văn). Ngày nào cũng vậy, hơn 5 giờ sáng, chị Xuân đã phải rời nhà, đi xe máy trên 20 km đến điểm trường xã. Từ đó, chị để xe lại, rồi đi bộ mất hơn 1 giờ đồng hồ trên quãng đường gập ghềnh khoảng 5 km nữa mới tới lớp và bắt đầu "gieo chữ".

Bữa trưa, các cô hầu như chỉ ăn gói mỳ tôm, đến 3 giờ chiều kết thúc buổi học, lại đi bộ ra điểm trường xã lấy xe về. Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa gió rét buốt thì chỉ khi mẹ về đến nhà bố con anh Trọng mới hết lo lắng.

Để giúp vợ hoàn thành nhiệm vụ, anh Trọng gần như vừa là bố, vừa là mẹ của các con. Việc nhà vất vả là vậy, việc cơ quan cũng chẳng kém gì.

Mặc dù là đơn vị kinh doanh nhưng chẳng có lãi, nhiệm vụ chính trị là chủ yếu. Cả Điện lực một tháng mới có gần một triệu kWh, bởi ở bản người dân sử dụng điện rất ít, nhiều nhà mỗi tháng chỉ vài số điện.

Theo quy định, công tơ lên 5 số/tháng là phải lập hóa đơn rồi nên nhiều hóa đơn tiền điện không bù nổi tiền công thuê dịch vụ xã thu. Từ thực tế đó, anh Trọng cho biết, sẽ hợp lý hơn nếu quy định từ 10 số trở lên hãy lập hóa đơn, vừa đỡ vất vả cho công nhân và ngành Điện cũng đỡ tốn kém chi phí thuê dịch vụ.

Ngẫm đi ngẫm lại, những người giáo viên với tình thương và tinh thần trách nhiệm đã hy sinh rất nhiều lợi ích của bản thân để gieo chữ cho con em 23 dân tộc thiểu số trong Huyện, thậm chí có người không có được cả tình yêu đôi lứa, nhưng vẫn bám lớp bám trường. Tại sao họ có thể làm thế, nếu không phải là để giữ người?.

Còn người thợ điện không chỉ nguy hiểm với loại "hàng hóa đặc biệt" của mình mà còn thêm nguy hiểm vì luôn đi trên cung đường hiểm trở có thể tai nạn bất cứ khi nào, trong khi đó hiệu quả kinh doanh lại không cao. Vì sao họ vẫn yêu nghề đến vậy? chắc chỉ còn là nhiệm vụ chính trị cao cả - giữ đất - mà thôi.

Khi trở về thành phố Hà Giang trên con đường Hạnh phúc - con đường mà lớp lớp thanh niên bao năm trước của các tỉnh miền núi phía Bắc đã xây dựng nên - tôi như vẫn nhìn thấy phía sau dãy núi trùng trùng điệp điệp ấy là những ánh mắt đầy hy vọng của dân bản đối với các thầy cô giáo và những người lính áo cam mang ánh sáng đến cho bản làng...


  • 27/01/2016 02:58
  • Vũ Văn Hãn
  • 1045


Gửi nhận xét