Theo những câu chuyện truyền thuyết, thành phố cổ Heracleion là một vùng đất thịnh vượng, trù phú. Tuy vậy, thành phố này đã bị nhấn chìm xuống biển sâu vào khoảng 1.500 năm trước.
Câu chuyện về thành phố Heracleion chưa bao giờ được khẳng định chắc chắn bởi giới sử học không có bất cứ một bằng chứng nào đủ sức nặng minh chứng cho sự tồn tại của một thành phố mang tên Heracleion, dù thành phố này thường được nhắc tới trong các sử liệu cổ xưa.
Mọi việc chỉ thực sự sáng tỏ khi các nhà khoa học bất ngờ tìm thấy những món đồ khảo cổ quan trọng tại vùng biển Địa Trung Hải, nơi trước đây từng tồn tại thành phố Heracleion.
Thông tin về các hiện vật khảo cổ vĩ đại này thực tế đã được phát hiện từ năm 2001 bởi nhóm các nhà khảo cổ người Pháp. Tuy vậy, phải mất tới hơn một thập kỷ sau, các nhà khoa học mới đưa được những hiện vật này lên khỏi mặt nước. Vào đầu tháng 6/2013, công việc trục vớt những cổ vật mới thực sự được hoàn tất.
Một nhà khảo cổ đang đo đạc phần đế của một bức tượng bằng đá granit đỏ khổng lồ nằm ở Vịnh Aboukir của Ai Cập.
Khó khăn lớn nhất trong quá trình trục vớt những hiện vật này là kích thước của chúng quá lớn, khối lượng quá nặng và nằm rải rác dưới đáy biển. Sau 12 năm nghiên cứu nhiều phương án, cuối cùng những món cổ vật này đã được trục vớt thành công và đưa ra cho công chúng cùng chiêm ngưỡng.
Những món đồ được tìm thấy bao gồm một số bức tượng khổng lồ khắc họa các vị thần Ai Cập và một vị Pha-ra-ông, bên cạnh đó là những bức tượng nhỏ hơn khắc họa những người làm nhiệm vụ trông coi, chăm nom các ngôi đền thờ. Tất cả các bức tượng và bia đá đều ở trạng thái hoàn hảo nhờ có lớp bùn dưới đáy đại dương bảo vệ.
Những gì mà các nhà khảo cổ vừa tìm thấy sẽ đóng góp to lớn vào kho tàng kiến thức của nhân loại về một thế giới cổ xưa cách chúng ta hàng ngàn năm. Trong số những cổ vật được trục vớt lần này có cả những tấm bia vẫn còn ở trạng thái hoàn hảo với những dòng chữ tượng hình vẫn còn rõ nét. Nếu giải mã được, chúng ta sẽ có thể biết được rất nhiều điều bí mật về cuộc sống của những cư dân Ai Cập cổ xưa.