Phòng truyền thống: Cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai

Việc xây dựng và đưa vào hoạt động các phòng truyền thống ở các đơn vị ngành Điện mang một ý nghĩa thực tiễn. Phát huy tốt chức năng của phòng truyền thống chính là thực thi văn hóa EVN đồng hành với sự phát triển mạnh mẽ của ngành Điện, tạo cầu nối bền vững giữa quá khứ hiện tại và tương lai.

Một khu vực trưng bày tranh ảnh, hiện vật tại Phòng truyền thống PC Bình Định - Ảnh sưu tầm.

Năm 1995, Đảng bộ Điện lực Bình Định đón nhận 1 tin vui: Tỉnh ủy Bình Định giao Công ty Điện lực Bình Định thành lập nơi tưởng niệm đồng chí Lê Xuân Trữ - Bí thư chi bộ Nhà máy đèn - tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên tại Bình Định (tháng 3/1930). Bàn thờ tưởng niệm có thể đặt tại Phòng truyền thống của Điện lực Bình Định. 

Thế là Phòng truyền thống Công ty Điện lực Bình Định bắt đầu được xây dựng từ ý tưởng ấy. Phòng truyền thống trở thành nơi sưu tập, lưu giữ một số hình ảnh tài liệu lịch sử quý hiếm của thời kỳ đầu thành lập cơ sở cách mạng của Đảng tại Bình Định, cũng là nơi tưởng niệm đồng chí Lê Xuân Trữ - người công nhân kỹ thuật của Nhà máy đèn thời Pháp thuộc, Bí thư chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Đảng bộ. Phòng truyền thống cũng đã tập hợp được những hình ảnh, tư liệu, hiện vật của Sở Quản lý và phân phối điện Nghĩa Bình từ ngày tiếp quản Ty Điện lực của Ngụy quyền năm 1975, thể hiện hoạt động điện lực qua các nhiệm kỳ của lãnh đạo, công đoàn với những thành tích khen thưởng của đơn vị và CBCNV đến nay.
 
Như vậy, ngoài chức năng lưu trữ tư liệu, hình ảnh, hiện vật, biểu đồ phát triển, các hình thức khen thưởng của CBCNV và hoạt động điện lực, hoạt động công đoàn gần 40 năm qua, hình ảnh và quá trình hoạt động của đồng chí Lê Xuân Trữ, người thợ điện “hạt giống đỏ cách mạng” trong lòng Nhà máy đèn của Pháp, đã trở thành linh hồn của phòng truyền thống Công ty Điện lực Bình Định từ đó.
 
Trong sổ vàng truyền thống, những dòng lưu niệm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định, lãnh đạo Tập đoàn, Công đoàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam, lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Trung và các đơn vị điện lực trong cả nước đều bày tỏ cảm xúc, lòng ngưỡng mộ với người cộng sản đầu tiên của Bình Định - một công nhân kỹ thuật điện. Những dòng lưu niệm cũng chia sẻ với CBCNV Công ty Điện lực Bình Định về niềm tự hào trong quá trình xây dựng và trưởng thành 40 năm qua, với thành tích nỗ lực đưa điện về thắp sáng quê hương Bình Định, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
 
Đặc biệt, khi biết tin cha ruột của mình là liệt sĩ Lê Xuân Trữ được ngành Điện Bình Định lập bàn thờ tưởng niệm tại phòng truyền thống, ông Lê Xuân Tùng – con trai của liệt sĩ, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội đã cùng gia đình nhiều lần vào thăm phòng truyền thống của Công ty Điện lực Bình Định, bổ sung một số tư liệu quý về lịch sử Chi bộ Nhà máy đèn và hoạt động của người cha sớm tham gia phong trào cách mạng tại Bình Định
 
Đã có hơn 90 đảng viên trẻ của Đảng bộ Công ty Điện lực Bình Định được kết nạp tại chính phòng truyền thống này, đã có hàng ngàn lượt đoàn thanh niên các đơn vị trong, ngoài tỉnh và các trường học trên địa bàn đến tham quan, bổ sung bài học lịch sử tại phòng truyền thống như một “địa chỉ đỏ” và tưởng niệm người con ưu tú của ngành Điện.
 
Như vậy, chức năng của phòng truyền thống Công ty Điện lực Bình Định ngày nay sáng lên một ý nghĩa đặc biệt: Chức năng giáo dục. Không chỉ là nơi lưu giữ, trưng bày các hình ảnh, hiện vật, quá trình phát triển và thành tích thi đua mà là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nghề và tự hào về ngành Điện Việt Nam. Người lao động đến với phòng truyền thống để tự soi mình vào dòng chảy của lịch sử cách mạng để không ngừng phấn đấu và hoàn thiện.


  • 20/01/2015 09:41
  • Nguồn bài và ảnh: TCĐL Chuyên đề QL&HN tháng 11/2014
  • 3082


Gửi nhận xét