Đau đầu nghĩ “hàng tặng kèm”
“Phong bì” là lựa chọn hàng đầu của đa số phụ huynh. “Ngày chưa có con, ghét nhất là nghe các chị bàn chuyện đi phong bì cho cô dịp lễ tết. Nhớ hồi còn bé, ngày 20/11 cả lớp mua cân cam với bó hoa đến nhà cô chơi, cô ngồi cắt cam cho ăn, lại còn tốn thêm bánh kẹo, vui tưng bừng. Sau này về thăm thầy, cô giáo cũ cũng chỉ hoa hoặc một món quà nhỏ. Vì vậy, suốt một thời gian dài tôi vẫn nghĩ rằng tình cảm cô trò phải trong sáng không nhuốm mùi... phong bì. Nhưng bây giờ có con, rồi con đi học, thì không khác được, không dám “đột phá”, đi ra ngoài quỹ đạo chung nữa” - chị Thanh Hoa nói lý do lựa chọn “phong bì” là món quà chính cho các cô giáo ở lớp mầm non của con.
Ảnh minh họa
|
Chị Lan Anh lại có giải thích khác cho cái phong bì: “Với các cô giáo của cháu đầu, tôi cũng hay tặng quà. Nhưng sau đó nghĩ các cô những ngày này quà cáp nhiều không dùng hết, có khi còn đem cho bớt, nên tôi quy ra phong bì cho gọn”.
Còn chị Thu Hà cho biết, nhiều khi muốn mua quà gì đó tặng cô, nhưng nếu mua quà rẻ tiền cũng ngại, mua món quà đắt thì quá “quota”, nên đành đi phong bì. “Cô nào thân thiết mua quà tặng, cô “bình thường” tặng phong bì” là chủ trương của chị Tuyết Mai đối với các cô giáo của hai cậu con trai lớp 7 và lớp 10.
Tuy nhiên, chỉ mỗi cái phong bì thì các phụ huynh cũng thấy có vẻ hơi thiếu. Vì vậy, không ít phụ huynh tìm quà tặng kèm sao cho vừa lịch sự, vừa thiết thực, giá cả vừa phải... vì “nội dung” chủ yếu là ở phong bì rồi. Những lựa chọn thường là: Hóa mỹ phẩm như dầu gội đầu, sữa tắm, son... Hoặc hoa, khăn quàng, tất...
Qua trò chuyện với cô giáo lớp 3 của con, biết cô cũng thích những đồ trang trí trong nhà, năm nay chị Ngọc Hương đã bỏ công tìm được bộ bát đĩa bằng gốm khá độc đáo. “Chắc chắn cô sẽ thích” - chị Hương hào hứng.
Chị Hà An thì cho biết “Cô giáo chủ nhiệm lớp của con trai bằng tuổi, chúng tôi khá hợp chuyện. Thấy cô cũng khá “điệu”, thích những món đồ nữ trang xinh xắn, nên lần đi công tác Hàn Quốc gần đây tôi đã mua một số món, không quá đắt tiền nhưng độc và đẹp, để tặng cô dịp 20/11 lần này”.
Những món đặc sản quê như cá thu nướng, tôm nõn... là lựa chọn của một số phụ huynh cầu kỳ khác.
Quà tặng không bằng cách tặng
“Có năm con mới học lớp 2, dịp 20/11 cả hai vợ chồng đi công tác nên nhờ bà ngoại lo chuyện quà cáp cho cô. Bà ở nhà cũng cẩn thận mua bưu thiếp để cùng vào phong bì, đưa cho cháu mang đến lớp tặng cô vì bà không đi xe máy được, trường cháu học lại xa (cháu đi học bằng xe của trường). Buổi tối, cháu mang phong bì tiền về trả lại bà, bảo là cô gửi lời cảm ơn nhưng cô chỉ nhận bưu thiếp. Sau lần đó mình cứ áy náy với cô mãi, sợ cô nghĩ rằng phụ huynh không tôn trọng. Từ đó mỗi lần tặng quà cho cô tôi đều đến gặp, đưa tận tay” – đây là chia sẻ của chị Ngọc Yến (Hà Nội), có con đang học lớp 5.
Chị Hoàng Hà cho biết: “Tôi bao giờ cũng mua cái bưu thiếp kẹp vào giữa, để các con ở lớp không nhìn thấy. Tôi cũng chờ con đi vào trong lớp rồi mới gửi cô. Ở nhà, chúng tôi cũng không bao giờ nói chuyện này trước mặt con cả”.
Lý giải cho sự giữ kẽ trước mặt con trẻ, chị Hà cho biết chị không muốn con mình và các bé khác trong lớp nhìn thấy bố mẹ đưa cô phong bì. “Chỉ sợ rằng các cháu còn nhỏ, chưa hiểu hết ý nghĩa của việc tặng quà, rồi nghe người này người kia nói lại nghĩ việc đưa - nhận phong bì là bình thường, hoặc các con lại nói chuyện linh tinh với nhau về cô giáo. Tôi dị ứng nhất với các bà, các mẹ đưa hoặc đón con mà tay lăm lăm cái phong bì, rồi thản nhiên đưa cô trước mặt con trẻ”.
“Tặng gì thì tặng, nhưng cả người tặng và người nhận phải có cái tâm” - chị Hà kết luận. “Món quà, nhưng kèm theo đó phải là sự biết ơn chân thành với người đã thay mình dạy dỗ, chăm sóc con. Còn với người nhận, tôi cũng mong rằng dù món quà là gì cũng nên trân trọng, đừng để mắt hay yêu quý học sinh mà phụ huynh có quà to nhiều hơn so với các bé khác”.