Khi phải đối diện với các vấn đề liên quan đến tính cách của nhân viên, các lãnh đạo thường có hai hướng giải quyết. Một là đối đầu dẫn đến thái độ thù nghịch ngày càng leo thang, hoặc mặc kệ và để tình hình tồi tệ hơn.
Thay vì cứng nhắc áp dụng các quy định, bạn có thể sử dụng vài cách mềm dẻo hơn để hướng nhân viên theo cách có lợi cho bản thân họ, đồng nghiệp và công ty.
Sau đây là đặc điểm của 5 kiểu nhân viên khó chịu nhất mà Tiến sĩ Judith Orloff, giáo sư ngành Tâm thần học tại Đại học UCLA (Mỹ) đã gặp phải và một số giải pháp để quản lý hiệu quả mà ông đưa ra.
Với những kiểu nhân viên "khó chịu", nếu bạn không khéo xử lý, có thể họ sẽ là nguyên nhân khiến cho bạn và các đồng nghiệp khác trong công ty "phát điên".
|
1. Nhân viên tự kiêu
Nhân viên tự kiêu hay thổi phồng tầm quan trọng của mình, khao khát sự chú ý và khen ngợi. Họ tự cao và thiếu năng lực đồng cảm với người khác. Họ sẽ không quan tâm những gì người khác đang cảm thấy và đó là một nhược điểm rất lớn tại nơi làm việc.
Nói thẳng với họ rằng hành vi của họ làm cho người khác cảm thấy khó chịu, hoặc việc đó gây thiệt hại cho công ty là cách tiếp cận hiệu quả với hầu hết nhân viên. Nhưng với những người này thì không. Những người tự kiêu rất nhạy cảm với những lời chỉ trích và có khả năng phản ứng mạnh mẽ.
Nếu bạn muốn giữ những người này và muốn họ cống hiến cho công việc, bạn phải đưa ra những lợi ích đi kèm với trách nhiệm. Đó là thứ duy nhất khiến họ chú ý và đánh giá cao.
Người tự kiêu đóng vai trò gì trong công ty? Điều thú vị là họ sẽ làm tốt khi nắm giữ các vị trí quyền lực, bởi vì họ rất nghiêm túc với thành quả công việc và đánh giá cao quyền lực. Sự thực là, hầu hết những người có tố chất lãnh đạo đều có chút tự kiêu.
2. Nhân viên thụ động
Họ hứa hẹn sẽ giúp bạn hoàn thành dự án nhưng sau đó thì không. Hoặc họ sẽ xuất hiện vào 15 phút cuối. Thụ động gây hấn là một hình thức của sự tức giận gián tiếp. Chắc bạn sẽ muốn thử tìm hiểu lý do khiến họ tức giận và cố gắng giải quyết vấn đề. Nhưng đừng làm vậy, vì đó là một dạng rối loạn tính cách, nên bạn phải tính toán cẩn thận.
Cách duy nhất là nói rõ những gì bạn cần từ họ và khi nào là thời hạn hoàn thành. Ví dụ như: Tuần này có việc A, B, C cần làm và phải báo cáo hằng ngày, phải hoàn thành vào cuối tuần. Một điều cần chú ý là phản ứng của riêng bạn với những người này. Họ sẽ khiến cho bạn “tiến thoái lưỡng nan”, khiến bạn cảm thấy vô dụng vì không kiểm soát được tình hình và không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Họ có thể kiểm soát bạn mà bạn không hề biết.
Làm thế nào để bạn đối phó với các nhân viên này? Không giống như nhân viên tự kiêu, nhân viên kiểu này có khả năng đồng cảm. Họ cũng muốn thăng tiến trong môi trường làm việc và bạn có thể sử dụng cả hai đặc điểm này để thúc đẩy họ. Chủ yếu là bạn phải đặt kỳ vọng rất rõ ràng cho họ.
Bạn cần kiểm soát chặt chẽ tiến độ công việc của những người này.
3. Nhân viên nhiều chuyện
Văn phòng nào cũng sẽ có một số nhân viên thích nhiều chuyện. Nhưng nếu một trong những nhân viên của bạn thường xuyên nói xấu về bạn, nói xấu những người khác trong công ty và gây ra mâu thuẫn nội bộ thì đó là hành vi phá hoại và bạn cần phải giải quyết chuyện này.
Bước đầu tiên để đối phó với một tin đồn là đừng quan tâm đến nó. Không tham gia nói xấu người khác (vốn là việc không dễ làm). Quan trọng hơn, cố gắng giữ mình tránh xa mong muốn tự nhiên của con người là biết chính xác những gì mọi người đang nói về bạn, hoặc cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người. Cả hai việc này chắng có ích gì cả.
Giải pháp tốt nhất là gọi những nhân viên này vào nói chuyện trực tiếp, giải thích rằng việc nhiều chuyện không ích lợi gì cho môi trường làm việc. Thu hút sự chú ý của họ sẽ giúp ngăn chặn họ tiếp tục lan truyền những tin đồn ác ý. Nếu bạn thẳng thắn trao đổi với nhân viên và giải thích lý do tại sao những tin đồn này gây hại cho công ty, thì nhân viên sẽ có lý do chính đánh để không muốn tham gia vào việc đồn thổi những chuyện khó tin.
Về mặt tích cực, những người nhiều chuyện thường có kỹ năng giao tiếp và làm việc với người khác khá tốt. Họ thích trò chuyện, vì vậy bạn có thể phân công cho họ một công việc giúp họ phát huy khả năng này, như bán hàng chẳng hạn.
4. Nhân viên hay nổi giận
Một số người đối phó với những căng thẳng tại nơi làm việc bằng cách buộc tội đồng nghiệp về những hành động xấu của họ, lớn tiếng với những người khác và không ngần ngại thể hiện sự bực bội và tức giận. Đây là một trong số những kiểu nhân viên khó khăn nhất mà bạn sẽ phải đối phó.
Dù gì thì bạn cũng đừng để họ tiếp diễn tình trạng này. Đó là những hành vi không thể chấp nhận. Họ phải hiểu rõ giới hạn của mình. Những cơn giận phá hủy tâm trạng tích cực cũng như các mối quan hệ tại nơi làm việc. Tệ hơn, nó sẽ dẫn đến những hành vi bạo lực thiếu kiểm soát.
Ở vai trò lãnh đạo, bạn phải luôn hiểu rõ tác hại của việc giận dữ và thường xuyên học cách kiểm soát nó hoặc phải có ai đó thuộc bộ phận nhân sự thường xuyên nhắc nhở bạn. Hãy tạo điều kiện để những nhân viên nóng tính này được tư vấn tâm lý và trò chuyện thẳng thắn về các vấn đề mà họ đang gặp phải. Một công ty luôn trong tình trạng căng thẳng là một công ty không thể phát triển nhanh.
5. Nhân viên thích đổ lỗi
Những người này luôn khiến cho người khác cảm thấy có lỗi vì đã làm điều gì đó sai trái với họ. Bất kỳ điều gì không tốt xảy ra cho họ, họ đều quy trách nhiệm cho người khác.
Để đối phó với những nhân viên này, bạn cần nói rõ cho họ biết những lời nhận xét và quan điểm của họ là không đúng với tình hình thực tế cũng như ảnh hưởng xấu đến đồng nghiệp trong công ty. Những người này hoàn toàn yếu kỹ năng giao tiếp cũng như không quan tâm đến cảm nhận của người khác.
Ngoài ra, thay vì chỉ đạo “phải làm thế này, phải làm thế kia” bạn nên dùng những câu như “Tôi nghĩ anh/chị nên làm cách này tốt hơn”, “Anh, chị nghĩ nên làm thế nào?” để cho họ lựa chọn và chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình. Những người này chỉ thích hợp làm những công việc độc lập mà thôi. Đưa họ vào nhóm chỉ gây thêm bất đồng và chia rẽ.