Để vượt qua áp lực công việc

Trong bốn năm qua, trường đại học Everest ở Washington đã tiến hành khảo sát về áp lực công việc nhằm tìm ra những vấn đề đang đè nặng lên người lao động. Các yếu tố gây stress hàng đầu đã được chỉ ra: Lương thấp, đi lại nhiều, khối lượng công việc lớn và các đồng nghiệp khó chịu.

Chúng ta thừa nhận rằng lương thấp hay một khối lượng lớn công việc là những vấn đề gây căng thẳng. Việc phải di chuyển nhiều cũng không có lợi cho sức khỏe của bạn. Những đồng nghiệp luôn tỏ ra tỏa sáng tại các cuộc họp công ty, nhưng thực chất lại không đảm đương được công việc, thực sự khiến bạn bất bình. Nhưng đằng sau những sự thất vọng ấy, chúng ta cần suy nghĩ về câu hỏi: Áp lực công việc có hoàn toàn gây hại? Và làm thế nào để vượt qua những khủng hoảng căng thẳng khi làm việc?

Thực tế, áp lực chính là điều thúc đẩy công việc tốt hơn. Điều gì đánh thức bạn dậy vào sáng sớm, thúc đẩy bạn hoàn thành nhiệm vụ và đưa bạn tới thành công? Đó chính là áp lực công việc (thời hạn hoàn thành, các đề xuất công việc, chi phí hạn chế... ).

Quan điểm này không nhằm tìm cách loại bỏ hoàn toàn căng thẳng trong công việc mà đi theo hướng khai thác mặt tích cực của áp lực công việc. Khi bạn có thể sử dụng tất cả các nguồn lực để đối phó với sự căng thẳng, bạn hoàn toàn có thể khống chế những mệt mỏi, chán nản.

Sự nghiệp chính là một trong những khía cạnh quan trọng trong cuộc sống của bạn. Bạn có sự gắn bó với công việc và nên thấy thoải mái, vui vẻ với những điều mình làm. Nếu bạn cứ mong đợi rằng công việc thật dễ dàng, bạn sẽ sớm thất vọng. Nhưng nếu bạn chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với những áp lực, thì đó sẽ là một câu chuyện khác.

Dưới đây là cách khiến áp lực công việc tạo ảnh hưởng tốt tới công việc của bạn:

Biến điều tiêu cực thành hành động

Thay vì ngồi phàn nàn về những khó khăn trong công việc, hãy học cách làm chủ những việc bạn có thể thực hiện tốt. Thực tế, công việc luôn ngổn ngang, và cách tốt nhất là bạn hãy học cách để giải quyết chúng. Nếu bạn cố né tránh các khó khăn, hoặc có thái độ tức giận, chán nản về điều đó, chắc chắn bạn sẽ không có động lực tinh thần để thúc đẩy công việc và tạo nên sự thay đổi tốt hơn cho cuộc sống của bạn.

Tôi biết câu chuyện về một nữ giáo viên, cô phát hiện ra rằng đồng lương của cô ít hơn so với các đồng nghiệp nam, mặc dù khối lượng công việc là như nhau, và đáng nói là cô có trình độ hơn hẳn. Cô đã tranh đấu vì đồng lương trong suốt sáu năm và tới khi giảng dạy tại một trường học khác, cô đã nhận được mức lương mong muốn. Tất nhiên, không dễ chịu khi cô phải từ bỏ công việc thân quen với những đồng nghiệp và học sinh dễ mến. Nhưng bất lợi về tài chính và sự bất công trong trường hợp của cô là quá nhiều, vì vậy cô đấu tranh và chuyển việc.

Ảnh minh họa.



Biết mục đích của bạn - giá trị của bạn 

Nữ giáo viên trong câu chuyện trên biết rõ những điều cô làm, và cô biết rõ giá trị của mình. Cô ấy nhận thức được trách nhiệm của bản thân, điều gì cô ấy có thể thay đổi, và đâu là thời điểm thích hợp để ra đi. Cô ấy có đủ thông tin và nền tảng khi đưa ra quyết định tranh đấu khó khăn và mạo hiểm.

Hãy suy nghĩ về việc: Tại sao bạn lại đang làm công việc này? Điều gì truyền cảm hứng cho bạn khi làm viêc ? Bạn có đang nỗ lực để hỗ trợ gia đình không? Hãy tìm ra nguồn gốc các vấn đề và bạn sẽ có đủ động lực để vượt qua những khắc nghiệt ở nơi làm việc.

Bạn cũng cần đặt câu hỏi: Liệu bạn có biết những giá trị của bản thân trong công việc? Bạn có thể đóng góp, cống hiến điều gì cho công ty? Làm thế nào để có thể sử dụng một cách tốt nhất khả năng của bạn? Thực tế, nếu bạn không thể khẳng định giá trị bản thân trong công việc thì đó cũng là một phần lý do tại sao bạn bị căng thẳng và áp lực quá nhiều.

Hướng tới những gì bạn mong muốn 

Trong công việc sẽ luôn có thời hạn hoàn thành và một vài đồng nghiệp khó chịu, luôn có những điều phải nỗ lực tranh đấu. Và cũng có một số việc, bạn chỉ đơn giản là bỏ qua nó để thấy nhẹ nhàng hơn. Không bận tâm tới những điều khiến bạn khó chịu chính là quyết định khôn ngoan, khi đó bạn sẽ có đủ tâm trí để hướng tới những điều bạn mong muốn.

Stress là một phần của công việc. Không chỉ đối phó, hãy học cách làm chủ áp lực công việc của bạn.


  • 28/05/2014 10:53
  • Minh Hạnh (biên dịch theo www.ceo.com)
  • 1525


Gửi nhận xét