Thực thi trách nhiệm xã hội - Doanh nghiệp không thể mơ hồ (Phần 1)

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR - Corrporate Social Responcibility) là một vấn đề mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết các doanh nghiệp nhận thức về CSR còn rất mơ hồ.

(Ảnh minh họa)

Bản chất của việc thực hiện CSR và ý nghĩa sống còn của nó đối với doanh nghiệp hiện vẫn chưa được doanh nghiệp và những người quản lý nhận thức một cách đúng đắn và đầy đủ.

Doanh nghiệp Việt Nam và những đóng góp cho nền kinh tế

Doanh nghiệp là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế. Đối với nền kinh tế Việt Nam, cùng với sự chuyển đổi về cơ chế kinh tế đã dẫn đến những thay đổi quan trọng trong hoạt động kinh tế theo hướng xã hội hoá, tăng tính chủ động và quyền tự quyết của doanh nghiệp.

Trong hơn 10 năm qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã phát triển rất nhanh và trở thành một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Theo thống kê gần đây, cả nước hiện có trên 500.000 DNNVV, chiếm tới 96% số lượng doanh nghiệp, tạo ra 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nếu tính cả 133.000 hợp tác xã, trang trại và các hộ kinh doanh cá thể thì khu vực này đóng góp vào tăng trưởng tới 60% GDP.

Là khu vực kinh tế năng động, hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp tư nhân (DNTN) khá cao so với các khu vực khác. Mức tăng doanh thu thuần của DNTN là 15 lần, trong khi DNNN tăng 3,6 lần; doanh nghiệp FDI là 5,8 lần. Các DNTN có thể tăng lợi nhuận lên gấp 26 lần trong vòng tám năm so với mức tăng là 5,8 lần tại các DNNN và 4,8 lần tại các doanh nghiệp FDI. Kinh tế tư nhân cũng là khu vực phát triển nhanh, tạo ra nhiều việc làm và có tốc độ tạo ra việc làm lớn nhất so với các thành phần kinh tế khác. Tính chung, hiện các doanh nghiệp này sử dụng trên 50% lao động xã hội.

Về hoạt động nhân đạo, nhiều công trình nghiên cứu xác định rằng hoạt động từ thiện đang gia tăng ở Việt Nam và nhiều triển vọng tốt đẹp tiếp tục với xu hướng này trong tương lai. Các công ty cho biết rằng, họ cảm thấy có trách nhiệm “phải làm điều thiện” đối với cộng đồng nơi họ đang hoạt động kinh doanh. Đồng thời, họ cũng muốn các hoạt động từ thiện theo hướng có chiến lược hơn. Thực tế, nhiều công ty hoạt động từ thiện còn phân tán và dường như thiếu một chủ đích rõ ràng ngoài niềm tin và giá trị cá nhân của một hay vài nhân vật điều hành...

Những vấn đề nảy sinh

Song song với những đóng góp tích cực thì hoạt động của nhiều doanh nghiệp cũng gây ra những tác động không tốt về mặt xã hội.

Cụ thể, trong mối quan hệ với khách hàng, người tiêu dùng, bức thiết nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2010, Vinastas đã tiếp nhận tới 500 hồ sơ khiếu nại của NTD; trong đó có tới 62% số NTD mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng (trên thực tế, số vụ vi phạm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bị phát hiện còn vượt xa so với số vụ khiếu nại của người tiêu dùng).

Trong quan hệ với người lao động, tình trạng bất bình dẫn đến đình công đã trở nên phổ biến và ngày càng tăng cao. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2010, đã có trên 200 vụ đình công trên phạm vi cả nước. Trong số các cuộc đình công được đề cập trên, có 70,5% số cuộc xảy ra ở các doanh nghiệp FDI; 24,8% ở các doanh nghiệp dân doanh và 4,6% ở các doanh nghiệp nhà nước. Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, trong quý đầu năm 2011 đã xảy ra 220 cuộc đình công trên toàn quốc, so với tổng số 216 cuộc đình công của cả năm ngoái.

Nguyên nhân dẫn đến đình công được lý giải bởi nhiều lý do, một phần quan trọng nằm ở phía doanh nghiệp. Có đến 4 trên 10 công ty có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài làm ăn tại Việt Nam có hợp đồng lao động không tuân thủ Luật Lao động Việt Nam một cách đầy đủ hoặc đúng đắn. Tình trạng tai nạn lao động (TNLD) ở các doanh nghiệp có chiều hướng gia tăng về số vụ và mức độ nghiêm trọng.

Trong mối quan hệ với các DN, đối tác trong ngành cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Theo báo cáo sơ kết công tác phòng ngừa, đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ của Bộ Công an, trong 5 năm (2002 - 2007), ở 43 địa phương đã phát hiện 1.092 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả. Mỗi năm, các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng ngàn vụ sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Vấn đề “nổi cộm” trong quan hệ với chủ sở hữu là tình trạng không trung thực, thiếu minh bạch rất phổ biến. Chiếm dụng vốn là một vấn nạn khác trong mối quan hệ kinh tế. Dư nợ mà Ngân hàng Chính sách xã hội hiện chưa thu hồi được từ các khoản nợ xấu, nợ vay do doanh nghiệp xuất khẩu lao động chiếm dụng của người lao động lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhiều lao động rơi vào cảnh nợ nần vì bị doanh nghiệp chiếm dụng vốn, nhưng việc xử lý lại gặp khó khăn do doanh nghiệp có nhiều mánh “lách” luật.

Bên cạnh đó, môi trường sống ngày càng xấu đi. Theo báo cáo Tổng quan môi trường Việt Nam trong giai đoạn 2006 - 2010, môi trường Việt Nam đã có những diễn biến phức tạp. Trong đó, doanh nhiệp là một tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Kết quả kiểm tra thực địa tại các KCN cho thấy, chất thải là rất lớn và phức tạp. Tại thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM cho biết, chất lượng nước sông Sài Gòn liên tục trong tình trạng ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép.

(Ảnh minh họa)

Không thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách, với Nhà nước và xã hội. Tình trạng nợ đọng thuế xuất hiện khá phổ biến ở các doanh nghiệp tư nhân. Điều đáng lo ngại là khi cơ quan thuế phát hiện hành vi trốn thuế, để nợ đọng tiền thuế, các DN thường dùng “chiêu bài” đổi tên công ty hoặc tạm ngừng hoạt động và chuyển văn phòng đi nơi khác...

Câu kết, định giá độc quyền là những hành vi phi đạo đức kinh doanh khác. Theo Báo cáo đánh giá cạnh tranh trong 10 lĩnh vực của nền kinh tế do Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương cung cấp, nguồn sữa bột nhập khẩu đang chiếm tới 80% sản lượng của toàn thị trường nước ta, tình trạng “liên kết theo chiều dọc” giữa các khâu phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu này đã đẩy giá lên cao. Phổ biến là nhập thông qua một nhà xuất khẩu trung gian ở nước thứ 3 (có mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp) và khai giá sữa ghi trên hóa đơn nhập khẩu đội lên rất nhiều, hay “móc ngoặc” giữa nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu liên kết ghi hóa đơn nhập khẩu với giá thấp hơn giá thực tế nhằm tránh thuế nhập khẩu, hoặc chuyển phần lớn chênh lệch giá vào chi phí quảng cáo, khuyến mại, các chi phí trung gian khác…

Một vài kết luận

Qua những dẫn chứng trên đây, có thể cho thấy: Doanh nghiệp Việt Nam ý thức rất rõ và cũng đã có nhiều đóng góp trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội wwcủa mình. Mặc dù vậy, hoạt động của doanh nghiệp ở nước ta cũng gây ra nhiều vấn đề bất cập về mặt xã hội. Chính điều đó làm cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp Việt Nam thiếu vững chắc. Theo số liệu tổng hợp năm 2009 của Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME), trong số 350.000 doanh nghiệp NVV (năm 2009), chỉ có 20% đang hoạt động tốt, 20% đã ngừng hoạt động, và 60% DN hoạt động trong tình trạng rất bấp bênh.

Tại sao lại xảy ra tình trạng trên?

PHẢI CHĂNG…

- Vấn đề TNXH chưa được Chính phủ, xã hội và doanh nghiệp quan tâm đúng mức?

KHÔNG PHẢI. Thực tế cho thấy đã có rất nhiều chương trình hoạt động của Chính phủ, các tổ chức trong nước và quốc tế. Các nội dung này đã được đưa vào các chương trình đào tạo ở các cấp phổ thông, đại học, các chương trình đào tạo/bồi dưỡng kiến thức và quản lý cho doanh nghiệp và những người lãnh đạo. Nhiều công trình nghiên cứu về các vấn đề liên quan được thực hiện hằng năm.

- Chúng ta chưa xây dựng được các cơ chế, hệ thống, tiền đề cần thiết cho doanh nghiệp để thực thi TNXH?

KHÔNG PHẢI. Nhiều bộ luật, nghị định liên quan đến các đối tượng và lĩnh vực trên đã được soạn thảo, ban hành hay được giới thiệu và tuyên truyền để vận dụng. Nhiều cơ quan, uỷ ban, tổ chức được thành lập để truyên truyền, trợ giúp, quản lý, giám sát việc thực hiện.

- Chúng ta không thể dành những nguồn lực cần thiết và có những biện pháp hỗ trợ tích cực cho DN để thực thi TNXH?

KHÔNG PHẢI. Nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước được cam kết, sử dụng cho mục đích hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai các chương trình hành động vì môi trường, thực thi trách nhiệm xã hội, trợ giúp người nghèo, đào tạo người lao động, VSATTP…

Nguyên nhân chính nằm ở hai lý do sau:

- Nhận thức về CSR của doanh nghiệp còn chưa đúng đắn.

- Doanh nghiệp chưa chọn đúng cách tiếp cận khi thực thi CSR.

 


  • 14/10/2011 09:28
  • Theo Theo Tạp chí Điện lực - Chuyên đề Quản lý & hội nhập tháng 8/2011
  • 2989


Gửi nhận xét