Thương hiệu Harry Potter

Harry Potter là một hiện tượng xây dựng thương hiệu. Trên thế giới có hàng trăm mặt hàng khác đã "ăn theo" thương hiệu này.

Hiệu quả marketing truyền miệng

Trong trường hợp cuốn sách Harry Potter, những cơ hội xây dựng thương hiệu đã được khai thác thành công để tạo thành một trong những ví dụ tuyệt vời nhất mà marketing truyền miệng từng có được.

Hình minh họa

Khi khởi thảo cuốn truyện đầu tay vào năm 1990, tác giả Rowling chắc không thể tưởng tượng được rằng những cuốn sách của mình rồi sẽ được bán ra đến hàng chục triệu bản trên khắp thế giới và đưa bà trở thành một trong những phụ nữ giàu nhất nước Anh. Ngoài tài kể chuyện được ông trời ban tặng của mình, thành công của Rowling cũng phải tính đến món quà marketing của nhà xuất bản. Bloomsbury là nhà xuất bản duy nhất ở Anh đã nhận ra tiềm năng nguyên thủy của tác phẩm – mà trước đó đã bị 3 nhà xuất bản khác từ chối hợp tác.

Khi cuốn đầu tiên trong loạt sách này được xuất bản năm 1997, lời đồn đại bắt đầu lan truyền và nhanh chóng bán được 30.000 bản chỉ riêng ở Anh. Công luận đã tác động mạnh mẽ đến các nhà xuất bản khác trên khắp hành tinh.

Khi cuốn sách thứ 2 ra đời, tác động truyền miệng hình thành lớn đến nỗi đã tạo thành một cơn sốt và cuốn sách nhanh chóng lọt vào danh sách những cuốn sách bán chạy nhất nước Anh.

Những cuốn sách tiếp theo lần lượt xuất hiện, rồi đến những bộ phim Harry Potter được công chiếu và gặt hái thành công. Không còn điều gì có thể ngăn cản được bước phát triển của thương hiệu. Những cuốn phim đã hỗ trợ cho các cuốn sách và ngược lại, kéo theo đó là một loạt các mặt hàng ăn theo.

Thành công quá mức của Harry Potter đã không tránh khỏi những lời xoi mói. Tác giả Rowling đã bị một nhà văn vô danh đưa ra tòa với cáo buộc tác phẩm Harry Potter đã ăn cắp ý tưởng. Bên cạnh đó, một số người cho rằng Harry Potter có những tác động không tốt đến tính cách của trẻ em… Tuy nhiên, không một phản ứng nào có thể gây hại cho thương hiệu mà còn hỗ trợ thêm cho thương hiệu với những quan hệ công luận được nhắc đến ở nhiều nơi. Đây là một bài học cần được cân nhắc đối với mọi thương hiệu.

Câu chuyện về chính bản thân thương hiệu

Cũng như chính bản thân những cuốn Harry Potter, câu chuyện về bản thân thương hiệu này cũng có những điều diệu kỳ của riêng nó: Một bà mẹ độc thân (tác giả Rowling) đã làm những gì để trở thành người phụ nữ có thu nhập cao nhất thế giới và là người tạo nên thương hiệu Harry Potter. Cùng với Harry Potter, người phụ nữ này đã trải qua biết bao thăng trầm (những lá thư phản đối, việc đụng chạm với nhà thờ, những vụ kiện tụng…).

Chắc rằng, câu chuyện xung quanh cuốn sách cũng hấp dẫn không kém gì những câu chuyện xảy ra trong sách, trong việc tạo thành thương hiệu. Đây là một bài học của những thương hiệu lớn - tạo nên những huyền thoại của riêng mình. Những thương hiệu lớn luôn tạo nên những câu chuyện hấp dẫn, mang hơi hướng huyền thoại, ví như câu chuyện của Microsoft - một sinh viên siêu tin học trở thành người giàu có nhất vẫn còn sống và thống trị cả thế giới công nghệ vi tính.

Chắc chắn mọi câu chuyện xung quanh thương hiệu không phải lúc nào cũng hoàn toàn là thực tế. Chúng phải được trau chuốt, được biên soạn sao cho các chi tiết phải phù hợp, thậm chí được huyền thoại hóa. Đó cũng chính là mục đích trong việc xây dựng thương hiệu. Với Harry Potter, nếu chuỗi truyện có kết thúc thì câu chuyện về thương hiệu này vẫn còn nhiều chương hồi chưa được đọc tới.


  • 22/01/2014 03:44
  • Thảo Nguyên
  • 2003


Gửi nhận xét