August Wingardh đã chọn Việt Nam làm quê hương thứ 2 để sinh sống và lập nghiệp
|
Năm 1994, August Wingardh (người Thụy Điển) đặt chân đến TP.HCM với vai trò là trưởng đại diện, người mở đường cho IKEA, thương hiệu phân phối sản phẩm nội, ngoại thất lớn nhất châu Âu. Nhờ "làm ăn" với IKEA mà đồ gỗ Việt Nam rộng đường ra với thế giới và nhanh chóng được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng. Hết nhiệm kỳ với IKEA, lý ra August Wingardh hồi cố hương để sum họp gia đình, nhưng ông lại chọn ở lại cùng vợ con xây dựng hạnh phúc tại nơi này.
* Ông đã có gần 20 năm sống ở Việt Nam. Điều gì khiến ông gắn bó với nơi này đến thế?
- Sống ở đây suốt thời thanh xuân, bảo tôi bóc tách nguyên nhân, quả thật là một vấn đề không đơn giản. Đó là tổng hòa của những nguyên nhân. Tôi thích Việt Nam ở con người, ẩm thực...
Đến từ một quốc gia đã phát triển đến mức già cỗi, tôi bị cuốn hút bởi nhu cầu khẳng định mình tại đất nước này. Tôi thấy ai cũng muốn trở thành một cái gì đó lớn lao. Nguồn sinh khí ấy khó có thể tìm được ở các quốc gia khác. Có lẽ đó chính là điều giữ chân tôi.
* Chưa có phiền phức nào ở đây khiến ông khó chịu chứ?
- Tôi cũng nhiều lần khó chịu vì phải mất quá nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục hành chính. Như việc đi xin visa nhập cảnh chẳng hạn, rất mất thời gian.
Tuy nhiên, ở đâu cũng vậy cả, được cái này thì mất cái kia. Khi các bạn phát triển đến mức chuyên nghiệp trong các thủ tục hành chính thì biết đâu ý chí, sức phấn đấu của mọi người cũng sẽ bị chai theo tốc độ phát triển thì sao.
* Điều kiện xã hội sẽ quyết định sự phát triển con người nhiều chứ, thưa ông?
- Tôi quan niệm con người ở đâu cũng giống nhau. Không có chuyện dân tộc này vượt trội hơn dân tộc khác. Tuy nhiên, trong từng điều kiện sống khác nhau sẽ hình thành nên những con người khác biệt.
Tôi nghĩ, người Việt rất có tiềm năng phát triển bởi các bạn đang xây dựng và ngày càng hoàn thiện các điều kiện để phát triển.
* Ông ở lại Việt Nam để tận dụng những điều kiện này và phát triển kinh doanh?
- Năm 2006, sau khi nhiệm vụ với IKEA đã hoàn thành, tôi đứng trước vài lựa chọn, tiếp tục làm công việc cũ với một nhiệm kỳ mới để ở lại hay quay về Thụy Điển..., nhưng rồi lại chọn một hướng đi hoàn toàn mới là ra riêng lập nghiệp.
Thời điểm đó, trình độ sản xuất đồ gỗ nội, ngoại thất Việt Nam đã phát triển và có tiếng trên thế giới nhưng thị trường trong nước thì còn hạn chế.
Có thể là họ không còn đủ sức để tiếp cận thị trường trong nước khi đơn đặt hàng gia công xuất khẩu đã quá nhiều. Có sẵn kinh nghiệm, lại thấy được khoảng trống của thị trường, tôi quyết định thử sức.
Thực sự, để phát triển kinh doanh ở Việt Nam cũng không đơn giản, dù rất nhiều cơ hội. Tôi chọn ra riêng, tìm kiếm cơ hội ở thị trường là quyết định mang tính mạo hiểm với vị trí hiện có của mình lúc đó. Tôi không muốn mình mãi an toàn ở một điểm dừng. Thay đổi cũng là cách để tiến lên.
Cái giá của mạo hiểm
* Khi Việt Nam có Nhà Xinh, Phố Xinh... thì UMA ra đời đã gây nên sự tò mò. Thương hiệu này hình như không có nghĩa?
- UMA là viết tắt của ba cái tên của người sáng lập nên thương hiệu này. Có thể nó không có ý nghĩa về mặt ký tự nhưng lại có ý niệm nhắc nhở đây là công trình tập thể và có phần hiện diện của mỗi thành viên.
* Bước qua giai đoạn khởi nghiệp, sau hơn 5 năm, UMA đã phát triển thế nào, thưa ông?
- Khi cùng nhau khởi sự cho UMA, chúng tôi đã có phân công, chia sẻ công việc với nhau khá chi tiết. Thế mạnh của ai, người nấy phát huy. Chúng tôi thỏa thuận với nhau, sau 1.000 ngày thử nghiệm sẽ cùng nhau đánh giá xem UMA có thể hoạt động được không.
Sau cái mốc này thì sẽ cho UMA 10 năm để xem có tồn tại và phát triển được không. Chặng đường thứ hai này chúng tôi vẫn đang đi và ít nhất chúng tôi thấy mình còn 5 năm phía trước để phấn đấu.
* Hơn 15 năm phát triển thị trường cho IKEA, kinh nghiệm xuất khẩu của ông cũng không ít?
- Xuất khẩu và bán lẻ có độ vênh nhất định. UMA cũng tham gia xuất khẩu khi có đơn đặt hàng nhưng chúng tôi không chú trọng vào mảng này mà tập trung vào thị trường bản địa.
Chắc chắn, chúng tôi sẽ không phát triển thương hiệu UMA sang nước ngoài vì vẫn còn rất nhiều người Việt Nam chưa tiếp cận được với UMA. Nhiệm vụ của UMA lúc này là phát triển hệ thống rộng khắp Việt Nam.
* Các nhà sản xuất sản phẩm nội, ngoại thất Việt Nam cũng đã chú ý đến thị trường trong nước nhưng vẫn chưa thể tiếp cận thị trường này. Theo ông, nguyên nhân chính là gì?
- IKEA thành công vì đã tổ chức được hệ thống phân phối tốt, đặt hàng và kiểm soát chất lượng hàng tốt chứ không phải là sản xuất tốt. Các nhà sản xuất ở VIệt Nam muốn phân phối sản phẩm đến người dùng không nên tự tổ chức phân phối hoặc cùng nhau phân phối vì điều này không chuyên nghiệp và mạo hiểm.
Như việc mở một showroom bán hàng, DN sản xuất dù có lợi thế giá sản xuất nhưng giá bán sản phẩm vẫn sẽ cao hơn cửa hàng của UMA vì chi phí bán hàng không được chia cùng các sản phẩm khác.
Cái mà các bạn cần nhất là một nhà phân phối đủ lớn để thị trường hạn chế được những ngách phân phối nhỏ lẻ, khiến sản phẩm bị đội giá lên cao như hiện nay.
Tôi đánh giá cao cơ hội để phát triển trong lĩnh vực phân phối hàng nội, ngoại thất tại Việt Nam. DN trong nước có thể khai thác cơ hội này.
* Hoạt động chính thể hiện trách nhiệm xã hội của UMA là gì?
- Ở Việt Nam, lao động thủ công phát triển nên có rất nhiều nghệ nhân từ các làng nghề. Tuy nhiên, công nghiệp hóa đang khiến các bạn mất dần đi đội ngũ này. UMA đang kết hợp với Hiệp hội Thiết kế Thụy Điển tổ chức các chương trình hỗ trợ làng nghề, giới thiệu và vinh danh các nghệ nhân, tập huấn cho họ nâng cao trình độ...
Chúng tôi cũng đang triển khai chương trình lớn, kết hợp với các tổ chức của Thụy Điển để hỗ trợ quá trình tái hòa nhập cộng đồng của những phạm nhân mãn hạn tù. Dạy nghề cho họ, nhận họ vào làm việc tại UMA...
Không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước, đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn trong việc tái hòa nhập. Chúng tôi cố gắng tạo điều kiện để họ có thể làm lại con người mới, rũ bỏ quá khứ tội lỗi của mình.
* Xin cảm ơn ông!