Trị "bệnh nan y" của trẻ mẫu giáo

Mè nheo, thích "gây chiến"... là những "bệnh" phổ biến ở nhiều trẻ khiến cha mẹ đau đầu.

Nếu trong nhà bạn có một đứa trẻ đã hoặc đang ở tuổi mẫu giáo, hẳn nhiên bạn đã từng gặp không ít phiền phức. Là mẹ của 2 "thiên thần" (cu Bean gần 4 tuổi và Suri 2 tuổi), đôi khi đầu tôi như muốn "nổ tung" vì thói nhõng nhẽo, biếng ăn hay "chiêu trò" của chúng. Nhưng có trải nghiệm, tôi mới "vỡ vạc" ra được nhiều vấn đề và biết cách xử lý linh hoạt hơn.

1. Biếng ăn

Bước vào tuổi mẫu giáo, trẻ có xu hướng chán ăn hoặc thỉnh thoảng chẳng hứng thú gì với ăn uống. Biểu hiện của con trẻ có thể khiến bạn bất an, lo lắng, nhưng thực tế, đó là việc bình thường.

Trẻ mẫu giáo thường có thói quen ăn uống thất thường. Có thể ngày hôm nay chúng ăn rất nhiều và ngon miệng, nhưng hôm sau chúng đã dửng dưng với đồ ăn. Đôi khi, chúng sẽ từ chối kịch liệt việc ăn tất cả các loại thực phẩm, chủ yếu là rau xanh. Do đó, nhiệm vụ của cha mẹ không phải là ép trẻ ăn bằng được mà nên đưa ra nhiều sự chọn lựa về thức ăn, từ đồ ăn vặt đến món ăn chính, đồng thời, sáng tạo để thực đơn hấp dẫn hơn. Ví dụ, nếu trẻ thích sữa, sữa chua và hoa quả thì hãy làm thành sinh tố. Rau xanh cũng được "ngụy trang" thật khéo trong các món ăn.

Cố ép trẻ ăn là biện pháp phản khoa học, đôi khi, gây tâm lý sợ hãi cho trẻ. Tốt nhất, cứ để kệ và dành cho trẻ cơ hội được... đói để tự chúng thấy thèm ăn và ăn uống ngon miệng hơn. Ngoài ra, đừng quên khích lệ khi trẻ ăn ngoan, ăn giỏi.

Trị 'bệnh nan y' của trẻ mẫu giáo - 1

Hầu hết các trẻ ở tuổi mẫu giáo đều biếng ăn (ảnh minh họa)

2. Không chịu ngủ

Đến tuổi mẫu giáo, trẻ sẽ trở thành "em bé lắm chiêu", nhăm nhăm phá vỡ các quy tắc thông thường của mẹ và việc từ chối vào giường mỗi đêm có thể sẽ là một trong những cách bé khẳng định "quyền tự chủ". Trước hoàn cảnh này, cha mẹ cần thật bình tĩnh mới mong lập lại khuôn khổ cho bé "tâm phục, khẩu phục".

Lúc này bé con của bạn đã bắt đầu tập tành tính độc lập, vậy hãy tạo cho bé cảm giác là bé “có quyền”: Quyền lựa chọn câu chuyện kể trước lúc ngủ, bộ đồ ngủ yêu thích hay con thú ôm nào đó. Nhưng chỉ nên có 2 - 3 lựa chọn để không quá tốn thời gian. Không nên hỏi: “Con có muốn đi ngủ bây giờ không?”, thay vào đó, hãy hỏi: “Con muốn đi ngủ bây giờ hay 5 phút nữa?” Dù chưa muốn ngủ nhưng bé vẫn sẽ phải chọn một.

Đặc biệt, trước giờ đi ngủ, trẻ sẽ "nghĩ kế" kéo dài thời gian bằng một số chiêu trò như: Mè nheo đòi hết cái này đến cái khác, hỏi thật nhiều... Nếu ngờ rằng đó là biện pháp "câu giờ" của trẻ thì bạn cần cứng rắn nói "Không" để cho bé hiểu rằng, không được "yêu sách" thêm gì nữa.

3. "Đệ nhất mè nheo"

Mè nheo, hay khóc là "bệnh" khá phổ biến ở trẻ tuổi mẫu giáo và đó là đặc trưng tâm lý bình thường. Ở độ tuổi này, mỗi trẻ biểu hiện sự "khủng hoảng" lứa tuổi theo một cách khác nhau, bé thì nhõng nhẽo, trẻ khác lại ăn vạ, bướng bỉnh hay có nhóc thường xuyên ném đồ, đánh người khác... Tuy nhiên, sự tăng, hay giảm hiện tượng này đều do người lớn có vô tình củng cố các hành vi đó hay không.

Khi đã để trẻ "vào cơn" thì sẽ rất khó dỗ cho nín. Nhiều người cố tìm mọi cách từ chiều theo đòi hỏi của con, đến hù dọa, thậm chí đánh con để bé thôi khóc, và sau đó cố gắng giải thích để con biết làm như thế là sai rồi yên lòng khi thấy bé hứa hẹn "Con biết rồi, lần sau con không thế nữa". Nhưng chỉ một lúc sau, họ sẽ lại nổi nóng bởi bé tiếp tục thói nhõng nhẽo của mình. Và lúc đó "kịch bản" cũ sẽ lặp lại gây bức bối, ức chế cho cả mẹ lẫn con.

Bởi thế, tốt nhất, khi thấy con chuẩn bị mè nheo, hãy làm những động tác vui vẻ như làm hề, pha trò, đùa, cù bé... hay lái sang một câu chuyện hấp dẫn để bé quên ngay "ý đồ" của mình. Sau đó, lúc con bình tĩnh lại, bạn có thể trò chuyện với con về hành vi không tốt đó, có thể kể cho bé nghe một câu chuyện trong đó có những nhân vật có hành động tương tự hoặc cho con chơi trò đóng vai trong các tình huống đó.

Mè nheo, quấy khóc là những biểu hiện thường thấy (ảnh minh họa)
 

4. "Chiến tranh giữa các vì sao"

Khi có em nhỏ, trẻ mẫu giáo dễ có cảm giác như vừa bị loại khỏi vòng chung kết cuộc thi "Thần tượng nhí" bởi một thí sinh mới nổi, không mấy tài cán mà chả hiểu từ đâu ra. Vì vậy, hãy giúp con kiềm chế sự đố kỵ và bỏ những "âm mưu chơi xấu" em bằng cách:

- Trước khi trẻ lên chức anh/chị, hãy để con tiếp xúc với nhiều em bé xung quanh và cho con thấy rằng được làm anh/chị thật tuyệt. Sau đó hãy hào hứng thông báo rằng con cũng sắp được là anh (chị) rồi vì em bé nhà mình sắp ra đời. Nếu hiểu rằng việc có em sẽ mang lại cho mình nhiều điều hay ho thì trẻ sẽ bớt căng thẳng hơn.

- Khi em bé chào đời, thỉnh thoảng bạn hãy thưởng cho trẻ một món quà để bé cảm thấy vui vì được quan tâm đặc biệt và không còn lo sợ cảm giác bị em bé "chiếm ngôi".

- Đừng bao giờ nói với trẻ rằng bạn không có thời gian cho chúng vì đang tất bật với em. Luôn khẳng định với con rằng con vẫn luôn được yêu thương.


  • 28/06/2012 03:16
  • Theo eva.vn
  • 1686


Gửi nhận xét