Triển khai VHDN không còn là phong trào

Việc triển khai văn hóa doanh nghiệp không còn chỉ dừng lại ở một phong trào mà đã và đang trở thành một chủ trương lớn của Nhà nước.

Vừa qua, Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định 1610/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020.

Việc phê duyệt Chương trình dựa trên cơ sở kế thừa thành quả, thành tựu đạt được trong triển khai xây dựng đời sống văn hóa cơ sở giai đoạn 2000-2010. Đồng thời, nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền, phát huy ý thức tự nguyện, tự giác, tạo cơ chế quản lý đồng bộ để phát triển bền vững. Chương trình được định hướng gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển văn hoá trong Chiến lược văn hoá đến năm 2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2011 – 2020.

Việc thực hiện Chương trình là nhằm nâng cao chất lượng phong trào, xây dựng con người có tư tưởng, đạo đức, lối sống nếp sống văn hoá, môi trường văn hoá lành mạnh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, triển khai Chương trình “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” sẽ tạo sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của phong trào văn hóa, huy động mạnh mẽ các nguồn lực tham gia, thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội hoá văn hoá, động viên sức người, sức của của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp.

Triển khai VHDN luôn được các doanh nghiệp ngành Điện chú trọng

Một trong những điểm quan trọng của Chương trình liên quan đến hoạt động xây dựng và triển khai văn hóa doanh nghiệp, đó là Chương trình đã nhấn mạnh việc xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá. Cụ thể, đến năm 2015, phấn đấu 70% các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, ở vùng đồng bằng, và 60% các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ở vùng miền núi, hải đảo, biên giới đạt chuẩn văn hoá.

Việc xây dựng và công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá (Điểm 4 của Nội dung chương trình) nêu rõ:

- Xây dựng cơ quan, đơn vị (cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị; các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá, thông tin, thể thao và du lịch, các đơn vị quân đội nhân dân, công an nhân dân) đạt chuẩn văn hoá là do Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công nhận theo các tiêu chuẩn: Hoàn thành tốt nhiệm vụ; Xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hoá công sở; Gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Xây dựng doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá, do Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công nhận theo các tiêu chuẩn sau: Sản xuất kinh doanh ổn định và từng bước phát triển; Xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hoá doanh nghiệp; Nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của người lao động; Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Như vậy, thông qua việc Chính phủ nỗ lực triển khai nếp sống văn hóa trong cộng đồng cũng như khích lệ các doanh nghiệp xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Thực hiện nề nếp văn minh hiện đại trong công sở, nâng cao đạo đức kinh doanh trong doanh nghiệp đã thể hiện sự quan tâm, không ngừng tôn vinh và mong muốn xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng vững mạnh. Việc triển khai văn hóa doanh nghiệp vì vậy không còn chỉ dừng lại ở một phong trào mà đã và đang trở thành một chủ trương lớn của Nhà nước.


  • 26/12/2011 04:53
  • Theo TCĐL
  • 4366


Gửi nhận xét